Văn phân tích: Nhớ mùa thu Hà Nội

mùa thu nay khác rồi

“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa”

Mùa thu Hà Nội sao mà đẹp! Những ai đã sông ở Hà Nội làm sao quên được mùa thu với bao nhiêu kỉ niệm êm đềm. Nỗi nhớ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi như nói hộ cho bao nỗi lòng xa Hà Nội. Bằng những câu thơ vào loại hay nhất của bài thơ “Đất nước”, tác giả hồi tưởng lại mùa thu Hà Nội:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Đứng trước mùa thu kháng chiến “sáng mát trong”, nhà thơ nhớ về mùa thu Hà Nội. Nhưng mùa thu Hà Nội biết bao điều đáng nhớ. Những mặt gương hồ thu trong xanh. Liễu mềm tha thướt. Hương cốm, sắc hồng bịn rịn. “Íí nhiều thiếu nữ buồn không nói”... Nguyễn Đình Thi nhớ nhất một sớm mùa thu gắn với kỉ niệm của người rời Hà Nội ra đi:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”

Nguyễn Đình Thi tinh tế trong cảm giác. Nhà thơ cảm nhận mùa thu ở giây phút đổi mùa, ở biên giới của thời gian. Từ “chớm lạnh” thật là hay. Lúc “chớm lạnh” là thời điểm đổi mùa, màu sắc đổi thay, cây lá đổi thay, y phục đổi thay. Phải thân thuộc với Hà Nội lắm mới có được cảm nhận này. Lời chữ trong thơ rất nhẹ, nhẹ hơn gió heo may mùa thu. “Những phố dài xao xác hơi may”. Từ “xao xác” gợi âm thanh của những chiếc lá vàng lăn trên phố dài Hà Nội, tiếng thu của phố phường. “Làm thơ là cân từng một phần nghìn miligram quặng chữ” (Maiacôpxki). Nguyễn Đình Thi cũng đã cân nhắc từ ngữ theo tinh thần như thế. “Hơi may” chứ không phải là “heo may”, nghĩa là còn nhẹ hơn gió heo may. Tác giả đã miêu tả được không khí rất đặc trưng của Hà Nội trong những ngày đầu thu với những nét tĩnh lặng, buồn và đẹp.

Mùa .thu gợi cho nhà thơ nhớ lại như in hình ảnh của những thanh niên Hà Nội ra đi kháng chiến. Trong lớp “người ra đi” chắc chắn là có tác giả, hồi đó cũng còn rất trẻ:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

mùa-thu-Hà-Nội1

Những thanh niên Hà Nội giã từ Thủ đô hoa lệ lên đường đi kháng chiến chống Pháp, tư thế thật là dứt khoát: “đầu không ngoảnh lại”. Tư thế và dáng vẻ đó không nói lên sự hờ hững mà thể hiện sự xúc động sâu sắc trong lòng. Người thanh niên Hà Nội ra đi kháng chiến hồi đó, tinh thần gần với người hiệp sĩ. Nhiều nhà thơ cũng đã miêu tả những chàng thanh niên rời Hà Nội đi kháng chiến với tinh thần nghĩa hiệp như vậy.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

(Quang Dũng)

“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất pha cờ đỏ thắm”

(Chính Hữu)

Những chàng trai trong bài thơ “Đất nước” ra đi kháng chiến với tinh thần quyết tâm, không bịn rịn thê nhi, nhưng vẫn đầy lưu luyến với Hà Nội thân yêu. “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà vẫn nghe được âm thanh của những chiếc lá rơi bên thềm nắng:

“Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Tiết tấu của câu thơ lạ. Nếu đọc theo tiết tấu “Sau lưng thềm I nắng lá rơi đầy” thì ý thơ hơi xô bồ. Lắng nghe nhà thơ Nguyễn Đình Thi đọc, ta nhận ra tiết tấu của câu thơ là:

“Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

“Thềm nắng” là hình ảnh, ánh sáng, màu sắc của ấn tượng. Tứ thơ thêm thi vị, hợp với hồn thu Hà Nội, cũng hợp với nỗi buồn man mác của buổi chia li. Câu thơ gợi nhớ những câu thơ ấn tượng trong phong trào thơ mới:

“Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”

(Bích Khê)

“Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”

(Anh Thơ)

Câu thơ cũng gợi nhớ câu thơ ấn tượng trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu: “Ve kêu rừng phách đổ vàng”.

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà vẫn nhận biết lá rơi đầy “sau lưng thềm nắng” thì không thể nói hết được lòng yêu quê hương Hà Nội của “người ra đi” sâu thẳm dường nào!

Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có sức nỗ lực phấn đấu cho từng câu thơ, cho sự giàu có bên trong câu thơ. Ông coi thường sự liên kết bên ngoài giữa các câu thơ. Trên con đường nỗ lực phấn đấu ấy, nhà thơ đã để lại những câu thơ hay, những câu thơ dày dặn chất liệu đời sống, nặng trĩu tư tưởng và có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn người đọc. Mấy câu thơ trong phần mở đầu bài thơ “Đất nước” là thành công mĩ mãn của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật thơ.

Viết bình luận