Phân tích bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải bài II) trong tập Nhật kí trong tù của Hổ Chí Mình
Nếu Tảo giải I ghi lại những sự kiện, cảm xúc, tâm trạng của người tù Hồ Chí Minh ở thời khắc gà gáy một lần và bóng đêm còn đang ngự trị trên đường đi đày vùng sơn cước tỉnh Quảng Tây, thì ở Tảo giải II ta bắt gặp những cảnh và tình của người thi nhân trước cảnh bình minh ngày mới. Ánh sáng và hơi ấm đã thay thế bóng tối giá rét.
So với Tảo giải I thì bốn câu thơ tứ tuyệt trong bài Tảo giải II đậm đà màu sắc lãng mạn hơn. Tất cả các hình tượng trên được mô tả trong tính chất đột biến và cảm xúc của nhà thơ khi nhìn sự vật rất chủ quan. Ba dòng thơ đầu cảm hứng hướng về với phía thiên nhiên: hai câu thơ đầu nói về ánh sáng, còn câu thứ ba là hơi ấm của bình minh ngày mới.
Sau một đêm đi trong tối và lạnh, sự chờ đợi bình minh của người tù đã xuất hiện cảnh:
Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng.
(Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng)
Chữ hồng ở đây có nghĩa là đỏ. Rõ ràng bản dịch đã không đúng với tinh thần nguyên tác ở ba tiếng chuyển sang hồng.
Thời gian trong câu thơ nguyên tác là thời gian tâm lí. Vì quá khao khát bình minh nên chỉ cần nhìn thấy tín hiệu bạch sắc phía chân trời phương Đông, Hồ Chí Minh đã thấy nó ngay trong chốc lát biến thành màu đỏ đặc trưng của mặt trời đang lên. Còn bản dịch thơ thì lại mô tả theo thời gian vật lí. Thành phần dịch chuyển màu trắng không phải ngay trong phút chốc biến thành màu đỏ mà phải có thời gian rất dài. Sai lầm ở đây còn là chuyển tráng sang hồng. Màu của bình minh, của mặt trời phải là màu đỏ tươi, đỏ chói. Hồng trong tiếng Hán không giống với màu hồng trong tiếng Việt.
Câu thơ thứ hai cho thấy khí thế, sức mạnh, sự toàn thắng của bình minh với bóng đêm:
U ám tàn dư tảo nhất không.
(Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không)
Bốn chữ u ám tàn dư có nghĩa là những gì còn rơi rớt lại của bóng đêm, của u ám, của sự tàn lụi. Như vậy, Bác không quan tâm đến bóng tối đêm tàn mà chỉ quan tâm đến những dấu hiệu vô cùng ít ỏi của đêm tàn đó.
Ba tiếng tảo nhất không cho thấy sự phủ nhận quyết liệt không hề khoan nhượng của buổi sáng, của bình minh với những gì ít ỏi của bóng tối còn sót lại. Thực tế bình minh muốn thay thế bóng đêm ắt hẳn phải có một thời gian rất cần thiết. Bóng đêm phải tan loãng dần cho đến khi nó mờ nhạt, cho đến khi chỉ còn lại u ám tàn dư. Nhưng ở đây, Hồ Chí Minh không quan tâm tới quá trình đó. Câu thơ cho chúng ta cảm nhận dường như buổi sáng là một khái niệm vĩnh cửu, ở nơi đây chưa hề có bóng đêm. Đó là cái nhìn, cái cảm của một người luôn yêu thích ánh sáng, đã từng nghĩ nhiều đến ánh sáng.
Nếu hai câu đầu nói về ánh sáng thì câu thơ thứ ba nói về yếu tố hơi ấm của bình minh.
Noãn khí bao la trùm vũ trụ.
(Hơi ấm bao la trùm vũ trụ)
Bản dịch thơ đã chuyển tải ý tứ rất tốt. Muốn cảm nhận tinh tế câu thơ này phải nói như Xuân Diệu là ngậĩn nhạc trong miệng mà đọc nó. Câu thơ không ngắt nhịp 4/3 mà sau hai chữ noãn khí, người đọc phải nhấn nhá từng chữ, cung cấp năng lượng để cho những tiếng còn lại bay cao, bay xa thể hiện một niềm vui dào dạt ở trong lòng. Dường như ánh sáng bình minh đi đến đâu thì noãn khí cũng phóng túng, ào ạt đến đó. Hơi ấm không những xâm chiếm mọi không gian mà hơi ấm ấy đang lan tỏa, bay cao, hát lên bài ca của sự sống.
Câu thơ một lần nữa khẳng định sức mạnh tuyệt đối của bình minh, ngày mới đối với vạn vật, với bóng đêm và giá rét đi qua.
Thông thường trong một bài thơ tứ tuyệt Đường thí, cấu trúc thường là: hai câu đầu nói về thiên nhiên, hai câu sau là tâm tình của con người. Còn trong bài thơ này, có đến ba câu nói về thiên nhiên. Đó không phải là sự phá cách theo cách hiểu thông thường. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi thoát khỏi trận trận hàn và chinh đồ thượng. Nên hai câu thơ không thể chứa đựng đủ niềm vui và niềm hạnh phúc. Đối với con người đang chịu cảnh tù đày ấy thì bình minh là món quà vô giá mà tự nhiên ban cho.
Câu thơ cuối cùng gây đột biến bất ngờ bởi sự xuất hiện hình tượng con người.
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.
(Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng)
Chính bản thân câu thơ cũng đã cho chúng ta nhiều cảm xúc bất ngờ. Thực ra người bị tảo giải đích thực là một tù nhân. Nhưng người tù nhân ấy không thừa nhận mình là kẻ bị tù đày. Người tù đã coi mình là một chinh nhân trên con đường chinh đồ thượng. Thật bất ngờ, người chinh nhân ấy giờ là hành nhân đang phơi phới đi trên con đường bình minh nắng ấm với thi hứng đang lên men. Và rồi hành nhân thoắt biến thành thi nhân. Càng độc đáo hơn khi người thi nhân này đã tìm được hạnh phúc lớn nhất, là đã viết được một bài thơ thăng hoa nhất về bình minh. Như vậy, nhân vật trữ tình đã biến đổi nhiều lần, đã đưa chúng ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chính bình minh đã làm nên điều kì diệu, chính buổi sớm không chỉ tạo nên những biến ảo cổ tích cho thiên nhiên mà nó còn làm cho con người như là một hình tượng cổ tích biến ảo.
Câu thơ cuối cùng giúp chúng ta hiểu rõ hơn câu thơ đầu tiên của bài Tảo giải I. Trước lúc gà gáy một lần rõ ràng người tù ấy đang bận rộn với những cảm hứng làm thơ. Cảm hứng thơ ca đã ấp ủ thai nghén nhưng vẫn chưa ra đời được đứa con tinh thần. Thi hứng làm thơ chỉ có thể dậy lên khi có bình minh ngày mới. Ba chữ hốt gia hồng có nghĩa là bỗng thiên thêm sự nồng nàn. Chính bình minh đã thêm vào cái thi hứng sẵn có khiến nó chấp cánh bay cao.
Hai trang nhật kí bôn mươi hai và bốn mươi ba là hai bài thơ tứ tuyệt đi liền nhau, ghi lại sự kiện mở đầu cho một ngày đày ải của người tù. Nó bắt đầu từ lúc còn rất sớm, cho đến khi xuất hiện ánh nắng và hơi ấm chan hòa. Bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh đã thể hiện cảm quan biện chứng tích cực của Người. Đó là hết đêm sẽ đến ngày; hết giá lạnh sẽ là nắng ấm; hết gian khổ lao lung sẽ có tự do... Tác giả đã thể hiện tinh thần lạc quan, thể hiện dũng khí lớn. Có điều, chất thép ấy diễn đạt rất tự nhiên trong tình yêu của Hồ Chí Minh với cảnh vật, với sự vật đầy khí thế, nó tràn trề cảm xúc lãng mạn. Chính vì vậy, Giáo sư Đặng Thai Mai đã coi bài Tảo giải là tứ thơ cải tạo thế giới-, còn Hoài Thanh thì nhận định bài thơ không chỉ nói về bình minh ngày mới mà còn hướng tới bình minh của thời đại mới.
Viết bình luận