Phân tích tính cách chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ (Trích Tắt đèn của Ngô Tất Tố)

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam với tất cả những phẩm chất đẹp đẽ muôn đời là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của các nhà thơ, nhà văn. Với một “ngòi bút cảm quan hiện thực xuất sắc”, một nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo và trái tim tha thiết yêu thương con người. Ngô Tất tố đã khắc họa được hình tượng chị Dậu thật khỏe khoắn, trong sáng ở tiểu thuyết Tắt đèn. Đây là nhân vật trung tâm, là linh hồn của tác phẩm, là đứa con tinh thần vô cùng yêu quý của Ngô Tất Tố được ông chăm chút chu đáo từ đầu cho đến hết câu chuyện. Vì mến thương nhân vật, sống hết mình với nhân vật mà nhà văn đã thể hiện được một quá trình phát triển tâm lí nhân vật một cách nhất quán tuyệt vời trong tính cách của nhân vật ấy. Đặc biệt ở đoạn trích Tức nước vỡ bờ (sách Văn 8 - tập I), sự nhất quán ấy lại là “sự nhất quán giữa đức tính dịu dàng, chịu đựng với tính cách ngang tàng, bất khuất trong tình huống hiểm nghèo”!

Vì sao trong một con người lại có cả hai tính cách tưởng như mâu thuẫn nhau? Chỉ khi đọc tác phẩm, chúng ta mới có được lời giải thích đầy đủ, trọn vẹn và chính xác nhất.

Chị Dậu 2

Vâng! Dịu dàng, đó là phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Á Đông. Dường như nói đến dịu dàng là chúng ta nói đến ngay sự đảm đang, nói đến lòng nhân hậu và tâm hồn cao thượng, vị tha tuyệt vời. Chị Dậu - một người phụ nữ Việt Nam hiền thục, một người phụ nữ đẹp cả hình dáng lẫn tâm hồn thì lẽ tự nhiên, chị phải mang trong mình tất cả những phẩm chất ấy. Cao đẹp hơn, tính dịu dàng, chịu đựng của chị còn xuất phát từ lòng yêu thương chồng con thiết tha, đằm thắm. Những dòng văn gây chấn động tình cảm người đọc mạnh mẽ nhất chính là những dòng văn ca ngợi tấm lòng người vợ người mẹ của chị Dậu.

Cháo đã hơi nguội.

... Chị Dậu rón rén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm:

- Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột...

Đoạn văn có gì đâu, vậy mà người đọc vẫn lặng đi, trong những giây phút “tang tóc của ngôi làng bé nhỏ” giữa vụ thuế tàn ác dã man của chế độ “nửa thực dân, nửa phong kiến” và nhất là sau những ngày đã kiệt quệ sinh lực vì phải gánh trên vai bao công việc nặng nề (bán con, bán chó cứu chồng, chạy hết cửa này, cửa khác để vay tiền, nộp thuế nộp sưu để chồng được tha), ta những tương chị Dậu bị vứt trở về từ tay lũ hào lí, tay sai, chị đã cố gắng không mệt mỏi để cứu anh khỏi cái chết vì kiệt sức, vì đau đớn. Chị chăm sóc anh từng li từng tí, bao nhiêu tình cảm nồng ấm, sâu nặng, chị dã dồn vào anh. Dẫu rằng chỉ một bát cháo nghèo, nhưng một bước đi “rón rén” đến tội nghiệp, một lời khẩn khoản mà chân thành hồn hậu và thắm thiết biết bao nhiêu. Từ từ, nhẹ nhàng, chị đã vực anh dậy lúc nào không hay. Tình cảm của chị như hơi ấm dịu dàng thức tỉnh sự sống cho chồng chị, đưa anh từ “cái xác không hồn” trở về một con người:

Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng... anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo... kề vào đến miệng... Tác giả miêu tả thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng từng hành động, cử chỉ, từng dấu hiệu chuyển biến của anh Dậu. Phải chăng, ông muốn tạo ra cho ta một cảm giác rằng, mỗi cử chỉ, hành động như vậy đều có ánh mắt thấp thỏm, lo lắng của chị Dậu - ánh mắt dõi theo da diết lạ lùng. Lẽ ra, chị Dậu có thể vui sướng tràn trề khi anh Dậu hoàn toàn “sống lại” để bấy nhiêu lo lắng khổ tâm của chị chẳng bị phụ công. Nhưng, đúng như lời một ai đã nói, dường như “chị sinh ra để khổ đau, bất hạnh”, nên dù chị có khao khát một giây phút hạnh phúc ngắn ngủi, cũng nào có được. Lũ quỷ sứ mang mặt người của cái “địa ngục trần gian tăm tối” lại một lần nữa xuất hiện, ào ào như cơn lốc dữ, dập tắt trong chốc lát ngọn lửa hi vọng sống đang nhen nhóm trong anh Dậu.

Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng, cai lộ và người nhà lí trưởng đã sầm ập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng... Gõ đầu roi... cai lệ thét...

- Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy hả? Nộp tiền sưu! Mau!... anh Dậu vội để bát cháo xuống phản và lăn đùng ra đỏó, không nói được câu gì.

Nhìn những cảnh “thảm thê, tội tình” như thế, ta không thể tránh khỏi cảm giác chua chát, xót xa cho số phận đầy bất hạnh của anh Dậu, đặc biệt ở đây chị Dậu là vợ anh - là “người trong cuộc” - thì nỗi cay đắng còn lớn đến mức nào? Nhưng giờ đây, trước mắt chị là lũ lòng lang dạ thú tàn ác, thô bạo, chị sẽ phải xử sự ra sao để vừa cứu được chồng thoát khỏi đòn roi, đánh đập và... cái chết, vừa không để gia đình nhỏ nhoi của chị bị lụy vào “người nhà nước”. Là một con người dịu dàng, biết chịu đựng, chị đã chọn con đường “dùng lí lẽ lễ phép cũng như những lời biện bạch thiệt hơn của kẻ bề dưới” để mà “thưa chuyện”.

Chị Dậu run run:

- Nhà cháu túng lại phải đóng cả suất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu? Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất...

Thái độ của chị Dậu lúc này thật đáng cảm thông biết bao. Là người nông dân chân lấm tay bùn, sống ở tầng đáy cùng của xã hội và đội trên đầu bao lần đè nén, chị Dậu phải “cố giữ mình trong khuôn khổ tự nhiên, trong phép tắc của xã hội, của trật tự trên dưới”. Hơn nữa, ý nghĩ ấy đã ăn sâu vào tâm trí của bao thế hệ người nông dân lúc bấy giờ. Bởi vậy, chị đã phải cô gắng kìm nỗi xúc động khi nhìn chồng “ngã lăn đùng ra đó” (giọng chị “run run”), chị đã phải cố gắng bình tĩnh đối phó, dịu dàng, ôn tồn, nhún nhường, dùng đạo lí để thuyết phục lũ “đầu trâu mặt ngựa”. Lời của chị thật rành mạch, đủ lí, đủ tình, nhưng vẫn không thể làm lung lay bản chất ác quỷ của bọn tay sai (bởi lẽ trong chúng chẳng còn chút lương tâm). Mặc cho người đàn bà khốn khổ thiết tha van xin, lạy lục, hạ mình nhục nhã để xin tha cho chồng, chúng vẫn “bịch”, vẫn “bóp”, vẫn “trợn ngược mắt”, “quát”, “tát”... thô bạo không khác gì thú dữ. Hỏi rằng như thế, có ai chịu đựng mãi được - cái gì cũng có giới hại của nó. Bao căm tức, đau đớn vì bị sỉ nhục, đánh đập dồn nén trong lòng chị, đang ngùn ngụt dâng lên. Bởi chị càng chịu đựng, càng lùi, tên cai lẹ càng lấn tới. Chuyện lại càng căng thẳng mãi lên. Bão táp, mưa sa đến độ phũ phàng, bức bối. Cơn lũ đã lên đến đỉnh. Nước đã tức! Từ một kẻ cam phận bề dưới (cháu - ông) với sự kìm nén nỗi uất ức, sợ hãi, xúc động tột cùng, chị Dậu đã tiến đến ngang hàng (tôi - ông) với sự giận dữ, bất bình lộ rõ và cuối cùng, chị vượt lên uy hiếp chúng (bà - mày):

Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Có thể nói, mọi sức mạnh của chị Dậu đã dồn vào hàm răng nghiến lại thách thức - tạo thành luồng sóng dữ dội, ghế gớm phá tung sự chèn ép của “bờ”.

Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn chỏng quèo trên mặt đất...

Chị Dậu

Chị Dậu - người phụ nữ “dịu dàng chịu đựng” giờ đây bỗng nhanh nhẹn, táo tợn, ngang tàng và bất khuất vô cùng. Chỉ trong thoáng chốc, chị đã chiến thắng giòn giã, “quật ngã hai tên ác ôn” trong giọng điệu hả hê, thích thú của tác giả và người đọc. Hình ảnh người đàn bà lực điền đột ngột bừng sáng với một tư thế sừng sững, hiên ngang, tư thế đẹp nhất trong những tư thế đẹp. Trong một hoàn cảnh hiểm nghèo (chồng sắp bị đánh và có thể bị hành hạ đến chết khi anh còn ốm yếu, một mình chị Dậu phải đương đầu với một thế lực hung ác, bạo tàn), để có được chiến thắng rực rỡ ấy, chị Dậu phải cần một sức mạnh tiềm tàng mãnh liệt. Sức mạnh ấy xuất phát từ đâu? Nguồn động lực nào đã thúc đẩy chị vùng lên mạnh mẽ, khác thường như thế? Vâng! Chỉ có một trái tim yêu chồng tha thiết, hết mực và đức hi sinh lớn lao, cao cả mà thôi. Trong khi đó, tính “dịu dàng chịu đựng” của chị cũng xuất phát từ trái tim nóng bỏng tình yêu thương. Phải chăng, sự nhất quán chặt chẽ được tạo ra từ một suy nghĩ tâm huyết của tác giả: mọi hành động, tính cách của chị Dậu đều xuất phát từ cùng một bản chất. Chị dịu dàng là để chăm sóc chồng, nâng đỡ anh về với “cõi sống”, còn chị “ngang tàng” là để che chở, bảo vệ anh trước sự tấn công của “kẻ thù”. Vả lại, theo quy luật tự nhiên “tức nước” thì “vỡ bờ”, những khổ đau oan trái chồng chất sẽ tạo nên lòng căm thù tột đỉnh, phá tung mọi sự đè nén, chèn ép và không gì có thể ngăn cản nổi. Điều này hoàn toàn thống nhất với bản tính vốn có của chị Dậu: chịu đựng, dịu dàng. Chính sự “nhất quán tuyệt vời” ấy đã tạo cho truyện một sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ, mạch truyện chảy đều và càng chảy, càng dào dạt, say mê.

Nó càng làm sáng tỏ nhận định: Tắt đèn là một thành tựu nghệ thuật xuất sắc cũng như “ngòi bút xây dựng nhân vật tình tiết truyện của nhà văn hiện thực nổi tiếng của Ngô Tất Tố là ngòi bút trí tuệ, uyên thâm và sâu sắc vô cùng”.

Viết bình luận