Phân tích bài thơ Ngắm trăng (Nhật kí trong tù) của Hồ Chí Minh

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Hồ Chủ tịch phải chịu đựng nhiều khổ cực trong hoàn cảnh tù đày. Trong căn phòng giam chật chội, tối tăm. Người như bị tách ra khỏi cuộc sống bên ngoài. Thiên nhiên tươi đẹp từ ánh nắng ban mai đến tiếng chim hót, vầng trăng tất cả đều không dễ đến được với người tù để thưởng ngoạn. Mặc dù có những ngăn cách “tập Nhật kí trong tù để dành cho thiên nhiên một địa vị danh dự” (Đặng Thanh Mai). Thiên nhiên là biểu tưởng của cái, của khát vọng tự do, của sự thanh khiết, cao cả. Thiên nhiên lại có khả năng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với con người. Người đọc bắt gặp trong Nhật kí trong tù một vầng trăng đẹp, một mặt ban mai rực rỡ, những bông hoa ngát hương bên cạnh một thiên nhiên đầy thử thách gió lạnh, đêm tối, đường đi hiểm trở núi non. Hình tượng thiên nhiên dù ở vẻ nào cũng có ý nghĩa và cách tận dụng sàu sắc. Hoài Thanh nhận xét rằng trong thơ Bác đầy trăng. Trong Nhật kí trong tù nhiều lần Người nhắc đến trăng, trăng khuya chiếu sáng xuống khóm chuôi lạnh, (Đêm lạnh) trăng trung thu và nỗi cô đơn của người tù (Trung thu), tiêu biểu hơn cả là bài Ngắm trăng. Ngắm trăng trong tù là một việc không dễ dàng, vầng trăng lướt qua khe cửa nhỏ trong giây phút nào đó. Chẳng thế mà trong đêm trung thu, mọi nhà vui Tết, người tù đành cam chịu nỗi buồn cô đơn, không được tự do nhìn ngắm một vầng trăng.

Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.

Nhật ký trong tù 2

Và trong đêm nay vầng trăng sáng đẹp đẽ hiện ra ngoài khung cửa. vầng trăng làm cho Người xúc động đến xao xuyến “Trong thơ Bác trăng luôn luôn được trìu mến: trăng là ánh sáng, là trong trắng, là mát mẻ, là thái bình, là hạnh phúc mơ ước của con người và niềm an ủi và cũng là tượng trưng cho tình chung thủy, lòng trung thành với hứa hẹn”.

Vẻ đẹp của vầng trăng làm cho người như quên đi gian khổ và cảnh ngộ của người tù, mà hòa với thiên nhiên trong đêm trăng sáng:

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.

Người muốn nhắc đến rượu và hoa, nhưng thú vui thưởng ngoạn của các nhà thơ xưa trong những đêm trăng sáng. Nguyễn Trãi đã từng uống rượu dưới trăng:

Đêm lạnh hớp nguyệt nghiêng chén.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả thú vui:

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.

Nhiều nhà thơ cổ phương Đông nhắc đến trong thơ những cuốc rượu trong đêm trăng với những tưởng tượng đến phong phú. Trong cảnh tù đày, đến cuộc sống bình thường cũng không thể có, nói gì đến rượu và hoa. Thực ra khi Người nói đến rượu và hoa là với tư cách thi nhân với những yêu cầu của một nhà thơ. Trong Nhật ký trong tù, nhiều lúc Người đã xuất hiện với tư cách của nhà thơ. Đấy là lúc bắt gặp và hòa trong cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Đứng trên đỉnh núi cao sau chặng đường leo núi mệt mỏi, phóng tầm mắt nhìn về bốn phương, cảm hứng của nhà thơ thật phóng khoáng và rất thi sĩ:

Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

Trên hành trình áp giải trong lúc tàn đêm giá lạnh, lại bắt gặp một bình minh hửng ấm, làm sao có thể không xúc động với cảm hứng thi nhân:

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

Và đêm nay trong bốn bức tường giam tối tăm, lạnh lẽo, lại xuất hiện một vầng trăng, vầng trăng đẹp làm cho Người thật sự xúc động xao xuyến. Bản dịch chưa lột được hết, được đúng ý thơ, (Đổi thử lương tiêu nại nhược hà). Mấy chữ Khó hững hờ làm giảm đi phần tha thiết gắn bó, không thấy trong khung cảnh đêm trăng đẹp. Người đang bộc lộ niềm vui và xúc động lạ thường. Phải tìm đến với vầng trăng để chiêm ngưỡng, phải tận hưởng những phút giây mà tạo vật đã tặng thưởng cho con người. Không có rượu và hoa nhưng khung cảnh đón trăng thật giản dị và hấp dẫn. vầng trăng đẹp nhởn nhơ tự do trên bầu trời. Trăng là biểu tượng cho cái đẹp, cho ánh sáng đối lập với cảnh tù đày tối tăm, Trăng cũng là biểu tượng của tự do, vầng trăng nhởn nhơ ngoài khung trời đối lập với cảnh giam hãm của người tù. Nữ văn sĩ Bungari Blaga Đimitrôva đã nhận xét tinh tế rằng trong bài thơ Ngắm trăng, tác giả đã biểu thị khát vọng tự do. Tâm hồn của nhà thơ như vượt khỏi bốn bức tường chật hẹp và hòa với cái đẹp của đêm trăng. Tố Hữu khi còn bị giam trong lao Thừa Thiên (năm 1940) cũng viết bài thơ đẹp về trăng:

Trăng qua rào song
Trăng nghiêng mặt cười
Lâng lâng mây hồng
Trăng lên chơi vơi.

Vầng trăng đẹp đó qua con mắt của người chiến sĩ cách mạng, nhà thơ tả càng đẹp thêm, thêm lung linh ngời sáng.

Trăng bằng vàng diệp
Mây bằng thủy ngân
Trời tung sắc đẹp
Thơ bay lên vần.

Khung cảnh đẹp như một giấc mộng nhanh chóng trôi qua. Trăng đến, rồi trăng đi xa và chỉ còn lại hình ảnh người tù buồn và cô đơn trong đêm.

Người tù đứng lặng
Nghe buồn tê da
Rào song sắt nặng
Tàn canh tiếng gà
(Ba bài thơ trăng)

Cảnh ngắm trăng trong Nhật ký trong tù cũng diễn tả thật thi vị. Người chiến sĩ cách mạng được chiêm ngưỡng vầng trăng trong khung cảnh đối nguyệt. Qua khe cửa nhỏ, vầng trăng hiện ra đối diện trực tiếp với người tù. Cảnh ngắm trăng tuy có thể chỉ diễn ra trong giây phút, nhưng tràn đầy cảm hứng, người ngắm trăng của mọi nhà, nhưng đối với người tù lại cảm thấy là vầng trăng của riêng mình. Người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ đã bộc lộ tư thế rất ung dung, chủ động, thanh thản đế ngắm trăng. Cảnh ngắm trăng diễn ra thật đặc biệt khiến nhiều người nghĩ rằng đây không phải là cảnh ngắm trăng trong tù mà như ở một lầu vọng nguyệt nào. Thái độ ung dung chủ động của người chiến sĩ cách mạng bộc lộ một phương diện chất thép của tâm hồn. Không có một nghị lực vững chắc, ý chí kiên cường làm sao có thể vượt lên khó khăn và đến với thiên nhiên đẹp trong tư thế đó. Không có chất thép làm sao có thể bộc lộ tình cảm lạc quan trong khung cảnh tù đày như thế. Những cảm xúc rất hồn nhiên tươi thắm của Người trước vẻ đẹp của đêm trăng càng nói lên sự kết hợp hài hòa trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng giữa chất thép rắn chắc vững vàng với chất thơ thi vị. Chất thép được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng không làm cho chất thơ của tâm hồn mai một, khô héo mà ngược lại, đã tạo thêm cho chất thơ với vẻ đẹp mới. Bác yêu trăng. Trong bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên già thi, Người có ý phê phán thơ cổ nặng về miêu tả thiên nhiên thơ mộng mây gió trăng hoa tuyết núi sông và thoát li cuộc sống. Tuy nhiên điều đó không hàm ý là Người yêu thích thiên nhiên. Trăng còn đến nhiều lần trong thơ Bác. Trong Nhật ký trong tù, từ sau bài Ngắm trăng, vầng trăng tuy vẫn được nói đến trong thơ nhưng không còn có được những cảnh ngắm trăng thi vị nữa. Cảnh tù đầy nặng nề kéo dài. Người nóng lòng trông chờ tự do, và ngày đêm mơ ước về Tổ Quốc nơi xa.. Tâm trí Người hoàn toàn bị cuốn hút vào nhiệm vụ trước mắt. Ngắm trăng là bài ‘thơ được ghi số 20, bài thơ được viết ra trong thời kỳ đầu nhập lao. Sau này khi đã trỡ về Tổ quốc: và đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhiều lần. Người lại miêu tả vẻ đẹp của vầng trăng. Lúc này vầng trầng là vầng trăng trên đất nước soi sáng cảnh vật và con người đang trong những năm kháng chiến. Khung cảnh một đêm trăng trong rừng khuya Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. hoặc là ánh trăng rằm sáng ngời trong đêm xuân thật thi vị lạ lung:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Nhật ký trong tù

Trăng tỏa sáng trên đất nước. Trăng là biểu tượng của cái đẹp, của tự do, của đời sống thanh bình. Và trăng cũng dự báo cho niềm vui và điều tốt lành:

Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Vầng tràng trong thơ Bác trước sau vẫn là một, dù là vầng trăng xưa trong Nhật kí trong tù hay trong thơ ca thời kháng chiến chống Pháp. Đó là vầng trăng sáng tỏ, giữ gìn và có khả năng cảm thông, chia sẻ với con người. Đó không phải là ánh trăng giá lạnh bằng tuyết làm cho người trong cuộc phải cô đơn, ghê rợn.
Ngắm trăng là bài thơ tuyệt đẹp, tạo được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cái đẹp của tạo vật và cái đẹp trong tâm hồn con người, giữa chất thép và chất thơ thi vị.

Viết bình luận