Phân tích bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu

Bài thơ sáng tác vào tháng 7-1939. Khi Tố Hữu bị giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế. Lúc này nhà thơ mới 19 tuổi. Ông đến với cách mạng trong tinh thần hiệp sĩ. Cách mạng đồng nghĩa với niềm vui:

Bạn đời ơi, vui lắm cả trời hồng

Bị giam trong xà lim, tâm hồn nhà thơ như bừng dậy khi nghe tiếng chim tu hú khắc khoải tha thiết của mùa hè:

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không ...

 

Khi con tu hú gọi bầy

Bao nhiêu là không gian được gọi ra là một tiếng chim! Tưởng tượng bắt đầu từ một sự nghe khi không gian không còn thấy nữa vì người tù cộng sản trẻ tuổi cách bức với không gian bởi bốn bức tường. Khi con tu hú! Cách đặt tên cho mỗi bài thơ như vậy phảng phất âm hưởng của cách đặt tên cho một loại bài hát ta thường gặp trong các điệu hò dân dã: Khi trời sáng ... Khi trăng lặn ... hoặc các chủ đề ngẫu hứng: Nghe tiếng giã gạo, Nghe mưa, Nửa đêm tỉnh giấc ... Thời điểm bao giờ cũng mang tính bắt đầu của một không gian, ở bài thơ, không gian là cả một bức tranh lộng lẫy nơi đồng quê xứ Huế, nơi thôn quê thanh bình trong kí ức:

Khi con tu hú gọi bầy

Tiếng chim gọi bầy là một tiếng chim ấm áp. Tiếng tu hú gọi bầy còn là một lời nhắc nhở mùa hè đã đến. Có lẽ vì vậy mà trong tâm tưởng, cảnh vật hiên diện như một không gian khôn cùng, một không gian mà tự nhiên đang đi, đang đến, đang ngưng lại và đang tiến triển đến độ trong một thời gian (hãy lưu ý những từ chỉ thời gian). Tố Hữu đã dùng những màu mạnh, đã dùng những âm thanh vang dội để diễn tả bức tranh này lúa chiêm (sắc đỏ) đương chín, trái cây (vàng, đỏ) đang ngọt, ngọt dần, bắp rây (đang) vàng hạt, sán (đương) nắng, nắng đào, vườn cây dậy tiếng ve ngân (tiếng ve như hát).

Có thể nhận ra chất thực cảm trong cái ánh sáng non tơ, hào phóng của nắng, cái vị ngọt ngào của quả chín, cái rực rỡ nồng nàn của bao nhiêu màu sắc, và tiếng ca vang chói lọi của lớp lớp tiếng ve cất lên từ bóng rợp của bao nhiêu cây lá. Khả năng vật thể hóa cảm xúc, vật chất hóa cảm giác là một khả năng phi thường của thơ ca. Với Tố Hữu trong nhưng ngày bị giam cầm, khả năng đó đã diễn đạt niềm khao khát sống, sự thèm khát sắc màu và không gian của cuộc sống hồn nhiên và xa vắng hơn, cao vời hơn, là sự khao khát tự do, bởi vì trời xanh là hình ảnh muôn đời của tự do:

Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhà từng không ...

Tố Hữu mơ tưởng đến những cánh diều, để được hát và được bay. Ở đây ta bắt gặp một thủ pháp của thơ cổ điển trong một ngôn ngữ lục bát: lấy cái nhỏ (cánh sáo diều) để nói cái vô cùng. Có lẽ vì thế, chỉ trong sáu câu đầu, nhưng ý tưởng về lòng khao khát tự do đã được biểu đạt trong một hình thức hàm súc.
Người ta nói: khởi đầu của mọi suy tưởng chính là thực tại, và lôgic của mọi suy tưởng chính là trở về thực tại. Tố Hữu đã diễn tả sự trở về này thật tự nhiên. Đây là một sự thức tỉnh:

Ta nghe hè dậy bên lòng
Còn đây là một nỗi phẫn uất:
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Có cái gì phảng phất như ước vọng anh hùng của Nguyễn Hữu Cầu:

Bay thắng cánh muôn trùng Tiêu,.
Hán Phá vòng vây bạn với kim ô

Mùa tu hú

Nhưng Nguyễn Hữu Cầu là một anh hùng cỡ Sở Bá Vương, còn Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng trẻ tuổi sống trong những năm 30 của nền thơ ca cách mạng. Ông đem vào thơ những cảm xúc hết sức chân thành và lối phô diễn hiện thực. Ông đã để lại trong thơ cái dấu ấn khắc nghiệt của thực tại khi ông từ cõi ước mơ trở về, bởi thực tại đôi với tác giả vẫn là sự khát khao, uất hận và chua xót vì bị giam cầm trong tù ngục:

Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Bật lên tiếng than bi tráng, kết thúc bài thơ vẫn là tiếng chim hối thúc. Có một tâm hồn đang chất chứa sự bùng nổ.

Viết bình luận