Kể về thúng xôi của mẹ

Thời gian bao cấp kinh tế khó khăn, nên ngoài giờ làm việc mẹ tôi phải nấu thêm xôi để bán vào buổi tối cạnh một xí nghiệp đông công nhân làm ca tối. Số tiền kiếm được cũng không nhiều, nhưng cũng đủ để mẹ lo cho cả gia đình những bữa cơm có chút rau, chút cá. Giờ mẹ tôi đã già, chúng tôi đã có thể lo cho mẹ một cuộc sống no đủ, thúng xôi ngày xưa chỉ còn là kỉ niệm. Nhưng mỗi lần nghe tiếng rao "xôi đây..." là lòng tôi lại nao nao.

Để có một thúng xôi ngon và rẻ, mẹ tôi phải lặn lội về tận quê mua gạo và đỗ xanh. Ngày ấy, giao thông nào có thuận lợi gì, quê chỉ cách thành phố hơn 50 cây số mà phải đi gần nửa ngày mới đến. Tình trạng "ngăn sông cấm chợ" còn làm cho mẹ nhiều phen trở về với hai bàn tay trắng vì gạo và đỗ bị tịch thu hết. Nhìn mẹ buồn rầu lo lắng vì không có xôi để bán, ai cũng thấy thương mẹ vô cùng.

Thúng xôi của mẹ

Hằng ngày khi chúng tôi bắt đầu yên ấm trên giường thì mẹ đã chuẩn bị cho buổi bán hàng khuya. Một thúng xôi nặng so với thân hình nhỏ bé của mẹ được đặt ngay ngắn trên đầu. Những bước chân cứ vội vã xa dần, xa dần trong đêm tối là hình ảnh mà tôi chẳng thể nào quên. Nhiều đêm tôi thao thức mãi không ngủ được, hình dung ra bàn tay thoăn thoắt gói xôi của mẹ mà thương mẹ đến thắt lòng. Hôm nào bán nhanh thì cũng một hai tiếng đồng hồ, bán chậm thì cũng phải gần 2, 3 giờ sáng mẹ mới về. Ngả lưng một chút là mẹ lại ào dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

Mẹ không bao giờ than thở với chúng tôi về những khó khăn mẹ phải gánh chịu. Nhưng mỗi sáng thức dậy, mở chiếc lồng bàn trên mâm ra mà thấy một đĩa xôi là tôi hiểu đêm qua mẹ không ngủ được, mẹ lo lắng vì xôi không báp hết, tiền lời sẽ chẳng đáng là bao. Ăn một gói xôi ngày ấy chỉ một hai hào bạc, lời lỗ được tính bằng số người ăn. Vì thế dù rất ngán khi ăn xôi mấy buổi sáng liền nhưng chúng tôi vẫn không để lộ ra. Chúng tôi biết, những hạt xôi đang ăn không chỉ có sự ngọt bùi của đỗ, thơm ngon của gạo mà còn chứa cả những nỗi lo toan vất vả của mẹ.

Tôi vẫn nhớ, một lần mẹ bị cảm, cả nhà ai cũng khuyên mẹ nên nghỉ một buổi. Lúc ấy tôi chỉ mới 12 tuổi, chưa hiểu nhiều về những vất vả mà mẹ tôi đang phải gánh chịu, nhưng khi thấy mẹ tôi phải ôm ngực ho là tôi biết mẹ tôi (đang rất mệt). Vì thế, tôi nhất định đòi mẹ phải nghỉ ở nhà. Mẹ ôm tôi vào lòng và hỏi: Có phải con muốn mẹ mua cho con chiếc áo mới trong ngày sinh nhật không? Nghe mẹ nói vậy, tôi òa lên khóc nức nở.
Đúng là tôi đã từng nói với mẹ như thế, nhưng trong lúc ấy tôi nào biết sự đòi hỏi của tôi đã được mẹ nhớ trong lòng. Tự dưng tôi thấy hối hận vì đã làm cho mẹ phải gánh thêm một mối lo. Chiếc áo của mẹ mua cho tôi ngày ấy, tuy chỉ được may bằng vải thô mộc mạc nhưng tôi quý giá vô cùng. Mỗi lần mặc chiếc áo ấy lên người, tôi lại như thấy bàn tay gầy guộc của mẹ đưa lên ngực dằn những cơn đau. Từ đó, tôi không bao giờ đòi hỏi mẹ bất cứ thứ gì.

Chúng tôi lớn lên. Cuộc sống có nhiều thay đổi. Gia đình tôi không phải thiếu thốn nhiều như ngày trước. Bố tôi bảo mẹ đừng đi bán xôi nữa, nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo, mẹ đã quen rồi. Vả lại để lo cho chúng tôi có những năm tháng trên giảng đường đại học thì thúng xôi của mẹ vẫn cần thiết lắm. Một lần nữa, tôi lại thấy mình vẫn còn là nỗi lo toan của mẹ.

Thúng xôi của mẹ 2

Rồi cũng đến ngày thúng xôi của mẹ được cất giữ như một kỷ niệm của gia đình. Đó là khi những đứa con của mẹ đã có công ăn việc làm ổn định. Chúng nhất định bắt mẹ phải nghỉ ngơi. Mẹ cũng nhận ra là từ nay các con mình đã có thể bước chân vào đời, mà không còn cần đến sự lo toan của mẹ nữa. Mùi xôi chín quen thuộc không còn nữa trong ngôi nhà nhỏ, nhưng tất cả những đứa con trong ngôi nhà ấy thì không bao giờ quên được hình ảnh một phụ nữ đội thúng xôi trên đầu, vội vã bước đi trong đêm tối chỉ kịp bán hàng.

Viết bình luận