Phân tích bài thơ Ngắm trăng trong tác phẩm Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh
Một đời người dễ có tới mấy nghìn trường hợp nhìn thấy cảnh trăng. Nhưng ai nhớ được bao nhiêu đêm trăng trong đời mình? Chưa nói ghi lại bằng văn thơ. Chưa kể văn thơ ấy nhằm cái gì?
Bác Hồ không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Nhưng lướt qua vần thơ Bác, cũng thấy nhiều cảnh trăng đọng lại giữa các trang giấy. Mà có lạ không? Thuở nọ, ánh trăng nào cũng như chứa chất suy tư. Trăng đầu tiên trên con tàu lênh đênh trên mặt biển, nhìn ngắm suốt đêm. Trăng đêm mưa rầu rĩ, vàng vọt như đất nước nô lệ trong truyện ngắn buổi đầu cầm bút. Trăng, không phải trăng mà ánh ngày ngày nhợt nhạt lọt qua khung cửa sổ hình trăng khuyết tận trên nóc nhà giam ở Hương Cảng. Trăng mười ba tháng gông cùm... Còn từ Cách mạng tháng Tám trở đi, biết bao là trăng trong lời Bác, nhưng lại là trăng vui, trung thu có trăng các cháu, thức khuya có trăng lồng cổ thụ, bàn việc quân về trăng chở đầy thuyền, đi ngược dòng sông trăng theo bên mạn, bận không có thơ thì trăng gõ cửa nằn lì...
Đây là một cảnh trong loại trăng ở Nhật kí trong tù.
Bây giờ Bác mới vào nhà ngục Tỉnh Tây độ hơn mười bữa. Trước mắt hãy còn bộn bề nào là ngủ trưa, ăn chiều, cái cùm, con rận, đánh cờ, chia nước...,- đủ thứ lăng nhăng của cảnh tù. Trong bụng hãy còn một điểm lo, chưa rõ bọn Quốc Dân Đảng định làm gì mình cho thật cụ thể để có cách đối phó thích hợp. Ấv vậy mà ánh lên cái đèn trăng sáng rõ trước trung thu này.
Có người không thỏa mãn với bản dịch, muốn xét lại chữ nghĩa. Cũng có lẽ nhưng cái của bài thơ đâu?
Một sức sống ở bên trong rạo rực, dồi dào, một sức sống đáng phải được biểu hiện thành hành động bộc lộ, sôi trào, lại phải giấu kín lặng lẽ, bởi hoàn cảnh nào có ghép, hoàn cảnh là giam cầm, trói buộc, thủ tiêu mọi sự. Nhưng sức sống kia vô hạn, bản lĩnh nào chịu tuân theo. Do vậy mà cái đó đành phải biểu hiện thành cái không. Trong không lại có, có đó mà như không. Cái mạnh, cái siêu việt của một tâm hồn lại ngự trong cái không ấy.
Tinh thần của bài thơ là vậy. Lời dịch nào trái lại, đi xa, ắt không ổn. Khi cần cũng có thể so sánh đôi chút.
Ngắm trăng. Đầu đề là vậy, trong tù ngắm trăng.
Ngồi tù mà ung dung, phong thái trượng phu ấy, một câu văn dù có hơi cổ trong Văn tế Phan Chu Trinh nói nghe cũng đã sướng:
Thân, dậu, tuất, bấy nhiêu năm tận khổ, khi đào cây, khi lượm đá, giữa biển trần gió bụi cũng thung dung.
Đặng, Hoàng, Ngô, ba bốn bác hàn huyên, lúc uống rượu, lúc ngâm thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khẳng khái.
Ở Côn Đảo mà có uống rượu, có ngâm thơ. Ấy thế mà một cuốn Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng đến mấy trăm bài thơ, câu thơ, câu đối. cũng chí vẻn ba lần có động đến trăng! Nói động đến trăng thôi, Vì trăng không phải là đối tượng miêu tả trực tiếp: Một lần trăng với ý nghĩa triết học: Trăng kia khuyết đó lại tròn, một lần nhìn trăng mà chạnh lòng thương vợ, một đời khổ sở vì lấy phải chồng khùng (vì không đi làm quan mà phải lo việc nước phải ở tù); Sầu riêng hỏi thử trăng rằm, Mây mưa ghen ghét mấy năm lại tròn, một lần trở lại Huế sau mười sáu năm, chỉ thấy trăng trên sông Hương là còn hiểu mình: Lưa có cầu Hương trăng đẹp đẽ. Tóc sương qua lại dọi mình mình. Còn giỏ tập Thơ văn cách mạng 1930 - 1945 của nhà xuất bản Văn học năm 1980 dày trên 650 trang cũng chỉ có một bài nói chuyện ngắm trăng trong tù, thì đó lại chính là bài này của Bác Hồ.
Té ra cái trượng phu, cái ung dung trong tù của người khác là ứng vào những chuyện khác, chủ yếu là đấu tranh, là nhiệm vụ, là rèn luyện, sắt son. Nghĩa là trong những tình cảm công dân, chiến sĩ. Chưa phải là của một con người hài hòa, cân đối, có làm nhiệm vụ to lớn với đời, nhưng cũng sống bình thường như mọi người bình thường, dù gặp gian nguy cũng không bỏ nếp sống bình thường, có điều biết sống phải hơn, đẹp hơn.
Vô luận nội dung thơ hay hay dở, với một việc ngắm trăng trong tù ấy cũng đã là một nét lạ. Lạ là vì trong tù mà vẫn bình thường.
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thủ lương tiêu nại nhược hà?
(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ).
Theo lệ, trong tù làm sao có thế bình thường được? Đã là thân tù thì mọi cái hầu như do chủ ngục quyết định. Trong hoàn cảnh đó mà đòi ngắm trăng, làm một công việc an nhiên, thái bình như vậy, là có vẻ trái. Công việc ấy xảy ra ở nhà thì thường với bạn bè, có hoa, có rượu. Cái thú tao nhã từ xưa là thế. Tiệc quý bày bên hoa, rượu thơm châm dưới nguyệt. Nhưng ở đây, trong ngục làm gì có? Không rượu, không hoa, và điều này không nói ra: không cả bạn bè. Đó là một thực tế không thể chối cãi. Không rượu thì hoa cũng được, đường này thực tế ấy, khắng định cái không khí ấy, phàm tục đến khô khốc, chẳng chút gì thuận lợi chứ đừng nói thanh tao.
Bài thơ bắt đầu bằng một cái trống không. Cái trống không ấy do nhà tù mà ra. Đặt trong tù lên đầu câu, tiếp theo là không rồi cũng không, là lên án cái nhà tù ấy. Nó là thủ phạm. Đôi với người chính nghĩa, nó là vô nhân đạo.
Nhưng có ai ngờ, trong cái không ấy lại hàm ngụ cái có. Bởi còn có trái tim biết cảm cái đẹp của người tù. Không rượu, không có hoa ư? Nhưng ai cấm lòng ta có đủ? Mà cũng bất chấp. Vì có sao đâu? Ta vẫn có thể ngắm trăng suông mà cứ đẹp! Ai chặn mắt ta ngắm ánh trăng trong? Ai ngăn lòng ta xôn xao trước đêm đẹp?
Sắp trung thu. Trời xứ Bắc hẳn trong, trăng hẳn tròn và sáng. Đêm trước rằm đầu tiên từ ngày bị giam giữ. Mười mấy ngày trôi qua, từ cái bực mình ban đầu khi bị bắt giữ vô cớ, cái khẳng định mình vẫn là khách tự do, chỉ là một câu nhưng sự vật lỉnh khỉnh, lích kích đáng lạ, đáng ghét của bộ mặt nhà giam. Bỗng đêm nay trăng sáng quá chừng. Trong suốt, bao la, huyền ảo, vỗ về. Ngay bên cửa sổ, lồng trong bóng cây. Đêm nay rất đẹp. Trong lòng rạo rực bao nỗi niềm, cầm lòng không đậu, người tù phải thốt lên:
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
(Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ).
Thốt lên lại là một câu tình tứ cổ. Chút nữa thì ta ngợ đây là câu của chàng Trương trong đêm thao thức vì người ngọc. Bên chùa Phổ Cứu là trăng xuân, tuổi xuân, tình xuân. Đây là nhà giam, lòng tù, nạn nước. Nhưng kể gì Phương pháp sáng tác truyền thống cho phép dùng cái tượng trưng, thì cứ gì phải là rượu là hoa mới nói hoa rượu, cứ gì phải đêm xuân, tình xuân mới dùng được Lương tiêu và nại nhược hà. Miễn cái tượng trưng của hoa rượu, của đêm đẹp của biết làm sao là cần cho thơ, là có thật,trong lòng người.
Vậy trước cảnh đẹp đêm hay, trước cái đẹp đêm nay {đối thử lương tiêu), biết làm sao bây giờ? (nại nhược hà). Một câu hỏi hay một câu thán đều có nghĩa. Nó là dấu hiệu của một tâm trạng dạt dào nên sinh băn khoăn. Hơn nữa, bối rối, xao xuyến. Nó ấm áp tình tứ, nó rạo rực, nó muốn yêu, muốn thưởng thức, muốn chan hòa, muốn giãi bày, bộc lộ. Phải ra đi với đêm, phải tắm mình trong nguyệt, phải vui, phải làm thơ. Tâm trạng người tù như vậy nhưng người tù đành phải như phải làm lơ. Như định để mặc cho đêm đẹp đêm lành, cho trăng mời trăng giục. Nghĩa là bao nhiêu dạt dào trước trăng trước đêm, trước cái đẹp cái lành, phải ẩn vào bên trong, vùi vào im lặng. Xưa trong hoàn cảnh bình thường, người ta còn gọi đến trăng, nhờ đến bóng, rồi người ta chuốc rượu khuyên mời cho đỡ cô đơn. Đây chỉ im lặng. Người cũng như trăng, lặng lẽ.
Một lần nữa, có lại lấp dưới cái không, cái có lại biểu hiện ở cái không. Bao nhiêu sóng gió đành lặn xuống đáy bày lên trên một mật hồ phẳng lặng. Trăng ơi trăng, trăng hiểu cho người chứ!
Vậy nên, cảnh thưởng trăng chỉ thu lại trong mỗi một hành động không vơi không tiếng, người quay ra cửa nhìn trăng sáng và trăng từ khe cửa nhìn nhà thơ:
Nhân hưởng song tiến khán minh nguyệt?
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ).
Có người không bằng lòng lắm với chữ ngắm. Vọng cũng ngắm, khán cũng ngắm. Cho là được đi, thì ngắm cũng còn đôi chút gì thích thú, say mê bộc lộ ra bên ngoài, trong khi khán chỉ là xem, có mắt thì xem, chưa kèm sắc thái tình cảm nào. Tòng là tuân theo một tình trạng hiển nhiên, có khe cửa thì trăng lọt vào, chứ không phải nhòm là một cử Chỉ chủ động, pha tí tinh nghịch, láu lỉnh, không hợp lắm. Hóm hỉnh là một nét đặc thù ở Bác Hồ nhưng chất vui ở đây e là tan mất cái không khí toàn lặng lẽ, suy tư mới đúng.
Cứ cho đó là cử chỉ, hành động đi, thì hướng và tòng vẫn là thế im lìm lặng lẽ. Còn khán, nhìn thì hoàn toàn chỉ dùng đôi mắt, không cử động cơ thể nào khác, không chút tiếng động, ôi cái nhìn! Bao nhiêu nói năng trong cái nhìn. Có cái nhìn phút chốc thanh nhàn, giao cảm với cái đẹp của cuộc sống yêu thương. Cái nhìn của ngày đi xem tranh, xem nhìn hoa nghe chim trên đường chuyển lao, chân tay bị xiềng xích. Cái nhìn lúc tâm hồn đã lắng lọc bao nhiêu gay gắt, lo toan để trở thành trong veo, mát rượi.
Chình vì thế mà người tù trở thành thi gia rất đột ngột ở cuối bài. Làm gì còn người tù. Lao ngục cũng đã bị phủ định một cách thân tình. Mở đầu bài thơ là nhà tù mà kết thúc lại là nhà thơ. Thật ra, ngay từ lúc đặt ra việc ngắm trăng, trưng ra nào hoa nào rượu một cách phi lôgic trong cảnh tù đã bắt đầu phủ định tinh thần tù mà khẳng định tinh thần thơ rồi. Trên kia nói không hoa không rượu mà còn có trái tim biết cảm cái đẹp là như vậy.
Câu thơ song song nhân và nguyệt, song tiền với song khích, minh nguyệt với thi gia, và cả hai cùng hòa tan trong một cái nhìn. Còn có gì nhịp nhàng hơn, hài hòa hơn, cảm thông hơn? Người xứng với trăng, trăng thấu hiểu người. Trăng đẹp lên vì sáng, người đẹp lên bởi tâm hồn thành thơ. Tâm hồn người thành thơ nên trăng càng sáng, trăng càng sáng nên con người cáng hóa thành thơ. Và bên nhau, trăng sáng cũng đượm thơ và tâm hồn thơ cũng lung linh ánh sáng. Hai mà một, một mà hai. Bởi tất cả đều gói trong một cái nhìn lặng lẽ.
Ai hiểu cho hết những cảm xúc gì, những tình cảm nào, những suy nghĩ gì, những tư tưởng nào ở đáy sâu cái nhìn ấy? Điều chắc chắn là ở trung tâm sôi động im lìm ấy phải là một xúc cảm đẹp, đẹp trời, đẹp trăng, đẹp đêm và vui lòng, vui trí, vui người.
Còn gì nữa trong cái giây lát chia sẻ ra từ tâm trạng nhiều đường nhiều nét của Bác bấy giờ, thì xin tùy lòng người đọc thơ. Bài thơ hai mươi tám chữ chỉ có thể vẽ lên được một cái khung. Nó như một quán trọ Tây Ban Nha. Khách trọ hãy mặc lòng mang thức ăn đến. Miễn đừng làm vỡ quán.
Lần thứ ba, ta đọc cái sôi động qua cái im lìm lặng lẽ. Nghĩa là trong cái không lại tìm thấy cái có, cái có lại biểu hiện bằng cái không. Bài thơ nhất quán ở cái thần của nó.
Có người bình bài Một mình uống rượu dưới trăng (nguyệt hạ độc chước) có câu: “Trong thơ có lúc trống không lại sinh có” chính là vậy.
Xưa nay nói về trăng, có biết bao lời đẹp. Trong cuộc sống lao động trong sạch, nếu có nắng lửa mưa dầu thì lại có trăng thanh gió mát. Hình như nhân loại muốn dành cho trăng phần hạnh phúc, ước mơ, lãng mạn của cuộc đời. Thế nên trăng phần hạnh phúc, ước mơ, lãng mạn của cuộc đời. Thế nên trăng đến với con người như một bạn tri âm, một vẻ đẹp, để làm vui làm mát, chí ít làm dịu bớt cái cháy da, rỗ gót của cuộc đời. Cao hơn một bậc, là cứ để trăng ở thế giới khách thể, không cho trăng nhuộm màu sắc tình cảm của người, mà coi đó là một khí đẹp của đất trời, dành cho sự hài hòa, cân đôi cao quý của tâm hồn, có bổng phải có trầm, có đậm phải có nhạt, có làm việc nhưng có nghỉ ngơi, có lo toan nhưng có thứ thái, và luôn luôn chủ động, tích cực...
Đó là trường hợp Bác Hồ. Một con người từ thuở còn đang làm phụ bếp trên tàu đã hàng ngày dậy thật sớm để xem mặt trời mọc, đem nhẵng năm thanh niên sống vất vả, phải dùng hòn gạch nóng đề sưởi ấm ban đêm, mà vẫn thường xuyên đi các bảo tàng mỹ thuật từ Paris đến Roma... con người ấy đã hình thành trong tâm hồn mình một sự hài hòa, một sự cân đối cao sâu và tuyệt diệu, tuyệt diệu nhất là ở chỗ hồn nhiên, giản dị.
Không phải đối chiếu với phong thái sống của Mác, không cần viện trợ với thơ Bác sau Cách mạng tháng Tám. Một tập Nhật kí trong tù cũng đủ.
Chủ nghĩa cộng sản cho phép ước mơ một cách căn cứ đến một cuộc sống được “Tổ chức theo quy luật của cái đẹp”. Con người trong được phát hiện toàn diện, cân đối, hài hòa. Dù là chiều nào, cơ thể hay trí tuệ, đạo đức hay tài năng, tâm hồn hay lao động, cũng đều tốt đẹp cả. Cống hiến hết mình và hưởng thụ chính đáng, con người với xã hội và con người thiên nhiên, bàn làm việc vườn cây, cây búa và hộp màu... không lệch bên nào mà kết thành một khối trong suốt, liền bên, không thấy dấu nối, đường ghép. Cái đó có bóng dáng nào ở các bậc vĩ nhân của ông không? Có mần mống nào trong truyền thống mỹ học dân tộc không? Nhưng ở Bác Hồ là như vậy.
Cho nên, dù là hoàn cảnh trong tù. Bác vẫn Vui say ai cấm ta đừng nghĩa là Bác Hồ vẫn vượt ra ngoài hoàn cảnh ấy, vẫn giành lấy cái tự do mà nhà ngục không sao gông xiềng được. Nhờ vậy mà ta có được bao nhiêu điều để thích thú, ngưỡng mộ và học tập đời đời, chân treo ngược lên mui thuyền mà lòng vẫn hân hoan với hàng xóm đông đúc, vẫn lâng lâng với chiếc thuyền câu nhẹ tênh như mây, chân tay mang xiềng xích mà tai vẫn rộn tiếng chim rừng, và mũi vẫn đượm hương hoa dại, và đây, ở bài thơ này mắt vẫn ngắm vẫn nhìn, vẫn chuyện trò với trăng bằng im lặng. Hơn thế Không có gì cả, mà vượt lên trên, nhưng vẫn thưởng trăng đầy đủ. Đầy đủ ở trong lòng.
Cái lạ, cái hay của bài thơ ở chỗ đó. Sức mạnh của con người, cái đẹp của tâm hồn, của Bác là ở đó.
Nếu tăng thuộc phần vui, phần đẹp, phần ước mơ lãng mạn, phần triển vọng, vậy ngục tù có phải là bao nhiêu cái khó khăn, gian khổ, cái trói buộc, lúng túng mà ngắm được trăng, đương nắng lửa mưa dầu mà nhìn được trăng thanh gió mát, đó đâu chỉ là một phong thái, Đó là một bài học đạo đức, một bài học lạc quan, tin tưởng, một bài học cách mạng thật không ngờ, nhưng thật thú vị.
Viết bình luận