Hãy chứng minh vấn đề đã được tác giả khẳng định trong bài thơ Nghe tiếng giã gạo: "Gạo đem vào giã, bao đau đớn... Gian nan rèn luyện mới thành công"
Là một bài thơ được sáng tác trong tình trạng bị tù đày tê tái gông cùm, nội dung nhằm thể hiện một bài thơ cơ bản ở đời. Đó là bài học muốn thành công phải biết chấp nhận mọi thử thách; cũng như gạo muốn tróc được lần vỏ cám, trở nên trắng trẻo ngon lành, phải chịu qua trăm chày đau đớn; con người muốn đạt đến thành công, phải có gan chịu khó, vượt khổ để rèn luyện tài đức cho bản thân:
Sống ở trên đời, người cùng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Quả thật đây là một chân lí hiển nhiên, có thể nghiệm thấy dễ dàng từ việc to đến việc nhỏ.
Có nhiều việc to nhỏ như tập nấu nồi cơm, tập đi xe đạp, học giải một dạng toán mới, làm bài văn đầu tiên theo một thể loại phức tạp hơn ... cũng phải kiên cường vượt khó, dày công tập dượt mới thực sự thông thạo, vững vàng. Bạn nhỏ chúng em khi mới tập nấu cơm tránh sao khỏi có lần bị sống, bị khê? Tập đi xe cũng vậy, mấy ai ban đầu tránh khỏi loạng choạng quệt va, lắm khi sái cẳng bươu đầu. Học giải một bài toán hóc búa, tập viết một thể loại văn mới mẻ, càng căng thẳng nát óc hơn. Đấy chỉ mới là những điều đơn giản. Ngẫm lại sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ mấy chục năm qua của dân tộc ta, hay việc cưỡi tàu vũ trụ bay lên không gian của anh hùng Phạm Tuân chẳng hạn, ta càng thấy phải qua biết bao gian nan rèn luyện, căng gân, căng óc, đổ mồ hôi, tốn xương máu biết chừng nào! Từ tầm vông đứng dậy diệt thù đến khi đủ sức xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, từ những ngày đêm B52 Sống chết từng giây mưa bom bão đạn đến năm sơ tán đội mũ rơm đạp lên bom bi đi học... dân tộc ta đã phải vượt qua biết bao thử thách gay go, hi sinh to lớn. Chiến thắng vẻ vang máu nở thành hoa ấy của dân tộc ta quả thật rất tự hào mà xót tận trong da cũng như chiến công xuất sắc của chú Phạm Tuân có được là nhờ những ngày đêm miệt mài đổ mồ hôi sồi trí óc với khoa học vũ trụ vô cùng phức tạp, lại phải rút ngắn chương trình hai năm vào trong mười ba tháng.
Những sự việc trên chứng tỏ hùng hồn: không có thành quả nào trong cuộc sống - dù là nhỏ nhặt - mà không đòi hỏi công phu rèn luyện, quyết tâm vượt khó của con người.
Bài học rút ra khi Nghe tiếng giã gạo năm xưa là hết sức bổ ích và cần thiết cho đất nước ta trong giai đoạn hội nhập vào vòng đua cao tốc của thế giới hôm nay. Nó cũng là bài học quý giá cho thê hệ trẻ chúng ta đang cố gắng, lao động, chiến đấu, học tập theo gương Bác Hồ, sẵn sàng chấp nhận tất cả những “gian nan rèn luyện” trong nhà trường và xã hội, để trở thành người chủ xứng đáng của Tổ Quốc mai sau.
Viết bình luận