Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

Trên văn đàn Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, làm kinh ngạc và xôn xao dư luận. Là người của hai thể kỉ (theo cách nói của Hoài Thanh), ở tiên sinh vừa có lớp dấu ấn của nhà nho thế hệ cuối, vừa thoát thai một con người tự do dân chủ thời hiện đại. Cái tư chất phóng túng và gia đình của nhà nho tài tử là mảnh đất thích hợp cho “cái tôi” cá nhân lãng mạn tự do nảy nở. “Cái tôi” đó ở Tản Đà, vừa bị trói buộc bởi chính những tư tưởng phong kiến của nhà thơ, vừa cảm thấy bế tắc trước thực trạng xã hội, luôn vùng vẫy tự giải thoát. Và trong thơ văn, nó đã bùng lên thành cảm hứng mãnh liệt muốn thoát li thực tại.

Muốn làm thằng Cuội là bài thơ nằm trong mạch cảm hứng thoát li đó của Tản Đà, cùng với những bài Trời nắng, Tống biệt, Hầu trời (thơ)... và những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con (mà Xuân Diệu gọi là “du kí”)... Xuất hiện trong tập Khối tình con năm 1916, có thề nói Muốn làm thằng Cuội là bài mở đầu cho lối thơ phóng túng, đầy ý tưởng lãng mạn cua Tản Đà.

Muốn làm thằng Cuội

Chúng ta thử hình dung lại không khí văn đàn những năm 20 đầu thế kỉ này, khi những áng văn xuôi quốc ngữ còn chập chững, chưa xa lắm đối với văn biền ngẫu, khi những giọng thơ nghiêng trang, mực thức kiểu thơ Đường còn phổ biến và trên báo chí đầy rẫy các truyện cổ diễn Nôm, thì một giọng thơ phóng túng như Tản Đà không thể không khiến cho người đọc ngỡ ngàng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi...

vẫn là lối thơ cũ: Thất ngôn bát cú Đường luật, thi liệu cổ: tràng, nhưng cách sử dụng câu chữ tài tình của thi nhân đã làm hồn thơ biến đổi, mới mẻ hẳn. Đối diện với mặt trăng - nguồn cảm hứng của muôn đời thi sĩ, có lẽ chỉ duy nhất Tản Đà là Muốn làm thằng Cuội! Cái ý tưởng vô cùng lãng mạn - bay lên cung trăng lại được diễn tả thành một ước muốn có phần ngộ nghĩnh: Muốn làm thằng Cuội. Cái khác đời, cái ngông của Tản Đà là ở đó. Phải chăng thi nhân quá ngán sự đời, muốn mượn danh thằng Cuội để tha hồ nói láo cho vui? Nhưng trong bài thơ, ý định bông lơn cứ hòa lẫn với tâm trạng chán chường thực tại, làm cho giọng thơ có một vẻ rất đặc biệt: buồn da diết mà cứ tưng tửng như không!

Hóa thân vào chủ thể trữ tình của bài thơ, thi nhân giãi bày nguyện vọng của mình:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Tự cô chí kim, có lẽ Tản Đà mới có giọng suồng sã, thân mật “chị chị em em" với Hằng Nga như vậy. Nhà thơ cố tình hiểu chệch ý nghĩa giống cái trong từ Chị Hằng mà dân gian thường gọi thành ý nghĩa ngôi thứ trong cách xưng hô, biến nàng trăng xa vời thành bà chị thân thiết của mình và lấy đó làm đối tượng để... tâm sự. Những lời nói cửa miệng: buồn lắm chị ơi! Em chán nửa rồi. Ai ngồi đó chửa? Chị nhắc lên chơi... đưa vào thơ một cách nhuần nhuyễn khiến những câu thơ Đường luật mất hẳn vẻ trang trọng, trở thành lời bộc lộ tâm tình hồn nhiên, dân dã. Thi nhân đã làm sống dậy những truyền thuyết thơ mộng trong dân gian về Hằng Nga - cung Quảng, chú cuội - cây đa... nhưng lại muốn xóa nhòa khoảng cách cõi tiên và cõi tục:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Chỉ một từ nhắc rất dân dã mà người thơ như trở thành bé bỏng, thành một chú Cuội không chỉ ngồi gốc cây đa mà còn muốn vắt vẻo cành đa để cận kề người đẹp cõi tiên. Đối với chàng thi sĩ đa tình, mộng và thực đã hòa làm một. Chàng có thể nỉ non với chị Hằng, than vãn về nỗi buồn trần thế, rủ rê người đẹp bầu bạn với mình để vui thú cùng mây gió.

Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Hóa ra câu tuyên ngôn rất “vị nghệ thuật” của Xuân Diệu thời thơ mới: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây đã được Tán Đà thi sĩ thực hành từ 20 năm trước! Nhà thơ nói với chị Hằng, nói cùng ai đó, mà cũng dường như tự nói với mình: chán trần thế thì lên tiên, lên tiên làm bạn với tiên, vui như thế can chi tủi! Và như thế tăng sức thuyết phục, bài thơ chốt lại bằng một viễn cảnh vô cùng thú vị:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Thi nhân đang sống trong một ảo, sống hết mình nên cảnh mộng mà người vẽ ra cứ hồn hậu như đời thực. Ở đây, ta cảm giác có sự đảo lộn tình thế. Hình như không phải nhà thơ là người được chị Hằng thương xót cho lên thượng giới nữa, mà chính Hằng Nga đã bị chàng thi sĩ rất ngông này kéo tuột từ trên cung Quảng xuống với những thú vui trần thế: có bầu có bạn, tựa nhau... cười. Và người đọc cũng không thể không mỉm cười khi hình dung cảnh tượng: Cứ mỗi đêm rằm tháng tám, chờ lúc tất cả bàn dân thiên hạ ngẩng đầu ngắm trăng mà ao ước, chàng thi sĩ Tản Đà lại má sát má, vai kề vai với nàng trăng nheo mắt cả cười nhìn xuống cõi nhân gian bé tí.

Sau này, cảm hứng về chị Hằng, chú Cuội còn đẩy trí tưởng tượng của Tản Đà đi xa hơn nữa. Trong tập du kí Giấc mộng con, Tản Đà kể chuyện lên thượng giới gặp Đông Phương Sóc, được ông này cho biết về thân thế của mình như sau: Nguyên xưa ông ở trên này là một vị Khuê tinh, Thượng đế có lòng yêu lắm. Một khi ông dám làm thơ liệng sang cung Quảng Hàn, bị thằng Cuội bắt được đem trình Thượng đế. Ngài giận mới đày ông xuống hạ giới. Ông đã bị xuống hạ giới mà lại còn làm thơ, làm bài hát nói láo, như vẫn còn bờm xơm với Hằng Nga, làm cho Thượng đế càng giận, tăng thêm cái hạn đày ông hai mươi năm nữa...

Muốn làm thằng Cuội 2

Nói về Giấc mộng con để thấy rằng Muốn làm thằng Cuội chỉ là một bài thơ nhỏ mở đầu cho hàng loạt tác phẩm theo mạch cảm hứng thoát li thực tại của Tản Đà. Trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội lúc bấy giờ, ý tưởng thoát lên tiên, trốn vào thơ hay vào mộng chưa phải sự bế tắc của xã hội. Muốn làm thằng Cuội là một phản ứng đáng được ghi nhận của Tản Đà. Hơn nữa, bài thơ hé mở cho ta thấy tâm hồn đa cảm, lãng mạn và ngòi bút phóng túng của nhà thơ. Cái tài của thi nhân ở chỗ dùng ngay những câu dung dị như lời nói cửa của thi nhân ở chỗ dùng ngay vào những ý tưởng độc đáo, biến chúng thành những câu đầy chất thơ. Có thể nói, tư tưởng mãnh liệt tự nó đã phá vỡ cái vỏ khuôn mẫu, trói buộc để tìm lấy cách thể hiện thích hợp. Muốn làm thằng Cuội nảy sinh từ trong quy luật đó. Ngay ở trong bài thơ nhỏ này của Tản Đà, ta có thể thấy mầm mống của sự đổi mới dòng “thơ cũ”, báo hiệu cho thời kì Thơ mới về sau mà Tản Đà được coi là người mở đường không ai thay thế nổi.

Viết bình luận