Nghệ thuật văn xuôi của truyện ngắn "Lão Hạc"

Phải đến khi truyện Lão Hạc khép lại, ta mới thấy ớn lạnh: thì ra toàn bộ câu chuyện là một cuộc chuẩn bị để chết của một con người! Lão Hạc cứ âm thầm làm nốt những phần việc cuối cùng của một kiếp người để rồi tự sát! Vậy mà cả ông giáo và người đọc đều không hề hay biết. Cái chết của lão là một cú giáng vào thói hồ đồ, hờ hững, cố chấp vẫn cầm tù chúng ta. Khi ta sáng mắt lên hiểu ra tất cả những tính toán lo liệu gàn dở lấn thẩn của lão Hạc, thực chất lại chứa đựng một phẩm chất người nguyên sơ, thuần khiết, cao quý vô ngần, thì đã muộn, đã quá muộn rồi! Bản lĩnh lớn của Nam Cao có lẽ ở đấy. Cứ viết về những cuộc đời nhỏ mọn tầm thường, cứ viết những chuyện vặt vãnh, tun mủn không đâu của cái đời thường tẻ nhạt, ngán ngẩm này thôi, thế mà nó có thề dằn vặt cuộc đời, có thể làm đau tất cả chúng ta. Bởi dưới ngòi bút của Nam Cao cái nhỏ nhặt không đâu vụt trở nên thăm thẳm, cái hàng ngày dễ quên lại chứa đựng cái muôn đời, phát hiện càng sâu sắc bao nhiêu lại càng truyền cảm bấy nhiêu. Viết về cái tầm thường mà làm sống dậy những ý nghĩa không thể xem thường, ấy là giải pháp nghệ thuật độc đáo của Nam Cao vậy.

Ngày hội văn xuôi

Tôi không nghĩ rằng tạo nên thành công nghệ thuật của truyện ngắn Lão Hạc là chỉ nhờ vào bàn tay của cấu trúc, dù rằng ở đây nó cũng là một đặc sắc. Trước hết, mạch truyện của Lão Hạc được Nam Cao tổ chức theo cái lồgic quanh co quen thuộc và tự nhiên trong nhận thức của nhân vật ông giáo. Cứ “ngộ nhận” rồi “vỡ lẽ”, rồi lại “ngộ nhận” để rồi cuối cùng kết thúc bằng một “vỡ lẽ” muộn màng, hụt hẫng, ông lại phối dựng được một cấu trúc cảm hứng - ý tưởng đa tầng để mạch truyện tải được trọn vẹn đến ba cảm hứng lớn: nó khiến cho câu chuyện đơn sơ mà có sức chứa, sức nén không ngờ. Vừa triết luận về vấn đề nhìn đời bằng đôi mắt của tình thương vừa triết lí về kiếp sống cực nhọc của con người trên mặt đất này. Nếu hai cảm hứng ấy có cơ ép mạch truyện theo hướng luận đề khô cứng thì một cảm hứng lớn hơn, từng ám ảnh cả đời nhà văn Nam Cao được chọn làm dòng chủ lưu, đã khiến cho tính luận đề mờ hẳn: Ấy là cảm hứng khám phá những bí mật của người nông dân Việt Nam. Mà ở chỗ này, nhân tố quvết định sư sống còn của chỉnh thể tác phẩm là chiều sâu và sức sống của hình tượng nhân vật chứ không phải sự lôi cuốn của mạch truyện hay cấu trúc ý tưởng và cảm hứng. Vậy là cái thân, cái hồn của truyện là nằm nơi lão Hạc, và bút mực giữ Nam Cao cũng hội tụ ở nhân vật mà thôi!

Lão hiện ra tự nhiên quá đỗi, cứ như thấy thế nào tả thế ấy. chẳng gia công sắp đặt, bài binh bố trận gì. Mà chắp nối từ toàn những chuyện không đâu vào đâu: nào đắn đo về bán hay không bán con chó Vàng và mảnh vườn, chuyện ốm đau tiêu lạm vào số tiền góp nhặt, chắt, bóp, dành dụm được, nào chuyện thằng con đi xa có đến hàng năm chẳng giấy má gì... được kể nhân lúc hút thuốc lào vặt của hai ông hàng xóm, thế thôi. Ấy thế nhưng, lão hiện lên là nhờ một chùm tương quan được giấu kín trong cái mạch đầy vẩn vơ, tùy tiện ấy, tựa như một “hệ vi mạch” bí mật và hoàn hảo. Mỗi tương quan là một luồng sáng, chúng hội tụ về từ khắp phía giúp nhà văn làm rạng ngời lên chân dung lão Hạc. Lão được miêu tả song song với ông giáo để đối sánh, làm bật nổi lên tâm lí nông dân bên cạnh tâm lí trí thức. Tương quan với Binh Tư để tạo ra một sự đối chọi gay gắt: một người lương thiện đến mức thánh thiện, một kẻ bất lương đã đến thành lưu manh: người này muốn trọn đạo làm người thì phải chết, kẻ kia cố bám lấy cái sống thì phải thủ tiêu phẩm chất con người. Còn tương quan với nhân vật vơ ông giáo là để lão Hạc hiện rõ lên trong một phản lập khác: một người dù có khổ đến thế nào cũng không tiêu diệt được lòng nhân hạu, Vị tha; kẻ kia vì quá khổ đã sinh ra vị kỉ. Nhưng dẫu sao, những luồng sáng kia sẽ trở nên mờ nhạt không đáng kể, nếu như không có hai tương quan cuối cùng đem lại cho nhân vật cả đường nét, vóc dáng và linh hồn: lão với đứa con trai và với con cho Vàng.

Với đứa con trai duy nhất. Nam Cao nhìn ra ở người cha xác xơ, còm cõi này một tình phụ tử nguyên sơ và vĩnh cửu. Không phải lão không biết quý sinh mệnh cua mình. Tuy nhiên, có một thứ lão còn quý hơn: ấy là đạo làm người, làm cha! Đối với lão, sống dường như chỉ có một nghĩa: sống cho con! Hoàn cảnh cùng cực đẩy lão đến trước một lựa chọn nghiệt ngã: Muốn sống thì phải lỗi đạo làm cha (phải xâm phạm vào mảnh vườn - tài sản duy nhất đáng giá mà lão đêm ngày gìn giữ để bù trì tạo lập cho giọt máu duy nhất của mình để lại chơ vơ trên cõi đời này), còn muốn trọn đạo làm cha thì phải chết. Và lão đã quyên sinh. Cái chết của lão khiến ta đau đớn nhận ra tình phụ tử mộc mạc ấy mới thăm thẳm và mới thiêng liêng làm sao! Nó xui ta nhớ đến cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử.

Người cha hấp hối cứ một mực dành cho con cái khố độc nhất còn mình chết có vùi không trong đất lạnh cũng xong! Thì ra cái dòng máu ấy vẫn chảy âm thầm và bền bỉ trong trái tim mỗi người Việt Nam suốt mấy nghìn năm nay, nó là vẻ đẹp bất diệt của dân tộc này!

Nhưng không có con chó Vàng có lẽ truyện Lão Hạc không sâu lắng và cảm động đến thế. Dùng con vật như một đối sánh để khắc họa chân dung con người không còn là một thủ pháp nghệ thuật xa lạ nữa. Trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm Nam Cao, con chó đã thực sự là một tình tiết nghệ thuật đắt giá. Vậy mà ám ảnh hơn cả vẫn là cậu Vàng cùa ông lão này thôi, ở đây, con chó nào đâu chỉ sắm một vai truyện, cậu Vàng còn như một phần của lão Hạc. Liệu có thể hình dung đầy đù về lão Hạc không, nếu thiếu đi con chó ấy? Rõ ràng, Nam Cao có dụng ý đối chiếu ý thức sở hữu của anh trí thức và người nông dân. Ông giáo vô cùng quý những cuốn sách của mình. Nhưng với ông giáo, sách chỉ là một kỉ vật về một thời đầy mơ ước, và cũng chỉ thế thôi! Con chó Vàng với lão Hạc thì biết bao ý nghĩa. Nó là một tài sản (lão lẩm cẩm quy ra tiền), một vật nuôi (định bụng lúc cưới thằng con sẽ thịt), nó còn là kỉ vật của đứa con trai, một mối dây liên lạc lạ lùng giữa lão với đứa con vắng mặt. Song, phát hiện sâu sắc đến kì lạ của ngòi bút Nam Cao ở đây, vẫn là tư cách thứ tư của nó: một thành viên trong gia đình lão Hạc. Có một đứa con độc nhất thì đã bỏ lão mà đi. Sống cô quạnh trong một tuổi già trống trơ, lạnh lèo, lão có một nhu cầu rất tự nhiên: được làm cha, làm ông nội. Có bao nhiêu tình cảm chất chứa trong lòng, lão dồn hết vào con chó. Lão coi nó như một đứa con, rồi chăm chút cưu mang như một đứa cháu nội bé bỏng, côi cút: lão bắt rận, lão tắm, lão trò chuyện âu yếm, lão gọi là “cậu Vàng như bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”, lão mắng yêu, lão cưng nựng, dấu dí. Cứ thế, ranh giới của sự phân đẳng người - vật (chủ sở hữu và vật bị chiếm hữu) đã bị xóa nhòa tự bao giờ. Dường như vật nuôi đã được người hóa. Ý thức chiếm hữu thông thường đã chuyển hóa, kết tinh thành một tình cảm thiết thân, máu thịt. Có phải đấy là bản tính tự nhiên xa xưa và bất diệt của con người? Bản tính ấy được và chỉ được bảo tồn nguyên vẹn trong những con người như lão Hạc? Và xem ra, chỉ khi nào con người tìm đến với những vật nuôi như cậu Vàng kia để thấy một sự chia sẻ và nương tưạ như là một đồng loại, khi ấy nó mới trở về với bản tính cội nguồn, về với cách sống thực sự nhân văn. Lão Hạc đã đến với con chó Vàng như thế! Cũng vì thế mà khi cuộc sống tàn ác buộc lão phải chà đạp, phải thủ tiêu quan hệ tình cảm này, lão đã rơi vào bi kịch. Lúc cùng đường, buộc phải trả con chó về địa vị thông thường của một vật nuôi, một tài sản, nghĩa là xóa bỏ tư cách một kỉ vật, một thành viên, một người bạn tận tụy trung thành, đối với lão là một tội tình không thể tha thứ. Lão coi đó là một sự lừa gạt phản phúc! Lão đã đau đớn, đã khóc như một đứa trẻ con. đã xưng tội trước ông giáo, những mong làm dịu bớt nỗi cào xé tâm can. Những giọt nước mắt của lão là những giọt nhân tính thanh khiết nhất mà cuộc vật lộn sinh tồn cứ lăm le cướp nốt của mỗi chúng ta! Rồi thì lão cũng dịu đi. Nhưng có lẽ không vì những lời an ủi của ông giáo. Nó tạm yên, chủ yếu vì lão cũng đang đi đến cái chết như cách lão giải thoát cho cậu Vàng thôi. Và thật kinh khủng, trên đời này có biết bao cách chết, vậy mà lão như muốn trừng phạt mình trước con chó Vàng yêu dấu: lão tự đánh bả chính mình! - Tự chọn cho mình một cái chết thê thảm của một con chó! Y như một sự chuộc tội, thanh minh với cậu Vàng của lão. Chao ôi! Có ngẫu nhiên không, khi Nam Cao viết cái kết cục đến với cậu Vàng là thằng Mục và thằng Xiên đè lên nó, kết cục với lão Hạc cũng là hai kẻ lực lưỡng đè trên lưng, còn lão thì rũ rượi, vật vã, sủi bọt? Một tương quan, thật tàn nhẫn, thật cay đắng! Con chó không chỉ làm hiện lên nguyên vẹn tính người tự nhiên sâu thẳng trong lão Hạc. Đằng sau đó, Nam Cao còn kín đáo kí thác một triết lí đau buồn về thân phận trớ trêu của con người trên mặt đất này.

Văn xuôi

Khá nhiều truyện ngắn thành công lại đã vay mượn “tố chất” của các thể loại khác: chất trữ tình của thơ, xung đột gay gắt của kịch, kích cỡ đường nét hoành tráng của sử thi, chất tự do phong túng của tùy bút, rồi thì chất sử kí, chât cổ tích v.v... Thật là muôn hình muôn vạn trạng! Còn Lão Hạc thì cảm động ngay trong tính văn xuôi của nó. Nghệ thuật của lời văn Nam Cao lại chính ở chồ nó đã tước đi mọi trang sức. Riêng ngôn ngữ nhân vật lão Hạc thôi đã đủ thấy vẻ đẹp của lối văn ấy. Lời lão là sự lên tiếng của tính cách, của giọng điệu, của cả tâm lí nông dân của lão vốn nặng những lo toan, tính đếm, kể lể, cà kê... nhiều câu rất buâng quơ, lạc điệu so với mạch đối thoại, khiến nó có cái vẻ lẩn thẩn, lẩm cẩm rất riêng. Nhưng thật ra nó che giấu một mạch ngầm. Nó có vẻ gần giống với cái vẫn được gọi là “tảng băng trôi” ở Hemingway, thành thử lời gàn gàn, lẩn thẩn lại là những trao gửi, ủy thác khôn ngoan nhất của một người sắp đi vào cái chết. Ấy là những lời mà độ dư vang của nó không cảm nhận được tức thời. Nó vang lên ở không gian khác. Chỉ khi truyện kết thúc, ta mới thấy tiếng vọng chợt nhói lên của nó. Ví như Được ạ! Tôi đã liệu đâu vào đấy... Thế nào rồi cũng xong. Lúc nào nói, ta chỉ cảm được cái bề nổi là an ủi cho ông giáo yên lòng để việc mình nhờ trôi đi trót lọt. Khi chuyện khép lại, thì hóa ra Được ạ... Thế nao rồi cũng xong chính là muốn ám chỉ cái chết mà lão đang ngấm ngẩm định liệu cho mình. Những lời ấy chợt mở ra cái thế giới cao đẹp đầy dữ dội và hết sức cô đơn của lão Hạc. Nó chưa từng được cảm thông! Đến khi cảm thông được thì. đã muộn mất rồi! Nó chỉ còn day dứt và dằn vặt ta, không buông tha cho lòng ta. Khả năng truyền cảm kì lạ của văn xuôi Nam Cao là thế! Nó không còn là văn nữa! Nó là Đời!

Viết bình luận