Bàn về "Mùa tổ sáo"

Đã lâu lắm... tôi không còn được nhìn những chú sao non, những chú sáo sắp "ra ràng" ở vùng đồng quê Bắc Bộ. Sài Gòn không thiếu gì chim sáo. Tôi vẫn thấy chúng trong Sở thú, Tao Đàn... Nhưng đó là những chú chim già dặn khôn ngoan, luôn được chăm sóc, no đủ.

Ngày ấy cứ mỗi độ cuối thu, khi mặt ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, gặp gió heo may, đất se cứng, nẻ muôn vàn dấu chân chim. Đó là mùa làm tổ sáo. Cứ xế chiều, bọn trẻ làng tôi rủ nhau ra cánh đồng Gòi, trải rạ nằm ngửa mặt lên trời chờ những cánh chim sáo từ phương Bắc bay về. Chúng tìm tổ đẻ trứng.

Mùa tổ làm sáo

Bọn trẻ lấy những chiếc lờ ngâm cá rô của người lớn đã vứt bỏ làm tổ sáo - đó là những vật dụng được ken bằng tre hình trụ, đuôi túm, rộng chừng hai tấc rưỡi, dài năm tấc lấy ra nếp cái lợp lên để giữ cho tổ sáo không ướt khi mưa, không nóng khi nắng thì trứng sáo mới không bị ung thối.

Tổ sáo thường được buộc trên nhưng ngọn cây xoan cao để sáo mẹ dễ phát hiện, cũng để bọn trẻ dễ quan sát. Trong khu vườn bọn trẻ buộc rất nhiều tổ sáo. Nhưng không phải tổ nào sáo cũng ở. Chúng chỉ thích những chiếc tổ đẹp, chắc chắn và phải ở ngoài vòng hiểm họa của bọn mèo, chuột, rắn mối...

Việc quyết định chọn tổ đẻ trứng thường là sáo mẹ. Đôi khi sáo bố cũng tham gia, nhưng "ý kiến" của sáo bố chỉ để "tham khảo". Vì vậy khi sáo mẹ đáp xuống, chui vào chiếc tổ "kiểm tra" vài ba lần, chúng mới cùng nhau ưng ý!

Chọn tổ xong, sáo bố, sáo mẹ miệt mài tha rác lót ổ. Những cọng rác lượm lặt từ cỏ cây đồng nội, chấp chới đong đưa, cùng với những cánh chim sáo trên bầu trời làm khung cảnh làng quê vốn yên tĩnh trở nên sống động. Lúc này, dưới gốc cây bọn trẻ ẩn nấp rình và âm thầm sung sướng. Bởi ngay cả khi đã tha rác lót ổ, sáo mẹ vẫn có thể dời đi nơi khác nếu thấy có dấu hiệu không an toàn.

Lúc sáo đã đẻ trứng là lúc bọn trẻ thực sự yên tâm trèo cây thăm chừng. Đứa trên luồn tay vào tổ rồi làm dấu số trứng cho đứa dưới đất biết, mỗi ngày mỗi ngón tay được xòe thêm ra! Những viên trứng sáo còn nóng -hổi, đôi khi dính cả mấy sợi lông tơ màu sắc thật huyền diệu: xanh như da trời, nhưng là da trời mùa thu, da trời đã phớt nhẹ heo may.

Khoảng một tuần, không thấy sáo mẹ ra vào tổ, chắc hẳn chúng đang ấp trứng. Sáo mẹ siêng lắm! Sáo bố cũng chăm chỉ, thường dành những miếng mồi ngon nhất đem về cho sáo mẹ.

Sáo làm tổ

Đến một ngày khi sáo mẹ rời tổ bay đi, rồi trở về cùng với miếng mồi vừa kiếm được, thì trên tổ sáo rộn lên tiếng chiêm chiếp của những chú sáo non mới nở. Từ miệng tổ, những cái mỏ bé tí há hốc ra chờ đợi. Sáo mẹ không thể cùng một lúc mớm đều cho năm, bảy chiếc "miệng" bé xinh. Vì vậy những chiếc miệng khác lại rộ lên... Cứ thế, sáo mẹ tất bật bay đi bay về - người gầy rộc xác xơ - những cái mỏ bé xíu lại há ra, chờ đợi...
Như những con sáo non, khi sáo mẹ bay đi kiếm mồi, dưới gốc cây, lũ trẻ cũng... thấp thỏm! Vừa lo sáo mẹ không kiếm được mồi, vừa không biết trong số các chú sáo bé tí kia có chú nào không may chưa được mớm chút gì?!

Viết bình luận