Văn phân tích: Mời trầu

Mời trầu là phong tục giao tiếp của người Việt xưa. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nếp văn hóa giao tiếp này đã được phản ánh sâu đậm trong thơ ca dân gian, đặc biệt là trong quan hệ lứa đôi nam nữ.

"... Thưa rằng tôi đi hái dâu
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn...”

(Ca dao)

“Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu”

(Ca dao)

mời ăn trầu

Tiếp thu nếp văn hóa giao tiếp của dân tộc, nhưng đến lượt Hồ Xuân Hương mời trầu thì thật khác thường:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.”

Âm hưởng là âm hưởng của ca dao, nhưng tinh thần mới mẻ “Quả cau nho nhỏ”..., hình họa được gợi lên từ câu ca dao quen thuộc.

“Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa...”

Nhưng đến “miếng trầu hôi" thì là của Xuân Hương rồi, nó nhỏ mọn, tầm thường, chứ không sang trọng như trầu vàng, không kiểu cách đài các như trầu têm cánh phượng, không chua chát như trầu cay (ba đồng một mớ trầu cay, sao anh không hỏi những ngày còn không...). Làm sao đủ bản lĩnh để đưa “miếng trầu” hôi ra mời trầu bạn tình? Có người nghĩ là Xuân Hương hạ mình, không, Xuân Hương chẳng hạ mình, cũng chẳng nâng mình. “Miếng trầu hôi” là miếng trầu của Xuân Hương với mùi hôi mà tạo hóa ban tặng. Xuân Hương quái đản cứ muốn cho miếng trầu hôi ấy xộc vào mũi người ta rồi mới mời:

“Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

mời trầu

Xuân Hương tự xưng tên mới bạo dạn và trẻ trung làm sao. Có bao giờ nghe các nàng thôn nữ trong ca dao xung tên như vậy. Xuân Hương đã đảo lộn vai trò, chứng tỏ nàng đã ý thức sâu sắc về “quyền được yêu” của phụ nữ. Chính ý thức cá nhân vượt thời đại đó khiến nàng cởi mở, thành thật. Mời trầu là mời thật chứ không mời lơi, mời là “quệt” vôi vào trầu, người được mời không thể từ chối được. Động từ “quệt” nôm na mà hay, động từ không thể thay thế được, nó diễn tả một khát vọng mãnh liệt của Hồ Xuân Hương về tình cảm lứa đôi.
Xuân Hương mời trầu với một mong muôn tha thiết và một ý thức sáng suốt về cuộc đời bạc bẽo:

“Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”

Lạ là cau mà nhai với lá trầu quệt vôi thì thành màu đỏ, Xuân Hương dùng chữ thắm tha thiết hơn. Tình yêu cũng vậy, có duyên với nhau thì thành một. Mà tình yêu phải kêu gọi thống thiết như vậy là Xuân Hương đã dự cảm được sự thất bại rồi. Với nhận thức sắc sảo, với sự nhạy bén của một tâm hồn đa cảm, Xuân Hương lên giọng trịch thượng:

“Đừng xanh như lá, bạc như vôi”

Xuân Hương mong muốn tình cảm đôi lứa quyện lại với nhau, thắm thiết, nồng nàn như trầu cau. Xuân Hương muốn quan hệ lứa đôi phát triển thành tình cảm mới, thắm thiết, thủy chung, chứ không muốn lẻ loi, cô độc. Thiên tài là nữ sĩ vừa nhìn thấy khả năng vận động của màu sắc, màu xanh (lá trầu), sắc trắng (của vôi) quện với nhau sẽ thành màu đỏ thắm tượng trưng cho tình duyên thắm thiết lại vừa nhìn thấy màu sắc mà đứng riêng lẻ thì lẻ loi, lạnh lùng, cô đơn (xanh như lá); nhạt nhẽo, bạc bẽo, tàn nhẫn (bạc như vôi).
Bài thơ “Mời trầu” bộc lộ nhiều nét tính cách của Hồ Xuân Hương. Mạnh bạo vượt qua lễ giáo phong kiến nghiệt ngã, Xuân Hương đảo lộn vai trò, mời trầu bạn tình, cũng có nghĩa là Xuân Hương chủ động đến với tình yêu bằng thái độ cởi mở chân thành, tha thiết. Khát vọng tình yêu thì cháy bỏng, nhưng nữ sĩ vẫn đủ sáng suốt nhận ra sự bạc bẽo của tình đời. Mà phần chiêm nghiệm về cuộc đời của nữ sĩ để lại ấn tượng sâu đậm trong bài thơ. Cho nên, với Hồ Xuân Hương, tình yêu mãi mãi chỉ là một khát vọng.

Viết bình luận