Phân tích bài Ông đồ của Vũ Đình Liên
Có nhiều người không làm nhiều thơ nhưng lại có bài thơ để đời như Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ.
Khi tôi viết những dòng này, tết cũng gần đến. Ông đồ vắng bóng già nửa thể kỉ. Nhưng trong rừng người tập nập đi chợ tết, tôi ngỡ ngàng thấy một ông già áo đen, guốc mộc, ngơ ngác hỏi thăm chỗ làm khăn đóng có lẽ đã đẹp từ lâu. Trông ông già nua, cũ kĩ, lạc lõng đến nao lòng giữa biển người không ai giống ông, ông đồ Vũ Đình Liên có khác gì ông già áo khăn lụm khụm mà tôi vừa gặp. Cũng hiền hậu, đơn sơ mà cảm động. Đi giữa những cành mai chúm chím nắng tháng chạp mà lòng tôi cứ ngân nga: Mỗi năm hoa đào nở...
Cả một thời dài Hán học suy tàn, nhà nho hết đất, tôi thỉnh thoảng gặp họ trong thơ văn. Gặp trong khoa thi Hương cuối mùa có vị đắng của buồn, vị chát của nhục:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Trần Tế Xương
Gặp họ trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, bên tiệc rượu thạch lan hương, ấm trà trong sương sớm, trong những thú vui phong lưu tao nhã đầy khí vị nho gia; bình thơ, thả thơ...
Nhưng họ không thể giữ cốt cách để nằm co mãi trong đằng đẵng nửa thế kỉ cái học ngàn xưa lụi tàn. Người ta nao lòng đọc một dòng quảng cáo trên báo: Nhận làm thuê các thứ văn vui buồn thường dùng trong xã hội dưới kí một cái tên mà văn học Việt Nam còn lưu luyến mãi: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu! Rồi kế đó bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên!
Ông đồ ấy là một ông đồ có thực phố Hàng Bồ, nơi mẹ vợ của tác giả có một cửa hàng giấy. Ông đồ già, nghèo đến nỗi không có tiền mua cả giấy xấp. Vợ của tác giả đã bán từng tờ giấy cho ông. Có một người không bán nhưng chỉ có một trái tim đầy thương cảm. Thế là Ông đồ ra đời, từng câu, từng câu... thong thả như hoa quỳnh nở. Từng nét nhụy uốn cong xòe ra tỏa hương... buồn!
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bài thơ mở ra bằng màu hoa đào. Câu thơ nở ra từ câu thơ của Thôi Hộ: Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Chính Vũ Đình Liên công nhận: Trong máu mỗi nhà thơ Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đó, đều có một chút thơ Đường'v. Chính trong màu hoa đào mênh mang hoài cảm ấy, ông đồ xuất hiện. Ta có thể tưởng tượng sự có mặt của một cây cổ thụ ngàn năm bật gốc sau một cơn bão lớn. Cây đổ ngọn gục. Từ trên chót vót của thứ bậc xã hội. ông đồ, hình bóng tượng trưng cho giai cấp kẻ sĩ, rơi xuống bên lề đường, trở thành người vất vưởng, hoài nhớ giá trị cũ suy tàn, bỡ ngỡ với phong hội mới. Chế độ khoa cử Hán học cáo chung sau 8 thế kỉ rưỡi ngự trị. Học thuật, văn chương theo với thành trì nghiêng ngả. Chữ Hán phải nhường vị trí quốc tự cho một thứ chữ mới: Quốc ngữ, những nhà nho như ông đồ phải rời án thư, ra tận hè phố kiếm sống. Ông kiếm sống còn khó khăn hơn những người khác, bởi họ làm ăn quanh năm, còn ông chỉ những ngày giáp tết. Chỉ những ngày đó, nhớ bánh chưng xanh người ta nhớ luôn câu đối đỏ và nhờ ông viết thuê.
May mà còn:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tấc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"
Tôi chạnh nhớ cái chữ Thánh hiền thời nọ. Thứ chữ hồi ông ngoại tôi còn sống, vốn cũng là ông đồ làng, người nhà chỉ được phép đốt chữ không được gói đồ và xé. Xưa muốn có những chừ như phượng múa rồng bay ấy đâu có dễ! Xem Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân thì biết. Để có những chữ đẹp lắm và vuông lắm của người tử tù Huấn Cao, viên quản ngục phải cơm dâng rượu hầu, chắp tay bái lĩnh lời khuyên bỏ nghề vì tình yêu đối với cái đẹp. Thứ chữ ấy bây giờ chỉ cần quẳng chút tiền ra thuê là có!
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuế viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Họ nay đâu? Bánh chưng xanh còn đấy, câu đối đỏ đi rồi! Nếp cũ đổi thay. Chữ Nho đã thành món hàng ế không ai chuộng nữa. Trong xu thế chung không thể cưỡng lại ấy, tình cảm ông trở nên ngao ngán đáng thương. Nỗi sầu lo ủ dột lan thấm đến cả đồ vật: Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu. Chúng là hình ảnh của chủ nhân hết thời của chúng. Tàn tạ, lạc lõng, tiêu điều. Thiên hạ náo nức đón xuân, đón cả luồng gió mới do Tây học mang lại. Thành trì luân lý ngàn năm đã đổ. Người ta ngóng cổ tìm mò ngắm trời cao đất rộng ngoài kia. Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Tố Tâm... và nhất là cà một dòng thơ tươi mới tràn trề sức sống phá tung mọi khuôn khổ. Chữ mới dễ học và thực dụng. Văn chương mới trẻ trung hấp dẫn đã cuốn họ đi xa, bỏ lại những người như ông đồ bên lề cuộc sống:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.
Tôi cho đây là khổ thơ hay nhất trong bài thơ Ông Đồ. Ở đó cái lực của ngòi bút, cái tâm của một con người hợp lại đủ sức lay động những trái tim thờ ơ, vô tình với một sự chung cục, một sự chung cục thầm lặng và thương tâm. Người trong cuộc, bên phố đồng, lặng nghe mình lụi tàn. Người ngược xuôi như nước nhưng chẳng còn ai để ý đến cái bóng mờ nhạt, tàn tạ ấy. Ông đã bị lãng quên ngay khi còn hiện hữu. Ông chẳng qua chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn(1). Lá rơi không nghe tiếng. Mưa bụi chẳng ướt ai. Thế mà nửa thế kỉ rồi đọc lại. tôi vẫn tái tê thấm thìa nỗi đau lặng lẽ của chiếc lá vàng trên giấy thấm tàn phai. Thế mới biết sức sống của một bài thơ không phải chỉ ở ngôn từ. Chính tấm lòng thương cam trân trọng, tinh tế của tác giả đã làm ấm những dòng chữ lạnh với thời gian. Thơ gần với máu hơn với mực. Có phải vì thế mà Ông đồ sống lâu?
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Bài thơ mở ra với màu hoa đào và khép lại cùng với màu hoa ấy. Nhân diện bất tri hà xứ khứ - Đào hoa y cựu tiểu đông phong.
Ngoài ý thơ Thôi Hộ. khổ thơ cuối còn mang nỗi buồn mênh mang của tứ thơ Francois Villon, nhà thơ Pháp thế kỉ XV trong “Ballade des dames du temps jadis” (Những người mệnh phụ xưa, trong đó có những câu Vũ Đình Liên tạm dịch: Đừng hỏi những người phụ nữ cũ ấy bây giờ ở đâu - những người tài hoa son trẻ ấy tìm lại thế nào được. Tuyết mỗi năm tan một lớn. Làm sao tìm được tuyết năm xưa).{2) Biết làm sao được khi tác giả sống vào cái buổi giao thời, quay mặt với cái cũ không nỡ, làm ngơ với cái mới sao đành!
Nén hương đã thắp - Hoài niệm mênh mang. Ông đồ “cụ thể” lung linh thành những người muôn năm cũ. Đông, Tây, Kim, cổ đều gặp nhau ở chữ HOÀI, thấm thìa sầu nhân thế. Tôi lại nao nao nhớ lại nỗi buồn của một Trần Tứ Ngang ngàn năm trước trong bài thơ chữ Hán, bản dịch của Võ Liêm Sơn:
Ai người trước đã qua?
Ai người sau chưa đẻ?
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ.
Lòng chợt tri ân câu thơ chân mộc của tác giả Ông đồ gởi họa sĩ bùi Xuân Phái.
Người bảo tranh anh vẫn sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương
Chính “cứ thương thương” đó của nhà thơ đã tạo cái thần cho những dòng thơ giản dị khiến người ta nhớ mãi. Ngay trong thời - của - mình, người ấy vẫn chạm thương thời - của - người. Hoài Thanh cho bài thơ Ông đồ là một “nghĩa cữ” của lớp trẻ tân học đối với cựu học đã hết thời cũng đúng thôi.
Thơ vốn hàm súc nhưng đạt đến độ như Ông đồ thì thật đáng phục. Giữa cái thời ý tưởng tràn bờ, khuôn khổ lung lay, nhà thơ mới Vũ Đình Liên đã chừng mực chọn cho mình thể thơ 5 chữ, thả dài 4 khổ. Chỉ 100 chữ, không cầu kì, cũng không tân kì, thế mà cả một thời lây lất nghiêng ngả kéo dài nửa thế kỉ của Hán học và nhà nho gói trong đó, hé từng câu, phô từng cánh; âm thầm tỏ ra cái tiều tụy đáng thương của một thời tàn. Chữ THƯƠNG quá rõ, còn chữ HOÀI nếu có, tôi nghĩ cũng xuất phát từ chữ thương ấy. Hoài ấy không giống mối hoài cảm của Bà Huyện Thanh Quan, càng không phải cái hoài ngộ nghĩnh vui tươi về những ngày xưa khiến ta cứ tủm tủm cười của Nguyễn Nhược Pháp.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Âm hưởng nốt nhạc CUỐI miên man day dứt, khiến người nghe cứ thẫn thờ. Thời của một đời rồi sẽ qua. Ai cũng vậy. Nhưng qua đi không hẳn là mất tiêu, vô nghĩa. Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và ngày mai cũng sẽ từ hôm nay. Ông đồ đã trở về thế giới yên nghỉ của ông, về với thời xa vắng. Người xưa thành ông cha, cái cũ thành di tích. Nét đẹp và sức mạnh của phương Đông ở bên trong và từ thăm thăm. Nói đến văn hóa không thể không nói đến cội nguồn, nói đến hôm nay không thể phủ nhận hôm qua. Ẩn khuất, biến thái, lan tỏa, ngàn xưa và người xưa vẫn là một mảng đậm đà trong hồn dân tộc.
Năm tháng cứ qua đi. Tết vẫn đến. Hoa đào nở. Chỉ có đời người đổi thay. Vụt qua trước mắt tôi là những cô cậu rất trẻ đèo cặp ba trên chiếc xe Dream màu nho tím. Họ rất mode, rất tươi trẻ, rất thực tế. Họ quá khác với ông già ngơ ngác có cái khăn đóng mốc meo tôi đã gặp trước hết. Và tôi tự hỏi, có khi nào, những con người tràn trề nhựa sống ấy sẽ tự hỏi như Vũ Đình Liên ngay trong thời - của - mình:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu hây giờ.
Viết bình luận