Em hãy phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

1 - Trước khi tôi đọc bài thơ, người ta nhìn thấy hình thù của nó trên trang giấy: với hai mươi câu thơ năm âm tiết, Ông đồ để lại nhiều khoảng giấy trắng hơn cả một số bài cùng dáng dấp ngũ ngôn, ví như bài Tay ngà và Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Nhất là bài sau dài hơn bài thơ của Vũ Đình Liên nhiều, lại không chia thành khổ. Sự kiềm chế, đọng lại của lời thơ Ông đồ phải chăng xuất phát từ chỗ nó không chỉ giới hạn ở một chủ đề chung với thơ Nguyễn Nhược Pháp, nỗi niềm hoài cổ, mà còn hướng tới triết lí, gợi lên những chuyện dâu bể thăng trầm trong nhịp độ của thời gian. Nó gần với Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, theo hướng nén lại tình cảm. Còn ở hai bài thơ Nguyễn Nhược Pháp, là một trạng thái hồn nhiên hơn, tràn trề cảm xúc trong khi hoài niệm về “Ngày xưa”. Tất nhiên, nói đến độ nén của tình cảm mà tìm biểu hiện ở kích thước, số lượng câu chữ, đó chỉ là ấn tượng ban đầu, khi mới nhìn. Còn sau đó, phải đọc.

2 - Một số nhà phê bình đã đọc hai khổ thơ đầu trong mối liên hệ đối lập với ba khổ thơ sau. Hai đoạn đầu tươi vui, nhảy nhót, với cái nền hoa đào nở của ngày tết, của mùa xuân, với giấy đỏ, mực màu đen, với người qua lại tấp nập, với những lời bình luận ngợi ca nét chữ đẹp của ông đồ. Ba đoạn thơ cuối miêu tả những biến động của thời gian (...). Ngôn từ thoạt đầu đầy âm thanh ồn ào, màu sắc tươi, dần dần xa vắng, mênh mông.

Ông đồ

Riêng tôi, tôi thấy bài thơ buồn ngay từ hai câu đầu và đoạn sau chỉ là sự phát triển, lộ rõ cái tứ thơ đã phảng phất ở đoạn trên mà thôi:

Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già...

Thời gian khiến thiên nhiên có dịp tái sinh, xuân hóa, trong khi đó nó chỉ khẳng định thêm... (lại thấy...) sự già nua của ông đồ. Thêm nữa, nét đối lập đã hàm ẩn ngay giữa những hình ảnh “tươi vui” ban đầu:

... Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay”.

Sức sống của hoa là tự tại. Còn mực tàu giấy đỏ, màu sắc mãnh liệt ấy. Bày ra đó nhưng ở bên ngoài. Ở đây, cái hiện đại chỉ xuất hiện qua hai hình ảnh phố và người thuê nhưng lại đầy sức mạnh bởi phố đông và bao nhiêu người... Số lượng cũng là một sức mạnh. Còn thế giới của ông đồ đẹp đẽ, nhưng mỏng manh. Còn gì mỏng manh hơn giấy bút? Và ngay cả tài năng của ông đồ nữa, nó chỉ hiển hiện trên câu thơ bằng từ ngữ, lối nói cổ xưa (hoa tay, thảo, phượng múa rồng bay), cũ kĩ ngay cả trong nhịp điệu của hình ảnh ví von do đối ngẫu (phượng múa, rồng bay)..

Bởi lẽ ngay từ đầu bài thơ, sự xuất hiện của ông đồ đã gắn với một thời điểm: thời điểm ông đi viết thuê. Những nét phượng múa rồng bay kia là để bày bán bên hè phố.

3 - Do đó, ba khổ thơ sau không hẳn chỉ là sự đối lập mà là sự trùng điệp một số hình ảnh đã xuất hiện, thật đúng với tính chất thơ. Thật ra ở đây không chỉ có sự điệp lại, mà là những biến thái và chuyển hóa của các hình ảnh ấy.

Trong khổ thơ thứ ba và thứ tư, những hình ảnh biểu hiện thời gian khổ thơ dẫu vẫn trở lại nhưng không chỉ đơn giản gợi lên tính chất tuần hoàn, chu kì. Mỗi năm hoa đào nở đã chuyển thành:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Ở câu sau, từ mỗi được lặp lại như gõ nhịp cho bước đi của thời gian. Thêm nữa, bước đi của nó lại được gợi lên trong một không gian đặc biệt: sự vắng lặng. Bởi thế, lắng nghe, ta thấy nhịp độ thời gian trở thành nhịp độ suy thoái (... mỗi vắng). Cảm nhận ấy còn được tô đậm thêm bởi hai hình ảnh chưa xuất hiện ở đầu bài thơ. Nếu ở trên, thời gian còn thấp thoáng sau gương mặt biểu tượng cho mùa xuân (hoa đào nở) thì ở đây đã có sự chuyển hóa sang những hình ảnh ngược lại - và vẫn có ý nghĩa biểu tượng: lá vàng và mưa bụi. Nếu mùa xuân đã từng gợi ý niệm mỉa mai về con người, thì mùa đông càng chẳng thể làm nó sống lại! vẫn nằm trong hệ thống hình ảnh của toàn bài thơ, lá vàng và mưa bụi điệp lại những nét mỏng manh đã xuất hiện từ khổ thơ đầu.

Cộng hưởng với hệ thống hình ảnh ấy, trong hai khổ thơ này, xuất hiện những từ không xác định (nay đâu, ai hay...). Người thuê viết trở lại trong câu hỏi vô định (Người thuê viết nay đâu?) và trong một câu khẳng định: Qua đường không ai hay.

Nếu hình ảnh cuộc đời gắn với nó là thời gian, thiên nhiên, ở những khổ thơ này có gì khác so với hai khổ thơ, đó chính là sự di động của nó được hiển hiện rõ nét:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng,
Người thuế viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm tháng đều nhịp bước, người thuê viết thành kẻ qua đường, và ngay cả lá vàng rơi, mưa bụi bay, tất cả đều ở trạng thái động. Trong khi đó, mọi hình ảnh về ông đồ đều gắn với sự ngưng đọng giấy đỏ buồn... - Mực đọng... Ông đồ vẫn ngồi đấy...

4 - Ở khổ cuối cùng, nhà thơ đọng lại một thời điểm:

Năm nay đào lại nở...

Đó là hiện tại, tất nhiên chỉ là một hiện tại giả thiết cho nhà thơ (và bạn đọc). Sự xác định này giống như một cánh cửa khép lại đối với họ mà thôi. Còn với cuộc đời, guồng quay của nó bất tận (đào lại nở...). Ý niệm về sự tuần hoàn của nó vẫn được gợi lên qua hình ảnh của bông hoa, biểu tượng cho sự tái sinh vĩnh viễn. Ngoài ra ý niệm ấy còn được biểu hiện qua việc gần như lặp lại toàn bộ câu đầu bài thơ, với một vài biến thái nhỏ (mỗi năm hoa đào nở... Năm nay đào lại nở...).

Nghệ thuật trùng điệp ở một bài thơ hay - không bao giờ hoàn toàn là sự lặp lại. Khổ thơ cuối cùng vẫn đặt song song hai hình ảnh từng được chú ý dọi sáng từ đầu bài. Hoa đào bên cạnh ông đồ. Tuy nhiên, ở đây chỉ có sự chuyển hóa của một hình ảnh ngày càng mở rộng, mơ hồ, khó nắm bắt:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Tới đây ta thấy được hai hình ảnh ấy (hoa đào và ông đồ) đâu là điểm hội tụ ánh sáng của bài thơ. Hoa đào vẫn vậy. Nhưng hình ảnh mà nhà thơ dõi theo, đó chính là con người được vẽ lên trong sự chuyển hóa.

Chỉ qua sự tiến triển, biến thái của một hình ảnh (ông đồ), ta đã thấy gợi lên âm hưởng khái quát của khổ thơ cuối cùng: đâu phải chỉ là số phận của ông đồ già!

Phố Ông đồ

Dường như tiếng vọng, âm hưởng mở rộng, lan ra ấy còn được gợi lên bởi một hiện tượng được thấy ở một số nhà Thơ mới (như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương). Đó là hiện tượng mà có người đã gọi là đa âm hiểu theo nghĩa nôm na và đơn giản nhất: trong khổ thơ cuối cùng, ta nghe thấy cả Thôi Hộ, Francois Villon, cả Nguyễn Du cùng cất tiếng tiếc thương cho tài hoa, cho hồng nhan bạc mệnh, đằng sau đó là cả một nỗi ngậm ngùi trước dâu bể, thăng trầm. Điều này, chính bản thân Vũ Đình Liên cũng đã xác nhận ảnh hưởng.
Điều mà tôi muôn nói thêm, đó chỉ là: ngay trong bài thơ này, Vũ Đình Liên trước sau vẫn là người si mê Baudelaire. Điều đó không hiện lên bề nổi của câu chữ (như đặt câu hỏi theo kiểu Francois Villon. Nhưng đâu rồi những ánh tuyệt xưa? Hoặc điệp lại gương mặt hoa đào của Thôi Hộ, Nguyễn Du). Nó nằm ở bè trầm, nhưng lan tỏa trong toàn bộ nhạc điệu bài ông đồ: đó là âm hưởng về sự đơn côi của con người trong những đô thị hiện đại. Nói rộng ra, âm hưởng này ám ảnh những nhà thơ lớn của Pháp cuối thế kỉ XIX, kể cả Rimbaub, Verlaine. Cảm hứng của Baudelaire trong bài Chim thiên nga cũng được gợi lên từ một nhân vật cổ xưa, nằng Andromaque và sự điệp lại hình ảnh ấy qua một cánh thiên nga không tìm thấy trước, đang lết đôi cánh ngắc ngoải bên lề đường Paris đầy bụi bẩn:

Paris đổi thay ! Nhưng chẳng chút gì trong tâm tưởng ta
Di động! Lâu đài mới đây, giàn giáo khối hình.
Ngoại ô cũ, tất cả với ta trở thành biểu tượng.
Đá tảng đâu nặng tày kỉ niệm thân thương.

Như vậy, âm hưởng bài Ông đồ chứa chất trong mình sức nặng của hồn thơ cổ, kim, Đông, Tây. Tính chất đa thanh, phức điệu của khổ thơ cuối khiến khi lời thơ dứt, dư ba của nó lại tràn ngập. Ở đoạn mà lời thơ nói: Không thấy ông đồ xưa, ta lại thấy con người muôn năm cũ ấy hiện diện hơn bao giờ hết. Toàn bộ bài thơ kết cấu trên một âm hưởng ngày càng mở rộng, lan ra.

Viết bình luận