Văn phân tích: Mùa thu nay khác rồi
Nguyễn Đình Thi là nhà nghệ sĩ đa tài. Là nhạc sĩ, ông có bài hát “Diệt phát xít” rất nổi tiếng; là nhà văn, ông có tiểu thuyết “Vỡ bờ” cả ngàn trang; là kịch tác gia, ông có vở kịch “Con nai đen” đầy bí ẩn; là nhà phê bình, ông có “Mấy vẩn đề văn học”, là nhà thơ, ông có bài “Đất nước”, một trong những bài thơ hay của thơ hiện đại Việt Nam. Đoạn thơ này diễn tả cảm xúc của thi sĩ về mùa thu kháng chiến, niềm tự hào của tác giả về non sông đất nước, về truyền thông bất khuất của dân tộc.
Viết về đất nước, mỗi nhà thơ đều có cảm xúc riêng, cách thể hiện riêng. Nhà thơ Trần Mai Ninh khởi đầu bằng:
“Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc
Mây lồng và nước reo
Nắng bột chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo”
(Tình sông núi)
Chế Lan Viên lại khởi đầu bằng những suy nghĩ có tính khái quát:
“Tổ quốc bao giờ đẹp thể này chăng?”
Nguyễn Đình Thi mở đầu bằng cảm xúc mùa thu “sáng mát trong”, mùa thu của thiên nhiên Việt Bắc kháng chiến. Rồi lại hồi tưởng về mùa thu Hà Nội với những kỉ niệm của người ra đi. Đoạn thơ này, tác giả trở về với cảm xúc mùa thu kháng chiến:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.”
“Mùa thu nay khác rồi”. “Mùa thu nay” là mùa thu kháng-chiến, nhà thơ đang đứng giữa mùa thu với thiên nhiên Việt Bắc, với không khí tự do mà nghĩ đến mùa thu Hà Nội:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hai may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Tác giả nói “mùa thu nay khác rồi” là để so sánh với mùa thu đẹp mà buồn của Hà Nội. “Mùa thu nay” vui vẻ vì đây là mùa thu của Việt Bắc sau chiến dịch thu đông 1947. Thiên nhiên đẹp được nhân hóa, thiên nhiên nhạy cảm như con người:
“Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
Một mùa thu đẹp đang reo vui như lòng người, như tâm hồn thi sĩ trước mùa thu tự do của đất nước.
Câu thơ của Nguyễn Đình Thi thường dồn vào nhiều cảm giác, ví như câu thơ mở đầu:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa”
Đã “sáng” lại còn “mát”, rồi “trong”. Còn câu thơ này “Trong biếc nói cười thiết tha”, đã “trong” còn “biếc”, đã “nói” còn “cười”, màu sắc và âm thanh rộn rã.
Nhưng bốn câu thơ tả mùa thu kháng chiến không thể sánh được với bốn câu thơ tả mùa thu Hà Nội.
Từ niềm vui với thiên nhiên mùa thu Việt Bắc kháng chiến, nhà thơ khẳng định ý thức làm chủ đất nước:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.”
Vào những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, các nhà thơ thường bộc lộ ý thức làm chủ đất nước của nhân dân và thi sĩ. Nhà thơ cùng thời với Nguyễn Đình Thi là Tố Hữu cũng viết:
‘Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm
Mây của ta
Trời thắm của ta.”
(Ta đi tới)
Giọng thơ cũng đổi khác, từ những câu thơ miêu tả, tác giả chuyển sang những câu thơ đẳng thức nhằm khẳng định:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta.”
Nhưng nếu cứ tiếp điệu thơ đẳng thức như vậy thì thơ sẽ khô khan nên nhà thơ chuyển cách diễn đạt. Tác giả gợi đến một mùi hương mà cũng là mở ra không gian bao la “những cánh đồng thơm mát”. Tác giả còn gợi đến màu sắc nặng tình nặng nghĩa:
“Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Một màu sắc gợi lên sự trù phú do những dòng sông mang lại cho những cánh đồng. Màu đỏ đầy ấn tượng về những con sông của miền đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt là sông Hồng, khác với những dòng sông xanh miền Trung:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre”
(Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh)
Cảm hứng thơ từ không gian chuyển sang thời gian, từ hiện tại trở về quá khứ, diễn tả sức mạnh của truyền thông dân tộc:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.”
Câu thơ thu về ba chữ “nước chúng ta” cô đúc, bộc lộ niềm tự hào về truyền thông quý báu của dân tộc: tinh thần bất khuất. Nhưng đó chỉ mới là một tầng nghĩa. Từ “khuất”, hiểu theo nghĩa bất khuất, đúng. Nhưng từ “khuất” còn một nghĩa nữa là không bị che lấp. Nghĩa là cha ông bất khuất vẫn luôn luôn hiển hiện với chúng ta, nói như vậy chẳng khác gì Nguyễn Đình Chiểu nói “Sông đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh”:
Ông cha anh hùng bất khuất vẫn hiển hiện với chúng ta đến nỗi nhà thơ còn nghe được tiếng nói của người xưa vọng về.
“Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về”
Đó là cái “nghiêng tai kì diệu” của thi sĩ.
Thơ Nguyễn Đình Thi nồng nàn nhưng không say đắm như Xuân Diệu, say mà tỉnh; có trí tuệ nhưng không duy lí như Chế Lan Viên; có suy tưởng nhưng không suy tưởng từ cái vô hình vô ảnh như Huy Cận.
Một đoạn trích trong bài “Đất nước” cũng cho ta thấy vẻ đẹp riêng của thơ Nguyễn Đình Thi. Đoạn thơ đã diễn tả được cái hồn của non nước và tâm trạng lạc quan phơi phới của nhà thơ trong những ngày đầu kháng chiến còn đầy gian nan. Đọc “Đất nước” ta thêm tự hào về quê hương Việt Nam thân yêu, về truyền thống bất khuất của cha ông. Những âm điệu này cứ vang mãi trong tâm trí ta:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.”
Viết bình luận