Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính suốt cả thời kì Thơ mới (1932-1945) là nhà thơ của tha hương và tình yêu trắc trở. Và những điều ấy lại được phổ vào những điệu cổ truyền của ca dao nên càng dễ thấm vào lòng người đọc. Suốt thời kì Thơ mới, các nhà thơ khác tìm khai thác cái hồn, cái dáng tân kì của thơ hiện đại Pháp, Nguyễn Bính vẫn mơ mộng, say mê với cái hồn quê, cảnh quê mộc mạc, chất phác, với cách ví von so sánh ý nhị, duyên dáng, với thể thơ năm chữ, bảy chữ và lục bát quen thuộc.

tương tư 1

Bài thơ Tương tư rất gần với ca dao về vần, về nhịp, về những hình ảnh mang tính ước lệ cho làng quê Việt Nam:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.

Bài thơ được Nguyễn Bính viết khi ông 20 tuổi (1939). Một bài thơ tình thể hiện nỗi thầm yêu trộm nhớ. Một người nhớ một người. Yêu và nhớ tha thiết mà không được đáp lại nên buồn và có một chút trách thương.

Tương tư là nhớ nhau. Trai gái với nhau. Đó cũng là một thi đề muôn thuở của thơ ca:

Tương tư chẳng ốm củng sầu.
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như dứng đống lửa như ngồi đống than.

(Ca dao)

Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng tương tư:

Một nước một non người một ngả
Tương tư không biết cái làm sao.

Trần Huyền Trân lại tạo ra Khúc hát tương tư:

Xa em gió ít, lạnh nhiều
Nửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh.

Là khúc hát nhưng cũng chả vui được chút nào. Xuân Diệu thì say đắm nồng nhiệt:

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em. Anh nhớ lắm! em ơi...

(Tương tư, chiều...)

Trong bài Tương tư, Nguyễn Bính không dùng những câu chữ cầu kì. Người đọc có thể hiểu dễ dàng qua trực cảm mà không cần suy tư gì cả. Tương tư là một thứ bệnh của chàng trai đa tình:

Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Nói là bệnh nhưng đó chính là cái vốn có tự nhiên, là thuộc tính vốn có tự nhiên của trời đất. Tuy vậy cái nỗi tương tư ở đây cũng còn mơ hồ, mênh mang lắm. Cũng chưa nhớ ai cụ thể mà bâng quơ:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.

tương tư

Và nỗi nhớ không cưỡng lại được ấy cũng chỉ là đơn phương, còn nguời kia có lẽ cũng chỉ là tưởng tượng, là cái cớ để nhà thơ bộc lộ cái bệnh đa tình thi sĩ của mình. Cho nên, cái nhớ, cái yêu ở đây có tha thiết, nóng lòng sốt ruột mà vẫn nhẹ nhàng:

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bển này?
-----------------------------------------
Bảo rằng cách trở dò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đinh,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...

Cách một đầu đỉnh, không cách trở đò giang mà vẫn xa xôi, thế thì chưa thể nói là yêu. Nếu đã yêu thì dù đò giang núi đèo ngăn cách cũng quyết tâm vượt qua để đến với tiếng gọi của tình yêu:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.

(Ca dao)

Ở đây thì yêu ai? Nhớ ai? Và ở đây chắc gì đã có ai yêu lại? Những lời trách cứ kia cũng chỉ là để vơi nhẹ bớt nỗi buồn, nỗi nhớ vô vọng mà thôi. Người đọc thông cảm với tâm trạng ấy và điều đáng nói hơn là hiểu thêm được những sắc thái tinh tế và phức tạp của tình yêu: yêu mà chưa được bù đắp, tình yêu mới chỉ ở một phía thì cứ ngẩn ngơ, giả định, đợi chờ.

Bài thơ Tương tư biểu hiện một mối tình, một nỗi nhớ trên cái nền thiên nhiên quen thuộc gợi cảm của làng quê Việt Nam. Thiên nhiên ấy ẩn chứa một cái hồn quê sâu đậm có khả năng làm rung động chúng ta. Đó chính là nét đặc sắc của bài thơ và cũng là cái riêng biệt của thơ Nguyễn Bính.

Những hình ảnh trong thế giới làng quê không dừng lại ở mức tả cảnh. Những thôn Đoài, thôn Đông, mưa gió, con đò, bến nước... đều như nói lên tiếng nói của kẻ đa tình. Cái tình ở đây đều nhờ cảnh nói hộ, hệt như cách trao duyên trong ca dao truyền thống:

Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm dã thành cây lá vàng
-----------------------------
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Vừa cụ thể, vừa kín đáo, tế nhị. Có lẽ nói về nỗi nhớ không có gì thích hợp hơn là sử dụng lục bát. Thể thơ lục bát giàu nhạc điệu, dịu dàng tha thiết làm tăng thêm sự xao xuyến bồi hồi vốn có ở ý thơ. Nguyễn Bính lại có sở trường về lục bát và đã đưa thêm vào lục bát cổ truyền cái bản sắc của Thơ mới. Những hình ảnh lạ, những từ ngữ mới và một cái buồn man mác của tâm hồn lớp người tiểu tư sản những năm trước Cách mạng:

Gió mưa lồ. bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
----------------------------
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Vì vậy, cũng dễ hiểu trong thơ Nguyễn Bính cũng như trong bài thơ Tương tư bên những câu duyên dáng, thuần thục như ca dao ta thấy xen vào những câu thơ quá mới. Và nhờ thế, Tương tư giống ca dao mà cũng khác ca dao.

Viết bình luận