Văn phân tích: Khóc Dương Khuê

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là đôi bạn tri kỉ. Nguyễn Khuyến sinh trước (1835), Dương Khuê sinh sau (1839), nhưng Dương Khuê lại đi trước (1902). Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Khóc Dương Khuê”. Thơ viết về tình bạn nhiều, nhưng thơ hay hiếm. Bài thơ “Khóc Dương Khuê” của cụ Tam Nguyên Yên Đồ thuộc vào loại những bài thơ hiếm về tình bạn. Gần môt thế kỉ, bạn đọc đã yêu thích, đã nhớ, đã truyền tụng bài thơ viết về tình ...... sâu sắc, cảm động, cao quý này.

Nguyễn Khuyến bàng hoàng khi nghe tin bạn mất:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

khóc dương khuê

Tác giả nén đau thương trong hình thức tu từ nhã ngữ (nói giảm). Nhà thơ không dám nói đến những chữ đau lòng mà chỉ nói “thôi đã thôi rồi”. Nhưng tình cảm đau thương tang tóc lại nhuốm cả không gian “nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”. Những từ láy “man mác”, “ngậm ngùi” biểu lộ sự thốn thức trong lòng thi nhân.

Tác giả hồi tưởng lại những kỉ niệm về tình bạn với Dương Khuê:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”.

Nguyễn Khuyến nhớ lại khoa thi năm Giáp Tí (1864) hai người cùng “đăng khoa” (thi đậu), Nguyễn Khuyến đậu giải nguyên (đậu đầu cử nhân).

Cuộc gặp gỡ ấy là cái duyên của hai người bạn đồng khoa, “duyên trời”, Nguyễn Khuyến quan niệm như vậy thật là thiêng liêng. Và đôi bạn đã sông với nhau xứng với “duyên trời”.

“Kính yêu từ trước đến sau”

Đây là câu thơ nghiêm trang nhất của bài thơ. Một tình bạn đẹp và cao quý thì chẳng những biết “yêu” mà còn phải biết “kính”. Người đời, trong tình bạn thường biết “yêu” mà ít biết “kính” (kính người trên thì dễ, kính người ngang thì khó). Bạn nhắm mắt rồi mà nói được “kính yêu từ trước đến sau” thì tình bạn ấy thật là toàn vẹn như một viên ngọc không tì vết.

Những kỉ niệm về tình bạn hiện lên như một cuộn phim với những hình ảnh, âm thanh sinh động:

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

Hai người bạn đã từng dạo “chơi nơi dặm khách”, những phong cảnh thiên nhiên kì thú, lâu rồi mà âm thanh như còn văng vẳng đâu đây “tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”. Những đam mê của hai người như một: “Có khi từng gác cheo leo, Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đã từng rủ nhau đi hát ả đào, thú vui thanh cao của khách phong tình. Trước đó có Nguyễn Công Trứ, cùng thời có Tú Xương, sau này có Tản Đà đều thích “thú vui con hát lựa lời cầm xoang”. Và hát ả đào đã thành thơ với các thi sĩ lừng danh đó.

soan-bai-khoc-duong-khue

Lại nữa, rượu và thơ làm sao thiếu được trong tình bạn của họ Nguyễn và họ Dương:

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích, điển phần trước sau”.

Rượu ngon lại có bạn hiền, còn gì đầy đủ và vui thú hơn? Trong chén rượu đầy ắp khí xuân, sắc xuân, “Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân” là Nguyễn Khuyến mãn nguyện rồi. Lại có bạn đế bàn soạn câu văn, bàn luận chữ nghĩa của thánh hiền, cuộc sống ý nghĩa và phong phú thay!

Cũng trong dòng hồi tưởng, nhà thơ đặt tình bạn trong mối tương quan với đất nước, với thời cuộc, Nguyễn Khuyến ngậm ngùi:

“Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời
Bác già tôi củng già rồi
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!”

“Buổi dương cửu” là thời buổi bị “hạn”, ám chỉ tình cảnh mất nước, dân nô lệ, Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đều “cùng nhau hoạn nạn”. Nguyễn Khuyến đã từ quan về ở ẩn. “Phận đấu thăng chẳng dám tham trời”. Sông cảnh hoạn nạn, nhà thơ không dám tham lợi lộc, bổng lộc của người làm quan. Đã từ quan trở về quê rồi mà nhà thơ vẫn còn ân hận, ân hận cho cả hai: “Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”!

Nguyễn Khuyến rất nhạy cảm trong cách lựa vần điệu cho hợp với tâm tình. Thể thơ song thất lục bát rất thích hợp với điệu trữ tình kết hợp với tự sự. Những câu song thất nói được rất nhiều về kỉ niệm và thay đổi được nhịp điệu thơ, sửa soạn cho những câu lục bát lắng sâu vào tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Sau khi nhớ lại những kỉ niệm về tình bạn với bác Dương, nhà thơ lại trở về với tin buồn của cố nhân:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời. ”

khóc dương khuê

Cái chết đâu có trật tự người già đi trước, người trẻ đi sau, nhưng người trẻ đi trước bao giờ cũng gây xúc động đột ngột cho người già. Cho nên Nguyễn Khuyến nghe tin người bạn nhỏ tuổi hơn mình đột ngột ra đi thì “chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời” là thế.
Người bạn hiền Dương Khuê “đã mải lên tiên”, Nguyễn Khuyến cảm thấy cô đơn:

“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa,
Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.

Rượu không uống, “rượu ngon không có bạn hiền” làm sao uống? Hỡi ôi, người ta không thể uống rượu một mình được! Thơ không muốn viết, “viết đưa ai ai biết mà đưa”, câu thơ vừa thương tiếc bạn, vừa đề cao người bạn hiền Dương Khuê về trình độ thẩm thi. Giường dành cho bạn thì treo lên “hững hờ”, vì không còn cơ hội nào để hạ xuống. Đàn không muốn gảy, vì còn ai là người tri âm? Câu thơ có thần hơn cả để diễn tả nỗi cô đơn khi mất bạn là câu thơ hoàn toàn không có điển cố:

“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”.

Nỗi cô đơn được phổ bằng một hợp âm năm nốt “không” mà âm sắc thì không có nốt nào giống nốt nào, thật là điệu nghệ. Mất bạn mà cảm thấy tâm hồn trống không như thế thì tình bạn của họ Nguyễn và họ Dương cao quý biết nhường nào!

Trong thơ Việt Nam trước sau chưa có một bài thơ khóc bạn nào hay như bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến. Tình sâu, ý đẹp, hình, nhạc đều sống động. Bố cục chặt chẽ trong cả bài và trong từng tiểu đoạn. Ngôn ngữ trong sáng, tinh luyện, điển cố vừa phải và những câu thơ hay là những câu thuần Việt, không điển cô'. Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê chân thành, cảm động, sâu sắc. Nếu được chọn một tứ thơ nào tiêu biểu cho tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê và cũng là tiêu biểu cho tình bạn của muôn đời thì tôi chọn hai câu này:

“Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”.

Viết bình luận