Văn phân tích: "Chim Hải Âu" của Bô-đơ-le

Bô-đơ-le (Charles Bauxdelaire, 1821 - 1867) là nhà thơ tượng trưng Pháp thế kỉ XIX, nhà thơ đã từng gây nhiều tranh luận trong công chúng Pháp qua hai thế kỉ, nhà thơ ảnh hưởng nhiều đến các nhà thơ lãng mạn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Bài thơ “Chim hải âu” tiêu biểu cho thơ Bô-đơ-le về nghệ thuật tượng trưng và tư tưởng yếu đuối, chán chường, tuyệt vọng của nhà thơ trong cuộc sông đương thời.

Bài thơ “Chim hải âu” hình thành từ cảm hứng trong chuyên đi lênh đênh trên Ấn Độ Dương. Lần đầu tiên nhà thơ cảm thấy những cánh hải âu bay lượn trên bầu trời mênh mông giữa biển khơi sao mà đẹp, nhưng rồi những cánh chim trời - ông hoàng của biển khơi - lại lếch thếch vụng về thảm bại trên sàn tàu làm trò đùa cho các thủy thủ. Trong nỗi đau khổ, cô đơn, chán chường, tuyệt vọng, nhà thơ đã chọn chim hải âu tượng trưng cho nhà thi sĩ.

chim hải âu

Nhà thơ Vũ Đình Liên đã dịch sát theo 4 khổ thơ với thể thơ song thất lục bát. Ngay khổ thơ đầu tiên ta đã thấy những dấu hiệu gây cảm hứng cho thi sĩ mà cũng là những hình ảnh của tượng trưng:

“Có nhiều khi những chàng thủy thủ
Bắt để chơi những chú hải âu
Cánh to lơ lửng theo sau
Trên vực nước mặn con tàu đại dương”

Theo bản dịch nghĩa thì “cánh to” chưa xuất hiện ở khổ thơ đầu mà là “chúng bay”, như thế hình ảnh đối lập mới xuất hiện: loài chim biển to lớn vừa bay theo những con tàu trên đại dương bỗng chốc đã trở thành trò chơi của các thủy thủ. Trong đôi lập ấy, cảm hứng của nhà thơ nghiêng về phía mệt mỏi, uể oải của cánh chim, hải âu không còn là nó nữa.

Sang khổ thơ thứ hai, những hình ảnh tượng trưng được tô đậm thêm cả hai khía cạnh là hải âu và không còn là hải âu:

“Vừa bị ném trên sàn tàu gỗ
Chim hải âu vua của trời xanh
Kéo đôi cánh trắng mông mênh
Như đôi chèo nặng bên mình xấu xa”

So với bản dịch nghĩa, bản dịch thơ thêm thắt vài chi tiết không thích hợp. Hai chữ “mông mênh” chỉ thích hợp với hải âu khi dang đôi cánh rộng trên bầu trời biển khơi, còn hải âu trên sàn tàu thì “kéo lê thảm bại đôi cánh trắng to lớn của chúng”. Cái nhìn ấy thật là thi sĩ, như là bức họa chân dung tinh thần của nhà thơ. Còn đôi cánh của hải âu thì “như đôi mái chèo” là đủ rồi, hay rồi, thêm ý “bên mình xấu xa” không cần thiết. Cái để bay mà thành cái để bơi, để chèo, tất nhiên là bơi không khí thôi là quá tội. Nhà thơ thương “vua của trời xanh” quá, mà cũng thương mình quá! Thương mình đã trở thành một thứ tâm bệnh của các thi sĩ lãng mạn mà trầm trọng hơn cả có lẽ là Bô-đơ-le.

Hình ảnh đối lập lại trở lại trong khổ thơ thứ ba, đốì lập giữa hải âu của “hôm xưa” và hải âu của “ngày nay” (chính xác là “mới đây” và “giờ đây”). Cảm hứng của Bô-đơ-le vẫn nghiêng về vẻ “tiều tụy buồn cười” của hải âu (chính xác là “vụng dại”, “ẻo lả”, “xấu xí”).

“Chim trời kia hôm xưa đẹp thế
Sao ngày nay tiểu tụy buồn cười!
Người ghẹo mỏ, kể mỉa mai
Bước đi tập tễnh - tung trời bấy nay!”

Nhà thơ gợi lại vẻ đẹp của hải âu trong một hình ảnh khái quát “Chim trời kia hôm xưa đẹp thế”. Mà hải âu khi là “vua của trời xanh” thì đẹp thật! “Đôi cánh trắng mông mênh” trên biển xanh, người bạn đường của những con tàu trên đại dương, hải âu báo điềm dữ, điềm lành cho những người thủy thủ. Nhưng nhà thơ nói đến vẻ đẹp của hải âu cũng chỉ để làm nổi bật vẻ “tiều tụy buồn cười” của hải âu giờ đây. Hải âu đã trở thành trò cười cho thủy thủ “Người ghẹo mỏ, kẻ mỉa mai” (Bản dịch nghĩa: “Người thì chọc ghẹo mỏ nó bằng chiếc tẩu hút thuốc, người thì nhại theo bước đi tập tễnh của hải âu như một kẻ tàn tật”). Là cái thảm hại của đôi cánh tư tưởng của nhà thi sĩ. Đôi cánh tư tưởng của Bô-đơ-le không bay lên được mới “tiều tụy”, “ẻo lả”, yếu đuối làm sao!

chim hải âu 2

Bô-đơ-le không giữ được phương pháp tượng trưng tới cùng. Khổ thơ kết đã lộ ra hình ảnh so sánh tầm thường. Tứ thơ đang mênh mông bỗng trở nên hữu hạn chẳng khác nào đôi cánh chim hải âu ngang dọc trên trời xanh bỗng sà xuống mặt đất:

“Là thi sĩ như chim trời ấy
Ưa bão giông, chẳng ngại cung tên
Đọa đày giữa đám ghét ghen,
Nặng đôi cánh rộng, không quen bước thường”

“Chim hải âu tượng trưng cho thi sĩ. Hình tượng này một mặt nói lên cái cao đẹp của nhà thơ với tư thế hiên ngang, vùng vẫy trời cao, bất chấp bão giông, không quen, không ưa những gì tầm thường, nhỏ mọn; nhưng mặt khác lại cũng nói lên cái cao đẹp của nhà thơ trong quan niệm của Bô-đơ-le, đứng trên cao, coi thường quần chúng và xa rời cuộc sống đời thường. Có lẽ Bô-đơ-le thiên về mặt thứ hai. Tứ thơ tương phản trời cao và mặt đất quán xuyến trong toàn bài thơ. Bô-đơ-le quan niệm thi sĩ là hạng người cao siêu bị lưu đày xuống cõi trần tục, không thể nào thích nghi nổi:

“Đọa đày giữa đám ghét ghen”
(Nguyên văn: “Bị đày xuống đất giữa những lời la ó”)”.

(Phùng Văn Tửu)

Có nhà thơ và chim hải âu. Có đôi cánh cụ thể (đôi cánh chim hải âu) và đôi cánh trừu tượng (đôi cánh tư tưởng của nhà thơ). Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, Bô-đơ-le đã lấy chim hải âu làm hình ảnh tượng trưng cho thi sĩ. Đồng nhất đôi cánh trừu tượng của thi sĩ với đôi cánh của chim hải âu là nhà thơ đã tự thủ tiêu đôi cánh của mình. Khi đôi cánh hải âu tuyệt vời nhất, đôi cánh tung bay ngang dọc trên biển khơi, “ông hoàng của trời xanh” thì cũng không sánh được với đôi cánh trừu tượng kì diệu của nhà thơ, đôi cánh cụ thể hữu hạn, đôi cánh trừu tượng vô hạn. Khi hải âu bị lụy trên sàn tàu thì đôi cánh trở thành tai họa, còn ngay cả khi thi sĩ bị “đọa đày” thì đôi cánh trừu tượng vẫn bay lên, bị nhốt trong lồng đôi cánh tư tưởng vẫn bay lên:

“Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán
Phá vòng vây bạn với Kim ô”

(Nguyễn Hữu cầu - Chim trong lồng)

Thế mới càng thấy Bô-đơ-le kiêu ngạo mà yếu đuối, bạc nhược nhường nào!

Các bạn trẻ đừng bao giờ đồng nhất đôi cánh trừu tượng của mình với bất kì đôi cánh cụ thể nào, dù là “đôi cánh vua của trời xanh”. Hãy chăm lo cho đôi cánh khoa học, tư tưởng, nhân văn của mình ngày càng to lớn, mạnh mẽ, kì diệu để bay qua “bão giông” và “đọa đày”, bay qua thời gian và không gian đến những chân trời mới lạ.

Viết bình luận