Văn phân tích: "Tương Ứng" của Bô-đơ-le

Bô-đơ-le có một đóng góp lớn cho sự phát triển của thơ ca hiện đại là cảm quan tương ứng. Có lẽ nhà thơ được trời phú cho những giác quan nhạy cảm khác thường nên đã cảm nhận được sự giao hòa của vũ trụ và của nhân sinh. Nói theo kiểu tư duy khoa học hiện đại là thi sĩ có những “kênh” riêng, bắt được những tín hiệu lạ của vũ trụ mà những giác quan bình thường không cảm nhận được. Nhưng cho dù những phát hiện của nhà thi sĩ còn có điều gây tranh luận thì bài thơ “Tương ứng” cũng là một kiệt tác của Bô-đơ-le.

Bài thơ “Tương ứng” được Bô-đơ-le viết theo thể Xonnê , thể thơ được các nhà thơ thời đó ưa chuộng. Nhà thơ mở đầu bài thơ đầy bí ẩn với những tương ứng giữa tự nhiên và siêu nhiên:

“Vũ trụ là một ngôi đền mà trụ cột thiên nhiên
Thỉnh thoảng nói lên những lời mơ hồ bí ẩn:
Con người đi qua cả một rừng biểu tượng
Nhìn chúng ta với những đôi mắt thân quen”

tương ứng

Tác giả hình tượng hóa vũ trụ “vũ trụ là một ngôi đền” thật là thiêng liêng, huyền bí. Rồi những “trụ cột thiên nhiên” (Nguyên văn: những cột sống động) đã lạ, nhà thơ còn nghe được những lời nói mơ hồ bí ẩn của những trụ cột của ngôi đền lại càng lạ hơn. Nhà thơ đã mở được “kênh” riêng để thu nhận tín hiệu, hình ảnh và âm thanh của vũ trụ khiến cho người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thi ca phong phú thêm lên và cũng thêm không ít bí ẩn với môi quan hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên như Bô-đơ- le quan niệm. Những tương ứng giữa con người với tự nhiên và siêu nhiên cũng đầy sức hấp dẫn:

“Con người đi qua cả một rừng biểu tượng
Nhìn chúng ta với những con mắt thân quen”

Có lẽ lần đầu tiên trong nền thi ca nhân loại mới có một cái nhìn về thiên nhiên thân ái lạ lùng như vậy. Cái sống động xanh tươi thì thành cái “biểu tượng”, cái vô nhãn thành cái hữu nhãn, cái xa lạ thành cái “thân quen” không kì diệu lắm sao? Phát hiện của Bô-đơ-le về những tương ứng giữa con người với thiên nhiên và siêu nhiên rất gần với phương Đông.

Sang khổ thứ hai, Bô-đơ-le tiếp tục phát hiện những tương ứng giữa mùi hương màu sắc và âm thanh. Phát hiện này chỉ khiến cho người đọc xưa nay nhận ra thiên tài của thi sĩ Bô-đơ-le chứ không gây tranh luận như phát hiện trong khổ thơ đầu:

“Như những tiếng vang dài, từ rất xa hòa xướng
Trong một thanh âm duy nhất, sâu thẳm, tối đen,
Mènh mông như ánh sáng, mênh mông như bóng đêm,
Hương sắc và thanh âm trong không gian tương ứng. ”

Phát hiện thiên tài của Bô-đơ-le đây rồi:

“Hương sắc và thanh âm trong không gian tương ứng”
(“Les parfums, les couleurs et les sons se répondent”)
(Dịch sát nghĩa: Các mùi hương, màu sắc và thanh âm hô ứng với nhau)

Sự hòa xướng giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh ấy cũng chính là sự tương giao, tương ứng giữa các giác quan. Hương thơm liên quan đến khứu giác, màu sắc liên quan đến thị giác, âm thanh liên quan đến thính giác. Các giác quan tương ứng với nhau đã tạo ra những hình ảnh lạ đầy cám dỗ cho thơ. Các nhà thơ lãng mạn Việt Nam đã chịu ảnh hưởng cảm quan tương ứng của Bô-đơ-le, đặc biệt là Xuân Diệu đã tạo ra nhiều ý lạ cho thơ:

“Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say người như rượu tối tân hôn
Như hương thấm tận qua xương tủy
Ầm điệu thần tiền thấm tận hồn”

(Huyền Diệu)

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi...
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người...”

(Nguyệt Cầm)

Vu-tru-rong-lon

Tác giả gợi ra bằng những hình ảnh rất đẹp và những suy tưởng lạ lùng về cảm quan tương ứng:

“Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con,
Êm nhẹ như tiếng sáo, xanh mướt như cỏ non
Và những mùi hương oanh liệt, phong phú và trụy lạc,
Tỏa khắp không gian như những cái vô hạn vô cùng
Như nhựa thơm, như xạ, như hương trầm,
Hát ca những khoái lạc của tinh thần và thể xác”

“Mùi hương mát như da thịt trẻ con” là tương ứng giữa khứu giác và xúc giác, mùi hương “êm nhẹ như tiếng sáo” là tương ứng giữa khứu giác và thính giác, mùi hương “xanh mướt cỏ non” là tương ứng giữa khứu giác và thị giác. Tương ứng nào cũng có biểu hiện cảm nhận thiên tài của thi sĩ.

Và sâu hơn nữa, trừu tượng và bí ẩn là những tương ứng giữa thể xác và tinh thần:

“Và những mùi hương oanh liệt, phong phú và trụy lạc”
(Nguyên văn: Và những mùi hương khác hư hỏng, phong phú và đắc thắng)

Những mùi hương “phong phú và đắc thắng” thì cũng dễ hiểu, đó là những mùi hương quá nồng, quá ngào ngạt sực nức áp đảo các giác quan của con người “như nhựa tham, như xạ, như hương trầm”. Còn “những mùi hương khác hư hỏng” (dịch là “trụy lạc” cũng hay!) là cảm nhận của nhà nghệ sĩ. Có mùi hương gợi không khí thiêng liêng, hoài niệm, lại có mùi hương gợi nhục dục, khoái lạc. Ví như hương (nhang) chùa mà thơm lùng mùi nước hoa thì thầy chùa làm sao mà tu?

Sự hòa điệu của mùi hương, âm thanh và màu sắc còn gợi ý đến cái gì trừu tượng, “của những cái vô cùng vô tận”:

“Hát ca những khoái lạc của tinh thần và thể xác”
(Nguyên văn: Chúng ngợi ca những hứng khởi của tinh thần và các giác quan).

Có lẽ câu kết là câu thơ dịch hay nhát của bài Xonnê, truyền được sự huyền diệu của những tương ứng giữa tinh thần và thể xác.

“Tương ứng” là bài thơ hay của Bô-đơ-le. Với giác quan nhạy bén của nhà thơ, Bô-đơ-le đã phát hiện được cảm quan “tương ứng”, tương ứng giữa thiên nhiên và siêu nhiên, tương úng giữa hương thơm, màu sắc và thanh âm, tương ứng giữa thể xác và tinh thần. Những “tương ứng” đã tạo cho thơ Bô-đơ-le có nhiều nét mới lạ, huyền diệu, xứng đáng là nhà thơ mở đường cho thơ ca hiện đại Pháp. Bô-đơ-le ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà thơ Pháp và các nhà thơ lãng mạn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Xuân Diệu đã mượn nguyên câu thơ trong bài thơ “Tương ứng” của Bô-đơ-le để làm đề tài cho bài “Huyền diệu” của ông là một bằng chứng của sự ảnh hưởng sâu sắc ấy:

“Les parfums, lcs couleurs et les sons se répondent”.

Viết bình luận