Văn phân tích: Chí Nam Nhi

Nguyễn Công Trứ (1778-1859) là nhà thơ lừng danh về cốt cách, về cá tính. Ông là bậc trí thức văn võ song toàn, ngôn luận, hành xử đều độc đáo, suốt đời đem trí tuệ tài năng giúp đời, cứu dân, cứu nước. Bài thơ “Chí nam nhi” viết theo thể Hát nói có thể coi là tuyên ngôn về lí tưởng sống của ông:

“Thông minh nhất nam tử
Yếu vi thiên hạ kì
Trót sinh ra thời phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Đố kị sá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung
Làm cho rõ tu mi nam tử
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh mà đối với núi sông.
Đi không chẳng lẽ về không!”

Bài thơ gồm 11 câu theo thể Hát nói (một hình thức ca trù của dân tộc), không có mưỡu đầu và mưỡu hậu. Thơ viết thời còn trẻ nên đầy nội lực, khí thế mạnh, liền mạch (nhất khí quán hạ). Tác giả mở đầu tuyên ngôn chí nam nhi đầy tự tin, lạc quan, và cũng phải nói là chỉ có con người “kì” như Nguyễn Công Trứ mới dám nói những điều khó nói như vậy:

“Thông minh nhất nam tử
Yếu vi thiên hạ kì
Trót sinh ra thời phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu”

nam nhi

Hai câu mở đầu bằng thơ ngũ ngôn, chữ Hán, thanh điệu tương xứng (đầu câu bằng (thông)) thì cuối câu trắc (tử), đầu câu trắc (yếu) thì cuối câu bằng (kì). Trong Hát nói, những câu bằng chữ Hán thường diễn tả tư tưởng hệ trọng, hoặc là chân lí của thánh hiền, hoặc là của chính tác giả. “Thông minh nhất nam tử, Yếu vi thiên hạ kì” là nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ. Theo ông, một người con trai thông minh phải là một người “kì” trong thiên hạ. Nghĩa là người con trai phải làm được việc lớn, việc hệ trọng, phi thường để cứu dân, cứu nước. Cũng là quan điểm của đạo Nho, người con trai phải là “lương đống”, phải là rường cột của nước nhà, Nguyễn Công Trứ suy nghĩ cực đoan thành “yếu vi thiên hạ kì”. Điều đáng quý là Nguyễn Công Trứ “ngôn” và “hành” thông nhất (ít ra thì cũng ở thời trẻ). Nhận thức về sự hiện diện của con người trong vũ trụ có phần thiêng liêng. Ông nói “trót sinh ra”, nghĩa là lỡ sinh ra, trong sự ngẫu nhiên này có hàm chứa sự bí ẩn của sự hiện diện của con người trong vũ trụ. Để xứng với sự sinh thành của Tạo hóa thì con người “phải có chi chi”, mà theo Nguyễn Công Trứ là phải có “kì” và nhà thơ muôn đốì thoại với các đấng nam nhi:

“Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu?”

Nhà thơ tính gọn một năm là ba trăm sáu mươi ngày, mà ước lệ của người đời là một trăm năm là ba vạn sáu ngàn ngày. Chẳng lẽ “tiêu lưng” cả một đời người mà không làm một việc gì có ích cho đời! Triết lí của Nguyễn Công Trứ là triết lí của con người hành động, hợp với lẽ Trời, hợp với lẽ Đời.

Khi tuyên ngôn “Chí nam nhi”, Nguyễn Công Trứ cũng lường hết được những trắc trở trên đường đời, nhưng không gì cản trở được chí hành động của đấng “tu mi nam tử”:

“Đố kị sá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung
Làm cho rõ tu mi nam tử.”

Từ Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du đến Chu Mạnh Trinh đều nói đến sự “đố kị”, ganh ghét của tạo hóa đối với người có tài. Nguyễn Công Trứ cũng nhận thức được trò “đành hanh” (chữ của Nguyễn Gia Thiều) của “con tạo”, nhưng ông coi thường. “Đố kị sá chi con tạo”, câu thơ có sáu tiếng thì có bốn thanh trắc, gân guốc, cứng rắn. Tinh thần duy lí của Nguyễn Công Trứ thời trẻ thật đẹp. Điều ông lo nơm nớp là “Nợ tang bồng quyết trả cho xong”. Trong bài “Đi thi tự vịnh” ông cũng đã nói: “Dở đem thân thế hẹn tang bồng”. Tác giả dùng điển tích “tang bồng” để nói lên trách nhiệm của người con trai. Lí tưởng của đấng nam nhi là tung hoành ngang dọc. Muốn vậy phải văn võ song toàn. “Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung”. Tính chất chiến đấu của văn chương được tác giả diễn đạt bằng hình tượng “xông pha bút trận” thật là mới mẻ. Có thể nói “làm cho rõ tu mi nam tử”, xứng đáng là đấng mày râu, đấng nam nhi.

trí nam tử

Kết bài thơ, tác giả lại trở về với ý niệm thiêng liêng về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, núi sông:

“Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh mà đối với núi sông
Đi không chẳng lẽ về không”

Nhà thơ nhận thức được môi quan hệ giữa cái nhỏ bé (con người) và cái lớn lao (vũ trụ). Con người hiện diện trong cái vũ trụ này hẳn là phải có “phận sự’. Nhận thức như vậy khiến cho trách nhiệm của đấng nams nhi càng có ý nghía. Tạo được không khí thiêng liêng, tác giả nói được điều khó nói nhất của bậc trí giả:

“Phải có danh mà đối với núi sông”

Ngoài Nguyễn Công Trứ ra, trí thức, văn nhân cổ kim không ai nói đến điều này. Không ít kẻ trong đám họ ham thích công danh, nhưng không dám hé môi ra điều này vì sợ người đời cười chê là “hám danh”, “hiếu danh”. Chỉ có Nguyễn Công Trứ là không sợ. Mà không phải ông chỉ nói một lần. Trong bài “Đi thi tự vịnh”, ông cũng nói một cách nhiệt thành như vậy:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

Chữ “danh” của Nguyễn Công Trứ thống nhất với chữ “kì” (yếu vi thiên hạ kì) của ông. Người con trai muốn “có danh” phải làm được việc lớn, hữu ích cho đời, cứu dân cứu nước. Tuyệt nhiên không phải là danh lợi nhỏ nhen, ích kỷ, hại dân, hại nước.

Nguyễn Công Trứ đã hành động như “tuyên ngôn”. Ông đã học hành, thi đỗ giải nguyên (năm 42 tuổi) và ra làm quan triều Nguyễn. Làm quan thì nổi tiếng thanh liêm, ông đã giúp dân làm nhiều công trình mà cho đến ngày nay vẫn còn gắn liền với “danh” của ông, như giúp dân lấn biến lập ra các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình). Nhân dân ở những nơi đó đã lập đền thờ, tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Công Trứ. Năm 1858 khi giặc Pháp bắn đại bác vào Đà Nang xâm lược nước ta, vị đại tướng hồi hưu Nguyễn Công Trứ còn dâng sớ xin cầm quân đánh giặc Pháp xâm lược, năm đó ông 80 tuổi.

Bài thơ “Chí nam nhi” tiêu biểu cho thơ Nguyễn Công Trứ về cả hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật. Tác giả có công biến một thể ca trù của dân tộc (Hát nói) thảnh thể thơ tự do hợp với tính cách phóng túng của ông. Bài thơ có tính chất “tuyên ngôn” về lí tưởng nên từng lời đều cô đúc, gân guốc, thiên về lí trí, khác với bài “Vịnh tì bà” cũng Hát nói nhưng trữ tình mượt mà, câu thơ dàn trải:

“Tiếng tì bà ai khéo gảy nên,
Xui lòng khách thiên thai luống những
Ân oán nhả bốn dây vãng vẳng
Như bất bình, như khấp, như tố, như oán, như van...”

Về mặt tư tưởng, “Chí nam nhi” tiêu biểu cho tinh thần hăm hở, tự tin, lạc quan của tuổi trẻ Nguyễn Công Trứ. Lí tưởng sống của đấng nam nhi là văn võ song toàn, tung hoành ngang dọc, làm nên đại sự, ích nước lợi dân. Và đẹp vô cùng là Nguyễn Công Trứ sống như thơ. Chỉ tiếc là ông lại phục vụ cho một triều đại phong kiến suy tàn nên về cuối đời, ông phẫn chí, phê phán xã hội, phê phán nhân tình thế thái, bế tắc, hành lạc và có quan niệm hư ảo về cuộc đời: “Ôi nhân sinh là thê ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”!.

Viết bình luận