Văn phân tích: Tiếng sét ái tình trong buổi chiều thanh minh
Hơn hai trăm năm về trước, vào một buổi chiều thanh minh mộng mị, hai chị em như mơ bỗng dưng rời ngôi nhà “êm đềm trướng rủ màn che” giao du với đất trời cao rộng. Như hẹn nhau ngàn năm, một chàng văn nhân hào hoa phong nhã cũng đang “lỏng buông tay khấu” trên thảm cỏ xanh rờn. Thế là chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra, các nhà tâm lí học gọi đây là tiếng sét của ái tình (coup de foudre). Người ta ngất ngây không cần đắn đo suy tính gì hết. Nó như tiếng sét đột nhiên vang dội làm cho con người trở thành một thứ nạn nhân không phân biệt gì đúng sai nữa. Nguyễn Du miêu tả nó là:
“Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Rõ ràng cái phút gặp gỡ ban đầu, hai người đã yêu nhau”.
(PHAN NGỌC - Bảy cung bực tình yêu trong Truyện Kiều)
Chuyện này đã quá quen thuộc, đến nỗi không cần nhắc tên nhân vật thì mọi người cũng đã rõ. Và “tiếng sét của ái tình” ấy, thiên hạ cũng đã bàn đến cạn cả bút mực rồi, còn gì để mà nói? Thưa rằng, chưa đến “tam bách dư niên”, mà những bí ẩn trong tác phẩm của các bậc thiên tài cứ trôi chảy trong veo như thế. Tôi muốn đặt những kiệt tác của các đại thi hào vào “thế giới bất tri” để khảo sát.
“Tiếng sét ái tình” trong buổi chiều thanh minh kia có gì khác với “tiếng sét ái tình” của Rômêo và Juliet (Shakespeare), của Andrei và Natasa (Tolstoi), của “Tình trong giây phút mà thành thiên thu” (Felix Arvers), của anh và em, “lòng anh thôi đã cưới lòng em” (Xuân Diệu) Cũng dễ thấy, Shakespeare, Tolxtôi, Xuân Diệu miêu tả những rung động buổi đầu của trăm năm trong mối quan hệ song phương, những rung động thường tình. Felix Arvers thì diễn tả những chấn động đơn phương, nghĩa là “cái lưỡi tầm sét ái tình” nằm nhức nhối trong trái tim thi sĩ, người thiếu phụ đoan trinh cứ nhởn nhơ đâu biết chính nhan sắc của nàng đã gieo thảm sầu cho chàng trai trẻ Arvers. Còn Nguyễn Du? Chao ôi, tình này “khi gỡ cho ra còn chầy”!
Hãy trở về với cái nhìn điên đảo trong buổi chiều thanh minh lạ lùng đó:
“Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.
Cái “ghé theo” đến động cả lòng trời ấy là của ai? Hơn hai trăm năm nay, những người đồng tình với Nguyễn Du đều hết lời tán dương cái nhìn say đắm đó của Thúy Kiều. Thời trẻ, tôi cũng bị các bậc đại trí mê hoặc mà cả tin rằng cái “ghé theo” đắm đuối đó chỉ là của nàng Kiều mà thôi. Vào một khoảnh khắc của cái tuổi ngũ thập, tôi nhìn thấy cụ Nguyễn Du mỉm cười. Nhìn cái nụ cười thấu suốt cả ngàn đời của cụ, tôi mới hiểu ra sự thể không chỉ là như vậy. Chúng ta đã bỏ quên một mảng đời xanh tươi trong truyện Kiều. Phải hiểu tư tưởng của các bậc thiên tài trong sự tráo trở của ngôn ngữ. Từ “người” mà chỉ hiểu là Thúy Kiều thì đã đánh mất sự linh diệu của ngôn ngữ Nguyễn Du.
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo “Khách” thì là Kim Trọng rồi, còn “người” sao chỉ là Thúy Kiều? Sao không còn là Thúy Vân? Dĩ nhiên là Thúy Kiều đa tình, dễ bộc lộ tình cảm một cách mãnh liệt, nhưng vào cái phút chia tay của cái buổi ban đầu đầy lưu luyến ấy, ai dám cả gan nói là nàng Vân không “ghé theo”. Những khoảng trống trong ngôn ngữ Nguyễn Du chứa đựng sự phong phú trong đời sống tâm linh của nhân vật. Xét về mặt tâm lí thì nàng Vân đâu còn ngây thơ nữa. Vừa mới nhìn thấy Kim Trọng thì:
“Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”
Nàng Vân cũng đã biết “e lệ” như chị Kiều “e lệ”. Nàng đã trưởng thành. Trước chàng Kim, trái tim của hai Kiều đều rung động (chứ sao lại một?). Ngòi bút lịch lãm của Nguyễn Du đã chọn một từ “người” với nghĩa kép:
“Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Có những từ “người” khác cũng huyền ảo, nhưng vẫn là nghĩa đơn rành rành:
“Người mà đển thế thì thôi
Đời phồn hoa củng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không'?”
“Người mà...” ai chẳng hiểu là Đạm Tiên, “người đâu...” ai chẳng hiểu là Kim Trọng.
Nguyễn Du đã xử lí thỏa đáng sự diễn biến tâm lí của ba nhân vật trong cái buổi gặp gỡ lạ lùng đó (anh Phan Ngọc ơi, ba chứ không phải là hai). Nghệ thuật nhiệm mầu bao giờ cũng phản ánh cuộc sống trong những mối quan hệ chằng chịt với những dây mơ rễ má tốt tươi như thế, nếu chúng ta hiểu giản lược thì tác phẩm sẽ nghèo đi bao nhiêu! Điều kì diệu của tiếng sét ái tình trong buổi chiều thanh minh là tác giả vừa diễn tả những rung động của tình yêu mới chớm nở giữa Thúy Kiều và Kim Trọng, lại vừa sửa soạn (đầy những tín hiệu dự báo) cho cuộc hôn nhân phải đạo giữa Kim Trọng và Thúy Vân. Nếu nàng Kiều là ngọn lửa rực cháy của tình yêu để rồi tan biến thì nàng Vân là lò than hồng sẽ nấu nướng với anh Kim Trọng trăm năm. Cho nên về sau này, tuy là bị chị gọi dậy giữa canh khuya, nghe những lời đầy nước mắt của chị trong lúc còn mắt nhắm mắt mở, nhưng cũng không dễ gì mà nàng nhận lời trao duyên của chị, nếu người đó không phải là Kim Trọng, người khách văn mà chính nàng cũng đã “ghé theo” trong buổi chiều thanh minh. Với tấm lòng nhân hậu, với ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du đã tiên liệu tất cả.
Trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, nhà văn Marquez đã để cho nhân vật Menkyadex vác một thanh kim loại (chưa ai biết đó là thanh nam châm) vào làng Macônđô, những nồi niêu xoong chảo bay lộn tùng phèo rồi dính chặt vào thanh nam châm giữa sự kinh ngạc của mọi người. Cụ Nguyễn Du đã chơi cái trò phù thủy của Menkyadex, thanh nam châm bạc mệnh Thúy Kiều đã dính chặt những tài tử văn nhân, những anh hùng tứ chiếng, những quan lại đểu giả... Rồi đến lượt những độc giả cuồng nhiệt với “Truyện Kiều” cũng không tránh khỏi số phận của những nồi niêu xoong chảo đó. May ra còn một Bùi Giáng điên mù trời nhưng lại thăng bằng lãng đãng giữa hai cõi Vân - Kiều. Còn tôi, cũng chỉ là một mảnh vụn của thế gian đổ nát, làm sao thoát khỏi từ trường của thanh nam châm mà tôi chỉ được dính vào các bậc trí giả đam mê cho nên cũng hơi lỏng lẻo, trong cơn tung hứng mua vui của cụ Menkyadex - Nguyễn Du, cái mảnh vụn này đã rơi ra và cất lên thành lời hôm nay.
Viết bình luận