Văn nghị luận: Học để làm gì?

HỌC ĐỂ VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI

Lần đầu tiên đến lớp, tôi sợ hãi. Tôi không biết gì hết.

Và tôi đã được học để biết. Tôi bước ngập ngừng những bước đầu tiên trên sân trường quá rộng. Tôi tập viết. Run rẩy những nét chữ đầu tiên. Tôi đọc. Ngọng nghịu những âm thanh đầu tiên. Nhưng tôi tò mò. Và tôi muôn biết. Nhưng tôi vẫn luôn sợ hãi. Vì có quá nhiều điều tôi chưa biết. Đôi khi, tôi phát khóc vì không biết vì sao mình cứ phải học, học mãi, mà bài vở thì dường như chẳng bao giờ hết,...

Nhưng mãi sau này, tôi mới dần dần hiểu ra.

Tôi đã học chữ A. Và tôi biết chữ A. Thật là nhỏ bé. Nhưng đó là điều tôi đã biết. Tôi học để biết. Nếu không bắt đầu từ những cái được biết rất nhỏ bé ấy, tôi cũng không thể biết tới những điều mới mẻ hơn, kì diệu hơn. Qua các bài học, tôi biết đọc, biết viết rồi biết làm toán, làm văn. Tôi còn được biết về lịch sử loài người, về quy luật tự nhiên, về chiến công của những người anh hùng chống lại cái ác, về vẻ đẹp của mặt trời buổi sớm, nỗi buồn của đoá hoa lúc sắp tàn,... Nhưng những điều tôi chưa biết quá rộng lớn, những gì tôi đã biết quá nhỏ bé, và vì thế, tôi phải học mãi không ngừng. Không phải chỉ ở trường, không chỉ trong sách vở. Tri thức thật mênh mông.

đi học

Tôi học ở mẹ tiếng nói đầu tiên. Tôi học ở thầy cô nét chữ đầu tiên. Tôi học ở bạn bè trò chơi đầu tiên, sự chia sẻ đầu tiên... Tôi học đứng dậy khi vấp ngã, buộc lại dây giày khi chạy nhảy, học cách qua đường, học cầm đôi đũa, học rót li nước, học trao quà tặng, học nói lời cảm ơn, xin lỗi... Có bao điều tôi cần học và nhiều khi phải học đi học lại mà vẫn chưa thành. Mẹ thường nhắc tôi: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Mỗi ngày tôi đều được học thêm một điều mới. Tôi lại nhó' lời mẹ: Đi một ngày dàng học một sàng khôn... Cứ như thế, tôi biết thêm bao điều mới. Tôi cố gắng học để biết nhiều hơn.

Nhưng biết mới chỉ là khởi đầu của sự học.

Tôi còn phải học để làm. Điều này khó khăn hơn. Trước hết là làm cho chính mình. Và chia sẻ gánh nặng với mọi người. Từ biết đến làm là một khoảng cách khá xa. Tôi bước nhọc nhằn trên khoảng cách ấy để đến đích. Ngày lại ngày... Tôi biết: Phải đến lớp đúng giờ. Nhưng mỗi sáng, tôi cố gắng lắm mới có thể chui ra khỏi chăn êm đệm ấm để khoác cặp sách tới trường. Nhiều khi, tôi đã cố trì hoãn cái khoảnh khắc vùng dậy khỏi chiếc giường. Và tôi đã đi học muộn. Nhưng tôi vẫn cố gắng bật dậy mỗi ngày. Tôi biết: Cần chuẩn bị bài cẩn thận trước khi đến lớp. Nhờ kiến thức đã học được, tôi đã có thể làm được những bài tập khó. Nhưng một chương trình game oline mới thật hấp dẫn vừa được quăng lên trên internet. Thế là tôi đã đến lớp với trang vở trắng, với cái đầu rỗng. Tôi phải học lại những điều đã mất, phải làm lại những điều đã bỏ qua. Nhưng thời gian không chờ đợi và tôi không thể làm lại mãi như vậy. Nếu chỉ dành thời gian để làm lại những gì đã để lỡ, tôi làm sao có thể làm được điều gì mới? Tôi muốn mình làm được những điều có ích hơn là việc chỉ sửa chữa những sai lầm. Vì thế, tôi phải cố vượt lên chính mình, vượt lên mọi sự trì hoãn, mọi sự lười biếng, để có thể làm được những điều có ý nghĩa hơn. Tôi nhớ, khi còn ở Tiểu học, cô đã dạy tôi cách làm bưu thiếp. Ngày 8-3 tôi loay hoay mãi và tự làm được hai tấm bưu thiếp. Một để tặng cô, một dành tặng mẹ. Tôi nhớ, mẹ và cô đều vui mừng như thế nào, mặc dù tấm bưu thiếp của tôi chắc hẳn còn vụng về, nguệch ngoạc. Tôi ước mong sao mỗi việc làm của tôi đều có thể trở thành quà tặng cho người thân, cho cuộc đời này, và cho chính mình nữa. Vì tôi yêu mọi người và tôi muốn được cùng nắm tay bạn đế’ bước vào cuộc sống.

đường đi học

Chúng ta học cách chung sống. Điều này lại khó khăn hơn và cũng tuyệt vời hơn nữa. Tôi nhớ, một lần cả lớp đi dã ngoại, cắm trại ngoài trời. Mỗi người một việc. Các bạn gái chuẩn bị đồ ăn, các bạn trai mang vác hành lí và dựng lều trại. Tôi là một trong số những chàng trai hiếm hoi trong lớp nên được phân công buộc nút cột mái lều. Thật sung sướng khi được nghe nhạc, đánh bài, trò chuyện với bạn bè dưới mái lều ngoài trời. Nhưng đúng lúc cuộc vui đang sôi nổi nhất, bỗng nhiên, mái lều sập xuống. Tôi đã cột dây lều không đúng cách. Rất may đó là mái lều chứ không phải một nhà hát lớn, một toà cao ốc, một cây cầu,... Chúng tôi hí hửng chui ra từ đống đổ nát, không xây xước gì. Nhưng tôi đã hiểu rằng mỗi hành động, mỗi việc làm của tôi đều có thể làm hệ luỵ đến người xung quanh. Và tôi có thể làm tốt hơn, để có thể chia sẻ, chứ không phải thành gánh nặng, tai hoạ. Trong một buổi dạ hội ở trường, tôi đứng mãi trong góc phòng vì không biết điệu nhảy nào. Một người đã bảo tôi: Lại dây, mình sẽ dạy cậu. Rất dễ thôi mà... Được rồi.... Tôi học những kiến thức ở sách vở, nhưng tôi còn dành thời gian học lau nhà, học chơi thế thao, học nấu ăn, học khiêu vũ,... Bởi vì tôi không muốn bị rớt lại khi bạn bè mình đi lên phía trước, tôi không muốn đứng một mình trong góc phòng hay ra ngoài sân bóng vì không thể tham gia vào cuộc chơi. Tôi học để có thể đi cùng bạn và chia sẻ với bạn gánh nặng cũng như niềm vui trong công việc, trong cuộc đời muôn màu muôn vẻ này.

Khi tôi vượt qua được một kì thi, khi tôi đưa được trái bóng vào rổ, khi tôi cùng bạn bè tổ chức thành công một buổi hội thảo hay một cuộc dã ngoại, tôi thật hạnh phúc. Một người bạn thốt lên: Tuyệt quá! Mẹ mỉm cười với tôi: Giỏi lắm! Thầy cô vui mừng: Tiến bộ hơn rồi đấy. Tôi hạnh phúc vì tôi biết mình đã làm được những điều có ý nghĩa hơn, đã từng bước vượt lên chính mình.
Tôi biết mình còn phải học hỏi không ngừng. Dù thành công hay thất bại tôi vẫn phải cố gắng hết mình. Tôi biết mình đã lớn thêm lên một chút.

Giờ đây tôi đã có thể trả lời câu hỏi mà khi mới đến trường, tôi đã tự hỏi biết bao lần khi lúng túng trước những điều chưa biết. Tôi và bạn, chúng ta học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình...

Tất cả vẫn còn đang ở phía trước. Trang sách và cuộc đời... Bài học mới luôn bắt đầu... Chúng ta học tập để vượt qua những nỗi sợ hãi.

Viết bình luận