Vấn Đề “Đôi Mắt” Trong Truyện Ngắn Cùng Tên Của Nam Cao

Nhà văn nào cũng quan tâm đến việc đặt tên cho đứa con tinh thần của mình: Tác phẩm. Nam Cao cũng vậy, tác phẩm này khi mới ra đời ông đặt tên “Tiên sư anh Tào Tháo”. Nhưng nghĩ lại, Nam Cao đổi tên là “Đôi mắt”. “Đôi mắt” vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa bóng. Nghĩa đen là cơ quan thị giác để nhìn sự vật, nghĩa bóng là biểu trưng khả năng cảm nhận, nhận biết của trí tuệ tâm hồn mà chỉ có loài người mới có (theo nghĩa này thì mù cũng được). Nam Cao đã theo nghĩa bóng này để đặt tên cho tác phẩm của mình là “Đôi mắt” với ý nghĩa là cách nhìn đời, nhìn người của nhà văn. Nói cách khác, “Đôi mắt” là cách nhìn, là quan điểm, là thế giới quan của nhà văn. Riêng cái tên “Đôi mắt” ta đã cảm nhận được độ sâu của chủ đề tác phẩm. Nói cho cùng, tác phẩm lớn hay nhỏ, tiến bộ hay lạc hậu là do đôi mắt của người viết. Sở dĩ “Truyện Kiều” là tác phẩm bất hủ vì Nguyễn Du đã có đôi mắt nhìn thấu sáu cõi như người xưa đã ngợi ca.

đôi mắt

Trong truyện ngắn “Đôi mắt”, vấn đề đôi mắt được đưa ra cụ thể và chủ yếu là cách nhìn của nhà văn đốì với quần chúng cách mạng, đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đương thời. Cùng là đôi mắt nhưng mỗi người nhìn đời một cách. Trong truyện, hai nhân vật Hoàng và Độ có hai cách nhìn khác nhau. Cùng là nhà văn, từng là bạn với nhau ở Hà Nội, nhưng gặp lại nhau trong kháng chiến, hai nhà văn đã có hai đôi mắt khác nhau qua cách nhìn đời, nhìn người, nhìn quần chúng cách mạng và cuộc kháng chiến chống Pháp.
Văn sĩ Hoàng có cách nhìn quần chúng xa lạ, ác ý, chỉ thấy cái dốtt nát, cái ngố bề ngoài mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Ngược lại, Độ cũng thấy cái thấp kém, cái ngố của người nông dân nhưng anh còn nhìn thấy được bản chất cách mạng của quần chúng. Anh phê phán Hoàng nếu “vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản...”.

Cách nhìn cuộc kháng chiến chông Pháp của hai nhân vật này cũng khác nhau xa lắm. Hoàng nhìn cách mạng, nhìn kháng chiến còn thiếu niềm tin, đầy hoài nghi. Hoàng không tin anh bộ đội nói lựu đạn là “nựu đạn” có thế’ đánh giặc được. Không tin anh du kích đọc thuộc lòng bài “kháng chiến có ba giai đoạn” là có thể giữ làng được, không tin vào thằng cha bán cháo lòng mà làm chủ tịch khu phố, “bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó làm ủy ban?”. Hoàng chỉ tin vào cụ Hồ theo quan niệm anh hùng cá nhân, sùng bái cá nhân “Ây đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kĩ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào Ông Cụ (...) Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài”. Niềm tin vào Ông Cụ của Hoàng, khiến cho Hoàng không hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc cách mạng, vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhưng vẫn là cách nhìn sùng bái cá nhân, không thấy Hồ Chí Minh vĩ đại là kết tinh sức mạnh của nhân dân.

Độ nhìn thấy triển vọng của cách mạng, của kháng chiến là xuất phát từ nhận thức về vai trò của quần chúng kết hợp với vai trò của lãnh tụ.
Sự khác nhau của hai đôi mắt đã dẫn đến sự khác nhau trong thái độ của Hoàng và Độ đối với người dân quê. Độ tỏ ra thông cảm với họ còn Hoàng (và vợ Hoàng) thì tức tối và bất bình. Cách nhìn và thái độ khác nhau của Hoàng và Độ có gốc rễ từ nhân cách. Hồi còn ở Hà Nội, đám văn giới đều biết nhân cách kém cỏi của Hoàng. Hoàng là nhà văn vừa là tay chợ đen, Hoàng hay ganh ghét, đố kị và hay đá bạn. Đôi mắt của Hoàng còn liên quan đến lối sống trưởng giả hồi còn ở Hà Nội và lối sống theo kiểu “ông hoàng” đó cũng theo Hoàng về thôn quê.

đôi-mắt-của-nam-cao-1

Độ sống khác. Độ đi kháng chiến, làm cán bộ tuyên truyền, công việc mà nhiều trí thức cho là thấp kém, nhưng Độ vẫn thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa. Độ như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm nguồn cảm hứng sáng tác. Còn Hoàng là một nhà văn đàn anh trong văn giới ở Hà Nội, nhưng do cách nhìn và lối sống bế tắc nên nguồn cảm hứng cũng khô cạn. Hoàng lại đổ cho hoàn cảnh kháng chiến, không có cái bàn cho ra hồn đề’ ngồi viết.

Nam Cao viết “Đôi mắt” năm 1948, lúc này hầu hết các nhà văn đã đi theo cách mạng, đi kháng chiến nhưng nhiều nhà văn còn sống xa rời quần chúng, chưa hòa hợp với quần chúng, vì vậy, họ không có cảm hứng nghệ thuật, không sáng tác hoặc sáng tác không hay. Hiện tượng nhận thức về kháng chiến một cách ấu trĩ, thậm chí còn thiếu tin tưởng, hoài nghi, không phải là không có. Vấn đề bức xúc, đối với các nhà văn lúc nậy là phải thay đổi thế giới quan, thay đổi cách nhìn. Vấn đề “nhận đường” vẫn phải đặt ra đôi với văn nghệ sĩ. Đại hội văn hóa toàn quốc 1948 với văn kiện “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của ông Trường Chinh, đã xác định rõ quan điểm văn hóa - văn nghệ mới. Nam Cao với “Đôi mắt” đã góp phần vào việc xây dựng thế giới quan mới, quan điểm nghệ thuật mới.

Vấn đề đôi mắt không chỉ là vấn đề của những năm đầu kháng chiến chông Pháp mà là vấn đề vĩnh cửu của văn nghệ. Tất nhiên ngày hôm nay cũng vậy. Nhà văn muôn có tác phẩm hay, tác phẩm lớn xứng đáng với thời đại của mình thì phải có đôi mắt nghĩa là phải có cách nhìn đời, nhìn người sao cho chân thật, sáng suốt, tinh anh. Đôi mắt gắn liền với thế giới quan, nhân sinh quan của nhà văn, nó cũng là quan điểm lập trường của nhà văn, là tấm lòng của nhà văn đối với Tổ quốc, với dân tộc và nhân loại. Cho nên “Đôi mắt” là gốc rễ của nghệ thuật chân chính.

Trong công cuộc đổi mới văn học hôm nay, vấn đề “Đôi mắt” của Nam Cao lại được đặt ra. Cuộc sống mới phát triển trong mâu thuẫn và xung đột. Cái cũ và cái mới, thiện và ác, chính và tà... luôn luôn cần có “đôi mắt” sáng suốt và tinh tường để nhận thức và phản ánh.

Viết bình luận