Suy nghĩ về câu nói của Tuân Tử: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.

1. Tìm hiểu đề

Đề văn nêu câu nói của Tuân Tử “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy” để yêu cầu học sinh phát biểu quan niệm của mình về vấn đề ứng xử trước những lời khen, chê của người khác cũng như đánh giá bản chất của những người khen, chê đôi với mình. Thuộc dạng đề bàn về một tư tưởng, đạo lí, đề bài này yêu cầu học sinh phải cắt nghĩa được các từ “thầy”, “bạn” và “kẻ thù”; “chê phải”, “khen phải” và “vuốt ve nịnh bợ”. Trên cơ sở đó cắt nghĩa được ý nghĩa chung của câu nói. Từ chỗ cắt nghĩa ý nghĩa câu nói, người viết cần tập trung làm sáng tỏ nghĩa lí của vấn đề qua việc xem xét, bàn bạc về các khía cạnh cũng như các vấn đề liên quan... Cuối cùng, cần phát biểu những suy nghĩ của mình về những điều Tuân Tử đã nêu lên và rút ra bài học về ứng xử trong cuộc sống.

nịnh bợ

2. Dàn ý sơ lược

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề và trích dẫn câu nói của Tuân Tử.

Thân bài:

1. Cắt nghĩa:

    - Cắt nghĩa từ ngữ: “chê phải”, “khen phải”, “vuốt ve nịnh bợ”; “thầy”, “bạn”, “kẻ thù”.

    - Khái quát nội dung câu trích.

2. Lí giải:

    - Tại sao người chê ta mà chê phải lại là thầy của ta?

    - Tại sao người khen ta mà khen phải lại là bạn ta?

    - Tại sao kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta?

3. Đánh giá:

    - Phát biểu suy nghĩ của mình về những điều Tuân Tử nêu lên.

    - Đề xuất ý kiến về điều kiện để thực hiện cách ứng xử theo quan niệm của Tuân Tử.

Kết bài:

    - Nêu tác dụng của câu nói với việc hình thành kinh nghiệm sông, kinh, nghiệm ứng xử của bản thân.

    - Trình bày suy nghĩ về cách sống, cách ứng xử nên có.

sep-che-2

3. Dàn ý chi tiết

Mở bài:

- Trong cuộc sống, thông thường con người thích được nghe lời khen và dễ có tâm lí không thoải mái khi tiếp nhận những lời chê trách. Người có hiểu biết, có bản lĩnh sống phải biết vượt qua thói thường để có thể bình tâm trước những lời khen chê.

- Kinh nghiệm của Tuân Tử về vấn đề này là: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.

Thân bài:

1. Cắt nghĩa:

    - Cắt nghĩa từ ngữ:

      + “Chê”: phê bình, chê trách những yếu kém, thiếu sót và tỏ ra không thích, không vừa ý về những điều đó.

      + “Chê phải”: chê đúng, chỉ ra chính xác những hạn chế, khiếm khuyết, sai lầm trên tinh thần thiện chí vì sự tiến bộ của ta.

      + “Khen”: đánh giá tốt và tỏ ý vừa lòng về một điều gì đó.

      + “Khen phải”: đánh giá đúng trên cơ sở phát hiện chính xác điểm tốt, sự tiến bộ mà ta có được.

      + “Vuốt ve nịnh bợ”: tỏ vẻ quan tâm, thông cảm hoặc khen ngợi thái quá bằng thái độ giả dôi cốt lấy lòng, lôi kéo, mua chuộc để cầu lợi.

      + “Thầy”: người có trình độ hướng dẫn, dạy bảo, đáng để ta coi trọng.

      + “Bạn”: người có quan hệ thân quen, gần gũi, có thể tâm tình, chia sẻ, đáng để ta trân trọng.

      + “Kẻ thù”: người có quan hệ thù địch, cần phải đề cao cảnh giác.

    - Khái quát ý nghĩa câu nói: cần coi trọng những người giúp ta nhận ra sai sót khiếm khuyết, trân trọng những người phát hiện đúng điểm tốt, thế mạnh của ta và cần đề cao cảnh giác với những kẻ tìm cách lôi kéo, mua chuộc, lấy lòng vì những mục đích không rõ ràng.

thang than

2. Lí giải:

    - Tại sao “người chê ta mà chê phải là thầy của ta?”

      + Chê là biểu hiện của thái độ không vừa ý khi phát hiện ra những chỗ sai, chỗ xấu chỗ dở, không phù hợp. Điều này vốn rất dễ nếu đứng trên tinh thần cá nhân vị kỉ.

      + Chỉ có thể chê phải nếu hiểu sâu sắc và có nhận thức đúng đắn về những chuẩn mực cần thiết. Hơn nữa những lời chê phải thường xuất phát từ thái độ thiện chí, hướng tới những điều tốt đẹp, hoàn hảo.

      + Những lời chê phải sẽ giúp ta nhận ra một cách chính xác những khiếm khuyết, sai lầm, những chỗ xấu, chỗ dở, chỗ không phù hợp của bản thân. Đó chính là những gợi ý cho ta trong quá trình tự hoàn thiện bản thân mình.

      + Người chê phải là người biết vì sự tiến bộ của ta. Biết nghe lời chê phải là một cách để ta trở nên tiến bộ.

    - Tại sao “người khen ta mà khen phải là bạn ta?”

      + Khen là biểu hiện của thái độ vừa ý khi phát hiện và trân trọng, thậm chí đánh giá cao những điều tốt đẹp, những cố gắng nỗ lực, những sự thành công, điểm tiến bộ...

      + Chỉ có thể khen phải khi những điều tốt đẹp, sự cố gắng nỗ lực, điểm tiến bộ, thành công kia là có thật. Cũng chỉ có thể khen phải nếu lời khen xuất phát từ một thái độ đúng (trân trọng những giá trị thực) và cách đánh giá đúng (xuất phát từ những tiêu chuẩn chuẩn mực).

      + Những lời khen phải và khen đúng lúc sẽ có ý nghĩa động viên kịp thời và hữu hiệu. Đó chính là một động lực tinh thần thôi thúc ta cố gắng hơn, làm việc có hiệu quả hơn.

      + Người khen phải là người hiểu ta, biết trân trọng những cố gắng, những thành tựu, những giá trị của ta. Đó sẽ là người đồng hành theo nghĩa tinh thần để giúp ta có thêm tự tin trong cuộc sống.

    - Tại sao “kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta”?

      + Vuốt ve nịnh bợ là biểu hiện của một thái độ rất hèn kém, tầm thường, xuất phát từ mục đích vụ lợi của những kẻ có nhân cách thấp kém.

      + Sự vuốt ve nịnh bợ có thể đem lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho con người vì nó khiến con người lầm tưởng mình được quan tâm, được coi trọng, được đánh giá cao. Hơn cả sự lầm tưởng, người được vuốt ve nịnh bợ còn dễ có những ảo tưởng về bản thân và về mối quan hệ tốt đẹp giữa mình với kẻ vuốt ve nịnh bợ kia. Những ảo tưởng này ban đầu sẽ làm ta thích thú (vì thông thường, con người thích nghe lời khen hơn lời chê, thích được ủng hộ hơn là bị phản đối, bác bỏ), dần dần sẽ khiến ta nhầm lẫn, mất khả năng đánh giá thực tế và nhận thức về bản thân. Nguy hiểm nhất là sự nhầm lẫn ấy có thể sẽ trở thành điểm khởi nguồn cho những suy nghĩ, những hành động ngông cuồng, dại dột.

      + Khi con người mất khả năng nhận thức bản thân, thiếu tỉnh táo khi đánh giá các mối quan hệ trong đời sống và phạm sai lầm trong hành động cũng như ứng xử là khi con người nhanh chóng đẩy mình đến thất bại, sụp đổ và đánh mất chính mình.

      + Với những tác hại to lớn như thế của sự vuốt ve nịnh bợ, có thể khẳng định sự vuốt ve nịnh bợ không đem lại điều gì tốt đẹp cho ta mà chỉ hại ta theo cả nghĩa tinh thần và vật chất, tức là một thứ “kẻ thù” mà ta cần tránh xa.

3. Đánh giá:

    - Ý nghĩa, giá trị câu nói của Tuân Tử:

      + Là một quan niệm đúng đắn, sâu sắc về cách nhìn nhận, đánh giá con người và các mối quan hệ, cách ứng xử của con người trong cuộc đời. Có ý nghĩa gợi mở, định hướng đế giúp ta phân biệt và nhận thức sâu sắc về cách cư xử, để từ đó chọn đúng người tốt thực sự mà gắn bó và tránh xa những kẻ xấu hoặc cảnh giác với những ai thiếu thiện chí, không thật lòng. 

      + Là một lời nhắc nhở giúp ta tự điều chỉnh thái độ, cách ứng xử với mọi người xung quanh mình để tự hoàn thiện nhân cách bản thân: sống chân tình, thiện chí, không xu nịnh, bợ đỡ vì như thế là cách tự hạ thấp phẩm giá của mình.

    - Điều kiện để thực hiện cách ứng xử theo quan niệm của Tuân Tử:

      + Nâng cao học vấn và văn hoá để có thể nhận thức đúng, phân biệt chính xác mọi hành vi, biểu hiện của người khác và của chính mình.

      + Rèn luyện bản lĩnh để vượt lên thói thường, sống đàng hoàng, ngay thẳng và luôn tỉnh táo trong xử lí của mối quan hệ.

    Kết bài:

      - Nêu tác dụng của câu nói với viậc hình thành kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử của bản thân (có thể gắn với một sự việc, chi tiết cụ thể nào đó song cần trình bày ngắn gọn).

      - Cách sống, cách ứng xử nên có: Sống đàng hoàng, ngay thẳng song cũng cần khéo léo trong cư xử để không xu nịnh nhưng cũng không quá cứng nhắc, thẳng băng làm người khác mất lòng.

Viết bình luận