"Ta" với "Mình" trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Việt Bắc” là một bài thơ trữ tình cách mạng. Mối tình giữa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng được Tố Hữu diễn tả như một mối tình riêng. Tố Hữu hình tượng hóa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng như một đôi bạn tình. Đôi bạn tình đã chung sống với nhau mười lăm năm “thiết tha, mặn nồng”, giờ đây họ chia tay nhau vì người cán bộ phải đi làm nhiệm vụ mới. Buổi chia li đầy lưu luyến lại phảng phất không khí buổi chia tay của những đôi bạn tình trong ca dao hàng trăm năm nay. Tố Hữu mượn thể hát đối đáp dân tộc, đồng thời cũng mượn luôn cạ ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân tộc để thể hiện những tình cảm mới. “Ta” với “Mình” tưởng như chỉ có thể có một đời sống riêng trong ca dao, với Tố Hữu, bỗng lớn dậy, tự nhiên thoải mái đi thẳng vào đời sống chung của dân tộc, ôm trùm lấy những tình cảm lớn của thời đại.

mình và ta trong việt bắc

Trong buổi chia tay, Việt Bắc đặt ra cho bạn mình những câu hỏi dồn dập, nặng tình, nặng nghĩa, nặng suy nghĩ, bộc lộ yêu thương đồng thời cũng đòi hỏi được yêu thương. Ray rứt nhất là câu này:

“Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”

Đây là một trong những câu thơ hay nhất của bài Việt Bắc. Cũng không sợ nói quá là câu thơ đã cõng cả chủ đề bài thơ, dĩ nhiên là còn có câu chị câu em hộ vệ. Linh hồn của câu thơ đọng ở ba chữ mình. Hai chữ mình trước ngôi thứ hai đã đành, chữ mình sau cũng là ngôi thứ hai. Lạ nhất là đại từ mình ngôi thứ hai này. Trong ca dao, không gặp kiểu đại từ đổi ngôi như vậy.

“Mình đi mình có nhớ mình”

Câu thơ vốn có gốc rễ sâu xa trong ca dao của dân tộc bỗng vụt lớn lên, mới mẻ hiện đại. Nói nôm na ra là anh đi anh có nhớ anh không? Anh nhớ em, và anh còn phải nhớ anh nữa. Anh có thể quên em, nhưng ngay cả anh, anh cũng có thế quên đấy. Câu hỏi thật sâu nặng, nghe mà giật mình. Ca dao chỉ đòi nhớ em thôi. Vậy là Tố Hữu thêm hương thêm sắc cho chữ tình, và chủ đề sâu sắc của bài thơ lộ ra một cách kín đáo, chứ không đợi đến những câu ướm hỏi dè chừng sau này...

Mình ở đây trong sáng biết mấy, đẹp đẽ biết mấy, anh hùng biết mấy. Mình đã từng gắn bó với những kỉ niệm êm đềm, đã từng đồng cam cộng khổ “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, đã từng chia bùi sẻ ngọt “Thương nhau chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” chẳng khác gì “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo). Cho nên mình để lại những trang sử oai hùng, mình gắn liền với những di tích lịch sử vô giá “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”. Bây giờ “Mình về thành thị xa xôi”, rồi “nhà cao”... rồi “phố đông” rồi “sáng đèn”... liệu mình có thay lòng đổi dạ hay không? Mình có thay lòng đổi dạ với ta không? Mình có thay lòng đổi dạ với mình không? Mười lăm năm trước đây, Tố Hữu như thấy trước những diễn biến tư tưởng trong hòa bình cho nên đã mượn lời Việt Bắc ướm hỏi một cách xa xôi gợi rất nhiều suy nghĩ. Tước đi cái vỏ ngoài là cách phô diễn đốì đáp, Việt Bắc còn lại nguyên hình là một bài thơ lòng dặn lòng. Lời thơ tiếng thơ ‘“Việt Bắc” cứ xao xuyến lên là ở cái hương thầm này mà ra. Dặn rằng “uống nước nhớ nguồn”, mình hãy nhổ lấy, nhớ lấy và trong cuộc chiến đấu mới hãy giữ gìn và phát huy những phẩm chất đạo đức cao đẹp trong những ngày kháng chiến vô cùng gian khổ này. Đó vừa là đạo lí làm người của dân tộc ta vừa là phẩm cách mới của người cách mạng, về mặt tâm lí cũng sâu sắc. Thực ra người hỏi “có nhớ mình” không, cũng là một dịp nữa để hỏi “có nhớ ta” không, bởi vì “mình với ta tuy hai mà một”. Những trang sử oanh liệt kia, những di tích lịch sử vô giá kia đâu phải chỉ là mình? Cách thể hiện tình cảm ở đây thật kín đáo, tế nhị.

ta với mình trong bài thơ Việt Bắc

Trước những câu hỏi chân tình, tha thiết của Việt Bắc, người về xuôi đáp lại những câu cũng chí tình:

“Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”
(Trả lời câu hỏi: “Mình về mình có nhớ ta, Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”)

Lại gặp ba chữ mình. Mình ngôi thứ nhất nhớ mình ngôi thứ hai. Sử dụng ngôi thứ hai của đại từ như vậy không có gì đặc biệt, nhưng dùng liền ba chữ mình khiến câu thơ rất quyện và ấm. Nếu thay mình ngôi thứ nhất bằng ta thì tình cảm sẽ lạnh và xa xôi hẳn, điều tối kị trong những buổi chia li, nhất là đối với người ra đi. Ngược lại, chữ ta trong câu thơ sau đây thì rất thích hợp:

“Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”

(Trả lời cho câu hỏi: “Mình đi mình có nhớ mình, Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”)

Trong lời hỏi của Việt Bắc, Tố Hữu dùng ba đại từ ngôi thứ hai, trong lời đáp của người về xuôi, Tố Hữu lại dùng ba đại từ ngôi thứ nhất. Sự chuyển đổi ngôi thứ của đại từ thật là linh hoạt. Cũng có thể nói nôm na: anh về anh vẫn nhớ anh đấy!

Tố Hữu sử dụng rất khéo léo những đại từ “ta”, “mình” trong câu làm giàu thêm ý nghĩa của câu thơ. Đây là ta với mình trong cảnh chia li:
“Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”

Mình và ta đứng ở hai đầu câu thơ nhìn nhau đau đáu. Câu thơ gợi cảm xa xôi, hợp với tâm trạng của người ở lại. Trong tâm trạng chia tay, người ở lại cứ muốn nói xa ra, để được đòi thương, đòi yêu, đòi nhớ, để được thêm cớ nghi kị, ghen tuông. Cách cấu trúc câu thơ này chúng ta cũng bắt gặp trong bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà:

“Nước non nặng một lời
thề Nước đi đi mãi không về cùng non”

Lúc thề nguyền, “nước”, “non” đứng sóng đôi nhau. Khi xa cách “nước”, “non” tách ra đứng ở hai đầu mút câu thơ. Xa vời biết mấy!

Trong lời của người về, “ta” với “mình” lại gài chặt với nhau.

“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”

Hoặc:

“Nứa mai mình gởi quê nhà
Nước non đâu cũng là ta với mình”

Ta với mình xoắn xuýt, quấn quýt nhau làm nồng nàn cả câu thơ, làm yên lòng người ở lại.

Bài thơ “Việt Bắc” nồng đượm hương vị ca dao dân tộc. Một trong những yếu tố tạo ra màu sắc dân tộc đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ dân tộc được Tố Hữu vận dụng rất nhuần nhị. Những từ vốn có một đời sống riêng trong ca dao được nhập vào với gia đình ngôn ngữ hiện đại. “Ta”, “mình” đã mang lại cho bài thơ trữ tình cách mạng một màu sắc tình cảm đặc biệt thấm thìa, làm riêng cả mối tình chung. Và Ta, mình đi qua tâm hồn Tố Hữu lại cũng được sáng ra, lâ'p lánh những ý nghĩa mới. Ta với mình ấy là dân tộc. Ta với mình ấy là hiện đại.

Viết bình luận