Phân tích những mâu thuẫn trong đoạn trích Vĩnh biệt cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng và bày tỏ ý kiến về cách thức giài quyết mâu thuẫn trong đoạn trích đó
Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử năm hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 - 1517, dưới triều Lê Tương Dực. Tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng viết xong vào mùa hè năm 1941. Từ vở kịch ba hồi đăng trên tạp chí Tri tân năm 1943 - 1944, Nguyễn Huy Tưởng đã sửa lại thành vở kịch năm hồi.
Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch Vũ Như Tô.
Trong đoạn trích có hai mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa phe nổi loạn với phe Lê Tương Dực và mâu thuẫn giữa phe Trịnh Duy Sản với Kim Phượng và các cung nữ.
Mâu thuẫn giữa phe nổi loạn với phe Lê Tương Dực:
Phe nổi loạn gồm nhiều nhân vật: dân chúng, thợ xây dựng Cửu Trùng Đài; các nhân vật này đã xuất hiện từ những đoạn trước. Trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, các nhân vật này chỉ xuất hiện qua lời của Đan Thiềm: Dân gian đói kém nổi lèn tứ tung... khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng. Các nhân vật này cũng xuất hiện qua lời của tên nội gián: Thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.
Phe đối lập trong triều đứng đầu là Trịnh Duy Sản, sau Trịnh Duy Sản là Ngô Hạch, An Hòa Hầu.
Mâu thuẫn trong hồi V đạt đến đỉnh điểm và được giải quyết trọn vẹn. Trịnh Duy Sản, Ngô Hạch giết chết Lê Tương Dực. Đây là mâu thuẫn bị chi phối bởi các mâu thuẫn khác và được các mâu thuẫn ấy làm cho tăng lên.
Mâu thuẫn giữa phe Trịnh Duy Sản với Kim Phượng và các cung nữ:
Trịnh Duy Sản coi Kim Phượng và các cung nữ là phương tiện hành lạc của vua Lê Tương Dực, chính vì vậy mâu thuẫn này cũng được đẩy lên đến đỉnh cao. Kim Phượng và các cung nữ đã lái sự cãm ghét đó sang Đan Thiềm, Vũ Như Tô để mong thoát tội, mong thoát khỏi sự trừng phạt của phe nổi loạn.
Mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô cũng được thể hiện rõ nét. Một bộ phận lớn thợ xây Cửu Trùng Đài tham gia cuộc nổi loạn do bị đói khổ, bị áp bức đến nghẹt thở. Họ oán giận triều đình, oán giận kiến trúc sư Vũ Như Tô và cả Đan Thiềm. Trong khi đó, Vũ Như Tô say sưa với công trình nghệ thuật, quên cả thực tế lòng dân. Đến khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Vũ Như Tô vẫn cho là mình vô tội, còn muốn chứng minh sự quang minh chính đại của mình, còn hi vọng thuyết phục được An Hòa Hầu. Đặc biệt, Vũ Như Tô muốn sống chết cùng Cửu Trùng Đài, vì ông coi đó là lẽ sống của chính mình. Đây là mâu thuẫn giữa con người xã hội và con người nghệ thuật trong Vũ Như Tô.
Các mâu thuẫn trong đoạn trích gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau và cuối cùng được giải quyết một cách trọn vẹn.
Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích của nhân dân trong đoạn trích vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Điều này được thể hiện ở phần cuối của vở kịch. Quần chúng nổi dậy giết Vũ Như Tô, phá hủy Cửu Trùng Đài. Bản thân Vũ Như Tô bị giết nhưng vẫn chưa nhận ra sai lầm của mình. Vũ Như Tô không đứng về phe Lê Tương Dực nhưng vẫn muốn hoàn thành công trình nghệ thuật. Chính tác giả cũng băn khoăn vì kết cục này.
Việc quần chúng giết Vũ Như Tô có lí đúng: nếu Vũ Như Tô không xây Cửu Trùng Đài thì nhân dân sẽ không rơi vào cảnh lầm than vì bản thân Lê Tương Dực không thể làm được. Tuy nhiên hành động giết hại Vũ Như Tô và phá hủy Cửu Trùng Đài lại thể hiện tính thái quá. Giá trị nghệ thuật trong công trình và công sức của nhân dân bỏ vào đó thật lớn lao, nếu có thể hoàn thành công trình trong một giai đoạn khác thì sẽ tốt hơn cho nghệ thuật và cho chính người dân.
Đoạn trích thể hiện rất rõ đặc sắc nghệ thuật kịch của Nguyễn Huy Tưởng: ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ và hành động để khắc họa tính cách nhân vật.
Đoạn trích còn thể hiện được tài dẫn dắt và đẩy xung đột kịch lên cao của tác giả, cách giải quyết mâu thuẫn một cách tài tình.
Viết bình luận