Hãy phân tích tâm trạng nhân vật chị Dậu qua các đoạn trích ở SGK Văn học 8

Tắt đèn là một trong số những tác phẩm xuất sắc của Ngô Tất Tố. Ông đã xây dựng nhân vật chị Dậu với lòng thương yêu chồng con tha thiết. Có thể nói những dòng, những trang thể hiện tấm lòng người vợ, người mẹ của chị Dậu, mà điển hình là hai chương X, XI. Ở hai chương này, nhà văn miêu tả rất thành công tâm trạng đau đớn, giằng xé của chị Dậu khi phải về nhà báo tin cho con biết nó đã bị bán cho Nghị Quế.

Đầu chương X (đoạn trích SGK), chị Dậu về tới nhà. Giờ đây khó khăn lớn nhất của chị Dậu là phải làm sao nói cho cái Tí biết rằng nó đã bị bán cho Nghị Quế. Chị phải làm sao đây khi lúc sáng, chị đã hứa sẽ không bán nó cho Nghị Quế. Hình như lúc này, bao nhiêu lo nghĩ dồn dập kéo tới nên khi chị không chú ý tới bên ngoài. Thằng Dần vòi vĩnh, chị không để ý. Cái Tí chạy ra “đon đả đón chào”, chị cũng “không trả lời”. Chị “thơ thẩn” đón lấy tay con, bế con và “ngồi ghé vào bên mép chõng”. Dường như chị không ý thức được việc mình làm, hành động “đón lấy con bé con” hoàn toàn do bản năng sai khiến. Tâm trạng, hành động như thế, ta chỉ bắt gặp ở những người quá đau khổ... Nhưng đau khổ đến “thơ thẩn” người, ai gọi không nói, ai hỏi không thưa như chị Dậu, có lẽ là trường hợp hiếm thấy.

Chị Dậu

Khi nhìn thấy cảnh các con hiếu thảo, ngoan ngoãn mà ngây thơ, như người khác chắc hẳn rất vui và hãnh diện. Nhưng chị Dậu thì khi nhìn thấy các con hiếu thảo, ngoan ngoãn, chị cảm thấy bị dao găm cắt từng khúc ruột, còn đau đớn nào bằng nỗi đau phải bán con trong khi đứa con rất ngoan ngoãn? càng nhìn chúng nó, chị càng nước mắt ngắn dài. Phải chăng, ngoài nỗi đau phải bán con, chị Dậu còn mang mặc cảm có tội với con? Năm lần bảy lượt cái Tí giục mẹ ăn, và cũng từng ấy lần chị buồn khổ. Chỉ đã cầm củ khoai lên, rồi đặt xuống chõng bởi chị có nuốt nổi đâu? Nỗi đau khổ, sự phân vân đắn đo trong chị Dậu là rất lớn. Làm sao có thể báo cho con cái tin đau đớn ấy, chị Dậu vẫn chưa nghĩ ra. Song không ngờ, cái Tí lại chính là người hé cho chị một tia sáng khi nó dỗ mẹ, để mẹ nó ăn khoai. Thế là chị Dậu vừa nói vừa mếu thông báo cho nó việc bán con. Nỗi đau khổ lúc trước, giờ vỡ òa ra. Chị Dậu như thấy mình có tội, không muốn ăn tranh phần của con. Lời nói của chị như lời tâm sự, như lời hối hận nhưng cũng tràn đầy xót xa. Nếu như ở nhà Nghị Quế, chị phải đắn đo về giá cả bán con, thì khi ở nhà, chị lại phải phân vân suy nghĩ bởi các con hiếu thảo và ngoan ngoãn quá- Khi nói ra được điều khó nói ấy, sự phân vân đắn đo đã bị át đi bởi một nỗi đau đớn, khổ sở đang dâng lên. Chị chỉ thổn thổn, thức thức, không nói thêm được câu nào. Phải, còn gì để mà nói nữa, nói gì được hơn trong lúc này nữa, khi mà những tiếng khóc bị kìm trở lại thành tiếng nấc nghẹn trong cổ? Chị dần dần cúi xuống, đối diện với con bé đương bú. Chị không còn đủ can đảm để đối diện với những đứa lớn. Chúng đã hiểu hết chuyện nhà. Hơn nữa, chị luôn mang nỗi ân hận giày vò đối với cái Tí, làm sao còn có thể quay ra dỗ nó! Hay chị quay vào con bé đương bú bởi nếu quay ra dỗ hai đứa trẻ kia, chị - vô tình sẽ không chịu được những lời van xin tha thiết, những tiếng kêu, tiếng lạy của chúng mà để cái Tí ở nhà, chồng chị sẽ tiếp tục bị hành hạ?

Cho tới chiều ấy, chị Dậu còn suy nghĩ đắn đo. Phải bán con, chị khổ sở lắm chứ. Có phải chị không cố gắng đâu! Chị đã nghĩ ngợi, phân vân hết mọi lẽ để cuối cùng vẫn phải cắn răng: Cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con. Chị cũng hiểu việc làm của chị trái đạo lí mà không thể cưỡng lại. Cái dáng bộ “đứng phắt dậy”, quả quyết, chùi nước mắt là kết cục của sự tuyệt vọng. Chị đã cùng đường rồi, chị còn cách nào nữa đâu ngoài việc bán con? Lời cầu xin; U van con, u lạy con, con có thương thầy, thương u... lặp lại nhiều lần trong bài là cả một tiếng kêu than nức nở, là sự đau khổ không gì sánh nổi trong tâm hồn chị. Thương con mà phải van lạy con để chịu mất con, thử hỏi còn gì bất hạnh hơn? Cứu chồng mà phải rứt ruột bán con, thử hỏi còn sự lựa chọn nào nghiệt ngã, cay đắng hơn? Trong đoạn này, tuy cảm tính của người mẹ luôn được bộc lộ bằng những tiếng khóc: sụt sịt, lã chã hai hàng nước mắt, khóc nức nở v.v... Song lí trí của chị vẫn át đi tất cả. Chị Dậu thì van lạy con, khi thì cố kiếm những lời thấm thìa xót ca để khuyên con, lúc lại tỏ ra độ đau đớn” hay “cố kiếm cho được cái giọng ngon ngọt để dỗ thằng Dần”.

Trên đường sang nhà Nghị Quế, chị Dậu vẫn thổn thức. Nhưng nỗi đau đớn đã được chị kìm nén, nên lặn vào “trong đáy tim”, Tuy vậy, nỗi đau ấy vẫn không thể kìm nén nổi, nên nước mắt chị vẫn lăn dài. Thái độ “giả câm giả điếc” ấy phải chăng là sự chất chứa bao đau thương xót xa trong lòng chị? Bất kì người mẹ nào sắp phải xa con cũng cố níu kéo cho giờ phút ấy chậm tới. Song, chị Dậu lại phải “giả câm, giả điếc” mong cho chóng tới nhà cụ Nghị. Có phải chị không thương con đâu, sau này chị vẫn luôn luôn nghĩ tới nó đấy chứ? Xét cho cùng chị làm thế cũng chính bởi chị thương con. Vì thương con nhưng vẫn phải rứt ruột bán đi, nên chị không muốn thấy con nữa. Làm sao chị có thể phó thác số phận của chồng theo cảm tính của chị, mà ngay lúc ấy, nó đang cưỡng lại chị, không cho chị dắt con đi? Chắc hẳn, chị còn ở lại lâu với cái Tí thì hai mẹ con càng phải chịu đau khổ, mà chị lại càng đau khổ hơn bởi chị đã làm trái với lẽ trời. Chị Dậu không muốn đau khổ hơn nữa, chắc rằng chị muốn hai mẹ con chia tay nhau sớm để chị bớt dằn vặt, cho chị thanh thản hơn.

Tắt đèn

Qua hai chương X và XI của tác phẩm Tắt đèn, hình ảnh chị Dậu hiện lên với đức tính thương chồng, yêu con tha thiết. Lòng vị tha, đức hi sinh của chị là một nét điển hình của người phụ nữ Việt Nam.

Ở hai chương này, Ngô Tất Tố đã thành công lớn trong việc miêu tả tâm trạng chị Dâu, giữa một bi kịch trong muôn vàn bi kịch của đời chị. Lối viết văn khách quan mà không kém phần xúc động của ông đã tạo niên sự hấp dẫn không chỉ ở hai chương này mà còn ở toàn tác phẩm.

Viết bình luận