Văn phân tích: "Đất Nước" của Nguyễn Đình Thi

đất nước 1

Hẵng khoan nói đến bài thơ “Đất nước”.

Tôi thây thơ Nguyễn Đình Thi muốn nói đến những gì là tinh túy Việt Nam, dù là một hình sắc:

“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa dâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”

(Bài thơ Hắc Hải)

hay một tâm trạng (nghe như trong ca dao)

“Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát canh rau muống quả cà dầm tương”

(Bài thơ Hắc Hải)

hoặc một phẩm cách:

“Mắt đen có gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung”

(Bài thơ Hắc Hải)

Tôi xin nói riêng với các bạn trẻ là chẳng phải nhà thơ chỉ diễn tả cái hiện thực đâu, mà còn diễn tả cả mơ ước nữa đấy! Đừng quên rằng thơ bao giờ cũng nói cái xảy ra và cái có thể xảy ra. Bằng cái đẹp, thơ nâng cao con người lên.

Về hình thức, Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có sức nỗ lực phấn đấu cho từng câu thơ, cho sự giàu có bên trong câu thơ. Anh coi thường sự liên kết bên ngoài giữa các câu thơ. Tôi nghĩ, như vậy Nguyễn Đình Thi đã giác ngộ đến bản chất thơ. Song từ sự nỗ lực đó mà đi đến chủ trương thơ không vần thì hơi cực đoan. Quả là những câu thơ không vần mà tôi đọc được trong ca dao và trong thơ cố điển kì lạ thật, là những câu thơ có đời sống bên trong rất phong phú, có thể đứng độc lập và chỉ liên kết với những câu thơ khác bằng sự giàu có bên trong. Làm sao có thể tạo được tất cả các câu thơ của bài thơ đều đạt được cái thần bút như vậy? Khó lắm. Cho nên sự thể nghiệm thơ không vần của nhà thơ Nguyễn Đình Thi chưa thành công. Song trên con đường nỗ lực phấn đấu cho sự giàu có bên trong từng câu thơ đó, anh đã để lại nhiều câu thơ hay, những câu thơ dày dặn chất liệu đời sông, nặng trĩu tư tưởng và tình cảm, có sức lay động mạnh. Và hình như câu thơ anh hay hơn mạch thơ anh?

đất nước 2

Thơ Nguyễn Đình Thi say đắm, nhưng không say đắm như Xuân Diệu, say mà tỉnh; có trí tuệ nhưng không trí tuệ như Chế Lan Viên, anh xúc cảm từ nhỡn kiến chứ không phải từ trí thức; có suy tưởng nhưng không suy tưởng như Huy Cận, anh suy tưởng từ hình sắc chứ không phải từ cái vô hình vô ảnh.

Tôi được nghe Nguyễn Đình Thi nói về quá trình sáng tác bài thơ “Đất nước”, bài thơ mà anh đã tốn nhiều năm tháng và giấy mực. Anh đã chắt lọc, hun đúc cho từng câu thơ cái vốn sống và tình cảm cách mạng trong suỗt cuộc kháng chiến. Từ hình ảnh những người ra đi vì nghĩa lớn, “người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà vẫn nghe rõ từng giọt âm thanh lưu luyến của lá rơi “sau lưng thềm nắng”, cho đến hình ảnh “người lên như nước vỡ bờ” trên các chiến hào ở Điện Biên Phủ trong trận phản công cuối cùng thắng lợi. Từ những “ngày nắng đốt theo đêm mưa dội” của hai bên Đông - Tây Trường Sơn cho đến “những đêm dài hành quân...” đều trở thành chất liệu của bài thơ. Tôi có ý nghĩ là Nguyễn Đình Thi làm thơ như một nhà văn hiện thực nghiêm ngặt. Ngay cả những phút lãng mạn trong thơ anh cũng có chất liệu thật bên trong. Song chất liệu thật của đời sống không bị trơ, bị khô cứng mà đều lấp lánh trong xúc cảm, ánh lên trong trí tuệ và đều được nâng lên tầm khái quát.

Chúng ta hãy đi sâu vào hồn thơ anh một chút. Mở đầu bài thơ là hình ảnh nhà thi sĩ đứng giữa mùa thu đất nước, cảm giác trộn hòa với kỉ niệm:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rai đầy”

Câu thơ Nguyễn Đình Thi có cái xôn xao khó tả. Anh đã dồn nhiều cảm giác vào một câu thơ. Anh rung động trước sắc thu của những sáng thu Hà Nội, anh cảm được cái hương rất mùa thu: “hương cốm mới”, anh diễn tả được những biên giới của cảm giác: cái “chớm lạnh” của một sáng thu Hà Nội. Và nhà thơ đã cảm nhận được hòa điệu của sắc thu với tiếng thu:

“Trời thu thay áo mới Trong biếc nói cười thiết tha”

Tràn ngập trong hòa điệu mùa thu, nhà thơ cảm thấy dâng lên một niềm tự hào sâu xa về đất nước. Tình cảm tự hào chắc nịch trong những câu thơ 7 chữ nhịp 3/4 mới:

“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta”

thanh thoát, gợi cảm trong những câu thơ năm chữ:

“Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát”

và dồn âm hưởng cho câu thơ 7 chữ nhịp 4/3, cổ điển:

“Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Rồi bài thơ bỗng chuyển sang âm điệu trầm hùng:

“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Nguyễn Đình Thi có lối suy tưởng riêng, suy tưởng như cảm giác nên tạo được không khí thiêng liêng.

Trong hòa âm của những tình cảm cao cả lớn lao đó lại nẩy ra một âm điệu của tâm tư sâu lắng:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

Nâng tình cảm riêng thành “riêng chung”, Nguyễn Đình Thi đã làm phong phú thêm hình ảnh về đất nước.

đất nước

Rồi câu thơ rắn đanh lại, gân guốc với những tiếng căm hờn:

“Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.”

Anh cũng đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân ta rất cảm động:

“Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Ken gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôi đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng. ”

Và từ hình ảnh người chiến sĩ trong đợt phản công cuối cùng ở Điện Biên Phủ tràn lên chiến hào, rũ bùn khi lá cờ quyết chiến quyết thắng giương cao trên nắp hầm Đờ Cát, nhà thơ đã xây dựng thành hình tượng thơ có ý nghĩa khái quát cho cả một dân tộc đang vùng dậy:

“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vã bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Cách đây hơn hai mươi năm, bài thơ “Đất nước” ra đời, như vậy là với Nguyễn Đình Thi, âm điệu đất nước vang lên khá sớm. Hôm nay, chúng ta đã có một “giao hưởng” thơ về đất nước, về Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Trong những giai điệu riêng biệt, trong những hòa âm phong phú của nhiều nhà thơ, chúng ta vẫn nhận ra tiếng thơ trong trẻo, hào hùng, tha thiết, trang nghiêm của Nguyễn Đình Thi. Tôi yêu mến vẻ đẹp riêng đó của thơ anh.

Viết bình luận