Quan niệm về văn chương của Thạch Lam
Các nhà văn lớn đều có tuyên ngôn nghệ thuật của mình, từ Nguyễn Du đến Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam (1910-1942). Tùy theo lí tưởng xã hội và quan điểm thẩm mĩ mà nội dung của mỗi tuyên ngôn nghệ thuật có những nét riêng biệt. Thạch Lam, một nhà văn trong Tự Lực văn đoàn, là nhà văn lãng mạn, nhưng quan điểm của ông về vai trò tác dụng của văn chương đối với con người và xã hội lại rất tích cực. Quan điểm sau đây có thể coi là tuyên ngôn nghệ thuật của ông:
“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Một nhà văn trong Tự Lực văn đoàn mà phát biểu như vậy thật là lạ lùng. Thạch Lam bằng tác phẩm và lí luận đã thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Tự Lực văn đoàn, “tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết”. Thạch Lam hướng đến một thứ văn chương gắn bó mật thiết với đời sống, không thoát li thực tại và tích cực hơn còn góp phần đấu tranh cho cái Thiện toàn thắng, làm cho con người sống tốt đẹp hơn.
Thạch Lam quan niệm: “Vãn chương không phải đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên”. Phát biểu như vậy, Thạch Lam đã bút chiến với quan niệm nghệ thuật tiêu cực của dòng văn học lãng mạn bấy giờ (1930- 1945). Một số nhà vãn chán ghét thực tại đen tối, xấu xa, lại hướng văn học đến quan điểm thoát li. Khi thì họ thoát lên tiên giới, khi thì thoát vào tình ái mộng ảo, “Tôi khờ khạo lắm, ngu nga quá. Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”. Có nhà thơ còn muốn trôn vào tinh cầu giá lạnh, “Một vì sao trơ trọi cuối trời xa. Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh, những ưu phiền đau khổ với buồn lo”. Có nhà văn lại đưa người đọc chìm đắm vào những cơn say, những cuộc truy hoan mê loạn điên cuồng để cho quên, quên hết, “rượu, rượu nữa và quên quên hết”. Xét đến cùng thì đây cũng là những biểu hiện phản ứng của các nhà văn đối với xã hội giả dôì và tàn ác đương thời nhưng yếu đuối và bất lực. Đứng trong Tự Lực văn đoàn, nhưng quan điểm văn chương của Thạch Lam gần với Vũ Trọng Phụng, “văn chương phải là sự thực ở đời”, gần với Nam Cao, “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”.
Sau khi phản bác lại thứ văn chương thoát li, Thạch Lam phát biểu trực tiếp quan điểm văn chương tiến bộ của ông: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Là tiếng nói của tình cảm, là hình thức nhuần nhị của tư tưởng, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Từ sức mạnh tinh thần, nó có thể chuyển thành sức mạnh vật chất. Bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh là những áng văn chương bất hủ, có sức mạnh lay động cổ vũ lòng người, sức mạnh ấy không kém gì những đạo binh hùng tướng mạnh. Người ta kể lại rằng, trong Đại chiến thế giới lần thứ II, mỗi bài văn của Erenbua (Nga) có sức mạnh bằng một trung đoàn. Cho nên có thể nói quan điểm văn chương của Thạch Lam là quan điểm của các nhà văn lớn trong nền văn học tiến bộ của dân tộc và nhân loại. Nguyễn Đình Chiểu cũng từng viết:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mẩy thằng gian bút chẳng tà”
Như vậy, cụ Đồ Chiểu cũng quan niệm văn chương là vũ khí sắc bén. Thạch Lam còn nói cụ thể hơn “Văn chương là một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực”. Vì đây là một thứ vũ khí tinh thần, Thạch Lam dùng khái niệm “vũ khí thanh cao” để phân biệt với vũ khí giết người như gươm, giáo, súng, đạn... Như Nguyễn Trãi nói là thứ vũ khí dùng để “mưu phạt tâm công”, nghĩa là vũ khí “đánh vào lòng người”.
Quan niệm văn chương của Thạch Lam gần với quan niệm văn chương của các nhà văn hiện thực phê phán đương thời. Nhưng Thạch Lam không bế tắc. Nhiều nhà văn lớn thời đó như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao đã lớn tiếng tố cáo cái xã hội giả dối và tàn ác đó nhưng cuối cùng vẫn không có lối thoát. Tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của văn chương, Thạch Lam quan niệm văn chương phải tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác.... Phải nói rằng quan niệm văn chương của Thạch Lam sâu sắc và toàn diện hơn, tuy ông cũng chưa hình dung được diện mạo của thế giới mới. Phải “thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác” là quan niệm của một nhà văn lớn. Nhiều nhà văn lớn cùng thời ấy với ông như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Tối Hữu... đã góp phần thay đổi bộ mặt xã hội. Nhìn ra thế giới, những nhà văn lớn thời Phục hưng (phương Tây), thời kì Ánh sáng (Pháp), thời kì Cách mạng tháng Mười (Nga)... đã làm thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác. Nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) cũng có quan điểm văn chương gần với Thạch Lam. ông đã bỏ nghề thuốc, chọn nghề viết văn để chữa bệnh tinh thần cho nhân dân Trung Hoa. Theo ông, bệnh tinh thần còn nguy hại hơn bệnh thể xác. Văn chương của ông có tác động đến cách mạng Trung Quốc to lớn biết chừng nào.
Quan niệm văn chương của Thạch Lam đạt đến sự toàn diện. Nhà văn vừa quan tâm đến những vấn đề xã hội, “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”, vừa quan tâm đến sự tác động của văn chương đối với tâm hồn, tình cảm của con người “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Làm thay đổi thế giới bên trong của con người, đó là khả năng huyền diệu của văn chương. Từ thời cổ đại, Arixtôt đã quan niệm bi kịch có khả năng “thanh lọc” tâm hồn con người. Các nhà văn hiện đại càng quan tâm đến sự hoàn thiện nhân cách của con người. Nhà thơ Tago đã viết trong bài thơ ‘Vô hiên tâm. hồn” (bài thơ 28):
“Đôi mắt lo âu của em buồn
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả
Em biết rõ tất cả đời anh
Anh không giấu em một điều gì
Ây vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”
Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã viết:
“Dầu tin tưởng chung một đời một mộng
Em là em, anh vẫn cứ là anh
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật”
Các nhà thơ đã viết về sự kì diệu của thế giới tâm linh làm cho ta thấy được tâm hồn con người phong phú hơn.
Thạch Lam đã bộc lộ quan điểm văn chương của ông trong sáng tác. Nhiều tác phẩm của ông như “Hai đứa trẻ”, “Gió lạnh đầu mùa” đã thể hiện được khát vọng muốn “thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”, hướng con người đến cái thiện và sự cao cả.
Thạch Lam là một nhà văn lãng mạn bám rễ sâu vào hiện thực. Cảm hứng lãng mạn của ông như một cánh diều mà sợi dây bền chặt là hiện thực cuộc sống. Quan niệm về văn chương của Thạch Lam thuộc dòng tư tưởng lớn của các nhà văn của dân tộc và nhân loại. Giữa lúc các nhà văn lãng mạn cùng trào lưu với ông đang say sưa với văn học thoát li mà ông quan niệm văn chương như vậy thật là tích cực. Quan niệm văn chương của Thạch Lam sẽ còn tác dụng tích cực bền lâu trong nền văn học dân tộc.
Viết bình luận