Văn phân tích: "Bài thơ 31" của Ra-bin-đra-nát Ta-go-rơ

Thi sĩ phương Đông làm thơ tình thường nói đến đôi mắt. Có thể viết cả cuốn từ điển về đôi mắt mĩ nhân trong thơ. Nhưng không có thi sĩ nào nói về đôi mắt người tình với mật độ dày đặc và độc đáo như đại thi hào Ân Độ - Ra-bin-đra-nát Ta-go-rơ. “Đôi mắt chúng ta liên kết nhau trong hòa điệu làm cho chúng ta hành động được thống nhất” (Ta-go-rơ). Và đây là đôi mắt, một trong những biểu hiện tâm linh của Ta-go-rơ, đôi mắt kì diệu của người tình “nửa đàn bà, nửa mộng đẹp” (One half woman and one half dream) trong bài thơ 31:

Trái tim anh là con chim quen sống cảnh hoang vu
Đã tìm được nơi mắt em khung trời của nó,
Mắt em là cái nôi buổi sáng, là vương quốc của trời sao.
Tiếng hát của anh đã lạc xuống chiểu sâu của đôi mắt ấy.
Hãy để anh bay lượn
Trên khung trời này, rộng rãi, cô đơn
Hãy để anh xuyên thẳng tầng mây
Và tung cánh bay lên trong ánh mặt trời

(Đào Xuân Quý - dịch)

bài thơ so 31

Thơ tình Ta-go-rơ đôi khi không còn sự biểu lộ tình cảm giữa hai con người cụ thể, ví như trong bài thơ tình này chỉ còn trái tim và con mắt. Nhưng như thế thì có gì lạ, hai bộ phận nhạy cảm của con người này đã trở thành hình ảnh sáo mòn trong thơ? Lạ là Ta-go-rơ không coi trái tim và con mắt là hai bộ phận nhỏ nhoi của sinh mệnh mà đã trở thành hai hiện tượng của vũ trụ. Tình yêu là sự hòa điệu của hai hiện tượng vũ trụ đó.

Nó không phải là con mắt ước lệ của trang tuyệt thế giai nhân trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du:

“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”

hay là:

“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Nó không phải là con mắt đắm đuối như trong thơ tình của Xuân Diệu:

“Đôi mắt người yêu ôi vực thẳm”

Nó không phải là con mắt của nhân cách trong thơ Nguyễn Đình Thi:

“Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung”

Nó không phải là con mắt ướt át trong thơ của Hoàng Tố Nguyên:

“Ao làng trăng tắm mây bơi
Nước trong như nước mắt người tôi yêu”

Nó cũng không là con mắt của màu sắc và hình họa gợi cảm xúc trong thơ Giang Nam.

“Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)”

Thơ Ta-go-rơ vừa chạm vào giấy thì triết lí của nhà thơ đậm màu sắc triết học Ân Độ về vũ trụ và thiên nhiên cũng hiện lên theo từng con chữ:

“Trái tim anh là con chim quen sống cảnh hoang vu
Đã tìm được nai mắt em khung trời của nó”

Ngay khi hình tượng thơ còn tĩnh lặng ta đã nghe xôn xao những lời thoại trong đó:

Con mắt hỏi: Trái tim anh ưa tự do thì cả một cánh rừng hoang vu không đủ sao?

Trái tim trả lời: Tự do không đồng nghĩa với cô đơn!

Con mắt lại hỏi: Trái tim tự do của anh phải có không gian cao rộng như núi non và biển cả chứ vào làm chi trong con mắt chật hẹp của em?

Trái tim trả lời:

“Trong tình yêu, các dây trói buộc củng huy hoàng như Tự do” (Ta-go-rơ).

“Trái tim anh là con chim quen sống cảnh hoang vu
Đã tìm được nơi mắt em khung trời của nó”

bài thơ số 31

Ta-go-rơ đã tìm được khoảng không gian vô biên của tâm linh nơi “mắt em” (tiểu vũ trụ) cũng vô biên như “khung trời” của đại vũ trụ. Sự giao hòa của trái tim người tình và đôi mắt em trở nên thiêng liêng và nhiệm màu. Đến với người yêu, Ta-go-rơ làm tan biến đi nỗi lo canh cánh rất là “đàn bà” của người tình: “Bé bỏng như tôi làm sao ôm giữ được Người, và đời tôi chỉ toàn là nước mắt!” (Ta-go-rơ). Thi nhân không phải là vầng dương nhưng cứ hãy nghe lời của vầng dương nói với hạt sương bé bỏng, ta hiểu được phần nào tâm hồn của người tình: Ta thắp sáng cả trời vô tận, nhưng ta có thể hiến thân ta cho một giọt sương bé bỏng. Ta sẽ hóa thành một tia sáng nhỏ phủ đầy em, và cuộc đời nhỏ nhoi của em sẽ trở thành một quả cầu hoan lạc.

Vâng, thế giới tình yêu trong thơ Ta-go-rơ là thế giới đầy hoan lạc, nó cám dỗ trong hình họa, nó gợi cảm trong khái niệm, nó mê li trong âm thanh:

“Mắt em là cái nôi buổi sáng, là vương quốc của trời sao.
Tiếng hát của anh đã lạc xuống chiều sâu của đôi mắt ấy.”

Hình họa trong thơ Ta-go-rơ thấm đẫm triết lý Ấn Độ. Bầu trời trong mắt em là bầu trời hình elip (nghĩa là hơi méo một chút) và kì diệu là ở một chút không tròn đó. Cho đến “Mắt em là cái nôi buổi sáng” thì “cái nôi” cũng là hình e líp đầy cám dỗ. Nên nhớ Ta-go-rơ còn là họa sĩ ở tuổi bảy mươi với ba nghìn bức tranh triển lãm khấp năm châu. Ta-go-rơ đã tri giác thế giới này trong tình yêu. “Mắt em là cái nôi buổi sáng, là vương quốc của trời sao”, làm sao có thể nói hết được ý tưởng của thi nhân trong cái “không gian rỗng” huyền nhiệm và lung linh đó? Có nhà văn Việt Nam nào đó nói người tình mãn nguyện trong hoan lạc cũng như đứa trẻ bú 110 rồi ngủ, ngủ say “trong cái nôi buổi sáng” êm đềm. Cái nôi của Ta-go-rơ là cái nôi của tình yêu thì có khác chi cái nôi của tuổi thơ. Có thể chỉ là một ước vọng, một ước vọng đầy thèm khát của con người, chính vì thế nó nhân bản biết bao! Trái tim của nhà thơ đã hát lên “Tiếng hát của anh đã lạc xuống chiều sâu của đôi mắt ấy”, nhà thơ đã tụng ca niềm hoan lạc của con người, của trần thế. “Ta vui mừng được ở trong cõi đời này, ta được ràng buộc với đời bằng vô số sợi dây nối từ mặt đất lên các vì sao” (Ta-go-rơ)

Ta-go-rơ cũng như người Ân Độ say mê ngợi ca sự hoan lạc vì quan niệm “Vạn vật sinh ra từ niềm vui, nhờ niềm vui mà tồn tại, tiến bước về niềm vui và dấn thân vào niềm vui” (Kinh U-pa-ni-sát) cho nên đôi cánh chim trong bài thơ tình này cũng là đôi cánh tư tưởng của thi nhân:

“Hãy để anh bay lượn
Trên khung trời này rộng rãi, cô đơn
Hãy để anh, xuyên thẳng tầng mây
Và tung cánh bay lên trong ánh mặt trời”.

Trái tim của thi nhân đã bay vào bầu trời của đôi mắt người yêu, đã “bay lượn trên khung trời này, rộng rãi, cô đan” (nguyên văn: bay lượn trong mênh mông cô quạnh của bầu trời ấy), và tiếng hát của trái tim đã lạc vào sâu thẳm của đôi mắt người tình (Nguyên văn: Tiếng hát của anh lắng sâu trong đôi mắt thăm thẳm của em). Tứ thơ gợi nhớ Hồ Xuân Hương “Giọt nước hữu tình rơi thánh thót”. Chỉ có những bậc thẩm âm kì tài trong thiên hạ mới nghe được những giọt âm thanh hữu tình trong thẳm sâu như vậy. Và đôi cánh của trái tim thi nhân như được tiếp thêm năng lượng (năng lượng kì diệu) và bay lên:

“Hãy để anh xuyên thẳng tầng mây
Và tung cánh bay lên trong ánh mặt trời”

Đôi cánh của trái tim người tình thật là mạnh mẽ, cường tráng: Lại gợi nhớ Hồ Xuân Hương:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Hồ Xuân Hương dữ dội hơn vì đấy là thơ của trái tim trong cô đơn. Còn Ta-go-rơ mãnh liệt mà hài hòa trong tình ái, như sự hòa điệu giữa trái tim và con mắt, giữa cánh chim và bầu trời. Ta-go-rơ đã nâng con người và tình yêu lên ngang tầm vũ trụ, và chính tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh cho đôi cánh tư tưởng của thi nhân bay lượn, bay lên tới vô biên mà như thi nhân nói: “Ớ đất nước này, vô biên cũng hiện thực như ánh sáng mặt trời vậy”.

Viết bình luận