Trình bày quan điểm về việc chọn nghề trong tương lai

1. Tìm hiểu đề

Đề bài yêu cầu HS trình bày quan điểm về việc chọn nghề trong tương lai. Đây là một vấn đề từng gây nhiều tranh cãi và cũng có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau: chọn nghề kiếm ra nhiều tiền hay nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân, chọn nghề đang được ưa chuộng trong xã hội hay nhất quyết theo đuổi nghề mà mình yêu thích nhất... Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra cho một bài văn mà là vấn đề học sinh sẽ phải đối mặt trong thực tế sau này. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại học sinh cần có nhận thức đúng về việc chọn nghề và thể hiện nhận thức đúng ấy qua sự phân tích ưu điểm, hạn chế của từng cách chọn nghề để trên cơ sở đó trình bày rõ quan điểm lựa chọn của cá nhân dựa theo những tiêu chí và mục đích cụ thể.

chon nghe cho bản thân

2. Dàn ý sơ lược

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề.

Thân bài:

1. Thực tế xã hội và sự cần thiết của việc chọn nghề.

2. Những cách chọn nghề trong thực tế hiện nay.

3. Quan điểm lựa chọn của cá nhân:

    - Mục tiêu đặt ra trong cuộc sống.

    - Năng lực thực tế của bản thân.

    - Quan điểm lựa chọn.

    - Định hướng phấn đấu hiện tại.

Kết bài:

- Khẳng định quan điểm chọn nghề.

- Nêu suy nghĩ cá nhân về mối quan hệ giữa nghề nghiệp và cuộc sống.

huong-nghiep-chon-nghe

3. Dàn ý chi tiết

Mở bài:

    - Cuộc sống luôn vận động kéo theo sự vận động của rất nhiều yếu tố trong đời sống của mỗi cá nhân: sở thích, khát vọng, mối quan tâm, các quan hệ trong cuộc sống, cách sống... Bên cạnh rất nhiều những yếu tố có thể đổi thay ấy lại có những yếu tố mà sự thay đổi của nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp. Một trong số đó chính là nghề nghiệp - công việc lao động để đảm bảo cuộc sống cũng là đảm bảo ý nghĩa tồn tại của mỗi người.

    - Việc chọn nghề là việc quan trọng, cần thiết và luôn được đặt ra khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của cuộc sống.

Thân bài:

1. Thực tế xã hội và sự cần thiết của việc chọn nghề:

- Xã hội càng phát triển, yêu cầu chuyên môn hoá càng cao và sự phân công lao động càng được đặt ra và thực hiện một cách nghiêm ngặt.

- Để tồn tại và để tự khẳng định mình trong cuộc sống, mỗi người cần lựa chọn cho mình một nghề nghiệp và chuyên tâm theo đuổi, phấn đấu cho sự chọn lựa ấy.

2. Những cách chọn nghề trong thực tế hiện nay:

- Chọn nghề kiếm được nhiều tiền: ưu thế của sự lựa chọn này là nó sẽ đảm bảo cho tương lai một cuộc sống ổn định và dư dật về mặt vật chất, vấn đề là ở chỗ chính sức hấp dẫn của nghề nghiệp sẽ tạo ra một môi trường có tính cạnh tranh cao với những đòi hổi khắt khe, nghiệt ngã. Nếu bản thân người lựa chọn không đủ nội lực để đáp ứng và bản lĩnh để trụ vững có thể sẽ vấp phải những khó khăn không lường trước được.

- Chọn nghề thời thượng: ưu thế của sự lựa chọn này là sẽ đem lại cho người lựa chọn một sự tự tin nhất định. Đồng thời, những nghề được cho là thời thượng trong xã hội thường cũng là những nghề mang lại nguồn thu nhập cao nên cũng sẽ tạo ra sự đảm bảo vững chắc về kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý tới quy luật cung cầu của xã hội bởi nó có thể sẽ khiến cho cái hôm nay là thời thượng song đến ngày mai đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.

- Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân thường là cách lựa chọn của những người ưa cuộc sống bình thường, yên ổn. Khi yêu cầu của nghề nghiệp phù hợp với khả năng thực có, mỗi người sẽ làm được tốt nhất công việc của chính mình, hoàn thành được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân. Trong trường hợp này, nếu có một năng lực tốt, con người hoàn toàn có thể khẳng định mạnh mẽ giá trị bản thân mình bằng những đóng góp nổi bật.

- Chọn nghề mà mình yêu thích sẽ tạo niềm say mê, thậm chí dam mê với công việc. Yếu tố tâm lí này rất quan trọng để kích thích khả năng, phát triển năng lực giúp người lựa chọn có thể làm tốt nhất các yêu cầu của công việc. Thường thì nghề yêu thích cũng là nghề mà người lựa chọn có khả năng để đáp ứng vì có như vậy mới có niềm yêu thích thật sự.

3. Quan điểm lựa chọn của cá nhân: Phần này học sinh cần tự triển khai theo gợi ý:

    - Mục tiêu đặt ra trong cuộc sống.

    - Năng lực thực tế của bản thân.

    - Quan điểm lựa chọn.

    - Định hướng phấn đấu hiện tại.

Lưu ý: Quan điểm lựa chọn cần xuất phát trên co' sở xác định mục tiêu và nhận thức sâu sắc về năng lực thực tế để đảm bảo tính chính xác, hợp lí của sự lựa chọn.

Kết bài:

- Vấn đề đặt ra trước mắt thanh niên hiện nay không phải chỉ là chọn nghề gì mà còn là quan niệm, suy nghĩ như thế nào về sự lựa chọn ấy. Việc lựa chọn một cách cảm tính, chỉ dựa trên những ý thích nhất thời có thể sẽ dẫn đến sai lầm.

- Cách tốt nhất để lựa chọn đúng là nên chú ý đến sự cân bằng giữa nhu cầu xã hội và năng lực bản thân, giữa ý thích và khả năng thực tế, giữa mục đích và những đòi hỏi của cuộc sống. Chú ý tới tất cả những mặt này, mỗi người sẽ có một sự lựa chọn chính xác để tránh phải hối tiếc sau này.

4. Tư liệu tham khảo

CHỌN NGHỀ... CHỌN TƯƠNG LAI!

Bạn nên nhớ rằng tương lai là của bạn. Giờ đây chính là lúc bạn phải đối diện với thực tế. Bạn hãy nhìn thẳng vào sự thật, xem mình đang ở trong hoàn cảnh nào? Có phải bạn thi vào trường này, chọn nghề kia là vì muôn ngàn lí do chứ không phải bạn thích? Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không vững chắc.

Tránh những việc không đúng đắn khi chọn nghề.

  • Chọn nghề theo sự mong muốn, áp đặt của bố mẹ và người thân. Do gia đình có nghề nghiệp truyền thống hoặc có mối quan hệ sẵn có nên thường áp đặt con cái theo ý muốn của mình.
  • Chọn nghề theo sự rủ rê của nhóm, của bạn bè và của người yêu.
  • Chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình.
  • Chọn nghề may rủi theo kiểu chọn đại.
  • Chọn nghề chỉ ở bậc đại học.
  • Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”, theo phong trào.
  • Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không.
  • Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế, cá nhân hoặc gia đình.
  • Chọn nghề không gắn với nhu cầu xã hội.
  • Nhờ những người dùng phương pháp thần bí lựa nghề giúp bạn như các nhà chiêm tinh, thầy bói (xem chỉ tay, chữ viết, coi tướng...).

chon nghe nghiep trong tuong lai

Cần xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào.

Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Chọn ra những nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Bạn có thể thực hiện những bài trắc nghiệm về nghề nghiệp. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn,... các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp với bạn.

Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa việc chọn nghề qua việc làm bài trắc nghiệm. Việc chọn nghề còn phải xét đủ những điều kiện vật chất, xã hội, kinh tế... ở xung quanh ta, và phối hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhát.

Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không. Ví dụ: làm báo tường, viết bài gửi cho các báo... để xem mình có phù hợp với nghề báo không; làm thủ quỹ cho lớp để xem mình có phù hợp với nghề kế toán không...

Bạn có thể tới các công ty, trung tâm tư vấn về tâm lí, giáo dục, nơi đó họ có đủ sách, tài liệu, kiến thức về các nghề nghiệp để tư vấn cho bạn. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô, người nhà, bạn bè... để đánh giá các sở thích và khả năng của mình xem phù hợp với ngành nghề nào.

Hãy tham dự các buổi thuyết trình của các báo cáo viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.

Trao đổi với những ai đã thành công trong lĩnh vực bạn sắp chọn. Hỏi về cách sông, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển...

Khám phá xem công việc này phù hợp với những tính cách nào. Bạn đã có gì và cần phải trang bị thêm những gì, để từ đó có những định hướng hợp lí nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp. Hãy để sự lựa chọn của mình mở ra với nhiều nghề nghiệp khác nhau.

Viết bình luận