Những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong bài kí "Người lái đò sông Đà"
Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám là một nhà văn lãng mạn nổi tiếng với quan điểm thẩm mĩ “duy mĩ” và với một nhân sinh quan “xê dịch”, còn gọi là “chủ nghĩa xê dịch”. Đi theo cách mạng, rồi đi kháng chiến chông Pháp, chông Mĩ, Nguyễn Tuân đã cố gắng lột xác, đã thay đổi thế giới quan và phương pháp sáng tác. Nhưng những nét tinh hoa trong phong cách lãng mạn và xê dịch của Nguyễn Tuân thì vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong tác phẩm của ông mà tiêu biểu là tập tùy bút “Sông Đà”. Không đeo đuổi những “Vang bóng một thời” nữa mà ông trở về với nhân dân cũng theo phong cách riêng của ông. Nguyễn Tuân đến với những người lao động tài hoa tuyệt vời và ở đây ông cũng gặp được hình ảnh của thiên nhiên, của non sông đất nước: sông Đà hùng vĩ, thiên nhiên Tây Bắc tươi đẹp, huyền bí, người lao động sông Đà tài hoa, dũng cảm là nguồn cảm hứng vô tận cho Nguyễn Tuân sáng tạo tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.
“Xê dịch” lên Tây Bắc, Nguyễn Tuân gặp sông Đà và ông lái đò Lai Châu, sông Đà và người lái đò đã trở thành hai nhân vật lí tưởng trong tác phẩm của nhà văn. Còn gì “xê dịch” cùng người lái đò sông Đà với chiếc thuyền đuôi én phóng như bay trên mặt nước đầy hiểm nguy, dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một con sông vừa đẹp tuyệt vời và cực kì hung dữ. Tác giả gọi là “hung bạo và trữ tình”. Hung bạo vì sông Đà có bảy mươi ba cái thác mà rất nhiều thác dữ, ghềnh cũng không kém nguy hiểm như ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” gầm ghè suốt năm. Rồi bờ đá, vách dựng, có chỗ chỉ đúng ngọ mới có mặt trời. Lại có chẹt đá, con hổ con nai vọt từ bờ này sang bờ kia thật là kì lạ. Lại có những dòng xoáy hiểm trở, thuyền vào đó là chết tươi. Sông Đà “có diện mạo và tâm địa như một thứ kẻ thù số một” của con người, hung hãn, xảo quyệt, nham hiểm, độc ác... Sông Đà trữ tình là những đoạn xuôi mái chèo êm ả. Dòng sông như “một áng tóc trữ tình”. Mùa xuân, dòng sông xanh màu ngọc bích chứ không xanh màu xanh canh hến của dòng sông Gâm, sông Lô. Mùa thu, nước sông Đà lừ lừ chín đỏ... Phong cảnh sông Đà thật nên thơ. Cảnh ven sông lặng lờ, cây lá xanh tươi, hươu nai nhởn nhơ trên những đồi xanh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, trên dòng sông những con thuyền đuôi én độc đáo. Đã có lần nhà văn nhìn dòng sông Đà trữ tình như một cố nhân.
Người lái đò sông Đà tài hoa và dũng cảm trong cuộc thủy chiến với sóng, gió, đá, thác, ghềnh. Nguyễn Tuân đã bị người lao động sông Đà mê hoặc. Nhà vãn đã tung hết vôìi chữ nghĩa của mình để miêu tả hình ảnh người lái đò sông Đà đầy trí dũng chiến đấu với thác nước sông Đà hung hãn đầy mưu mô xảo quyệt. Tay ông lêu nghêu như cây sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, giọng ông ào ào, nhỡn giới ông vòi vọi. Nguyễn Tuân nhìn ông lão lái đò như một vị tướng đã nắm chắc được “binh pháp” của thần sông. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi đầu nguồn hiểm trở, ông thuộc hết cửa sinh cửa tử của sông.
Một nét phong cách khác của Nguyễn Tuân là thường quan sát, khám phá sự vật ở phương diện mĩ thuật và ở phương diện tài hoa nghệ sĩ (giã giò (chả lụa) cũng phải tới trình độ nghệ sĩ - nghệ sĩ giã giò 60 năm).
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà quả là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa. Từ trên tàu bay nhìn xuống sông Đà, không ai nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân núi kia lại chính là con sông Đà. Dòng sông “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo”. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích cổ xưa, thuyền trôi trên dải sông Đà bọt nước lênh đênh:
“Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”
(Tản Đà)
Còn ông lái đò sông Đà thì trở thành một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh, nắm chắc được “binh pháp của thần sông, thần đá, thuộc lòng các luồng sinh luồng tử của các con thác dữ”. Người lái đò còn tài hoa và dũng cảm hơn các tài xế ô tô. Con thuyền mà lao xuống thác thì chẳng có cái phanh nào cả, chỉ có lao đi chứ không lùi lại. Ngực, vú, bả vai của người lái đò chông sào ngược thác hay bầm lên một khoảng màu sẫm. Nó là vệt nghề nghiệp của ông, cán sào giữ lại đời đời cho người lái đò sông Đà “Huân chương lao động siêu hạng” (nói theo cách nói của Nguyễn Tuân).
Nguyễn Tuân còn là một cây bút rất mực tài hoa, lịch lãm. Nguyễn Tuân đã huy động cả nghệ thuật văn chương lẫn các hình thức nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, vũ đạo, điện ảnh và cả bóng đá nữa. Ông thường sử dụng nghệ thuật điện ảnh khiến cho văn ông trở nên hiện đại: “Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà, từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chểnh nhau tới một cột nước cao đến vài sải. Thế rồi thu ảnh. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược (...) lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vã tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem”. Nguyễn Tuân còn vận dụng cả nghệ thuật quân sự và võ thuật. Nào là cửa sinh cửa tử, đánh khuýp vu hồi, đánh du kích, phục kích, đánh giáp lá cà...
Tùy bút “Người lái đò sông Đà” đã biểu hiện rực rỡ phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Trên con đường “xê dịch”, gặp sông Đà và người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân như gặp những nhân vật lí tưởng. Sông Đà hùng tráng và trữ tình, người lao động sông Đà dũng cảm và nghệ sĩ. Bằng sự quan sát độc đáo, bằng những giác quan bén nhọn, bằng vốn chữ nghĩa vô cùng phong phú, Nguyễn Tuân đã sáng tạo áng tùy bút “Người lái đò sông Đà” - một kiệt tác trong Tùy bút “Sông Đà”.
Viết bình luận