Quê hương làng cảnh Việt Nam trong ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến là nhà thơ có học vấn uyên bác. Ông đã đỗ đầu ba kì thi: thi hương, thi hội, thi đình. Người đời thường gọi cụ là Tam Nguyên Yên Đổ. Làng Yên Đổ là quê hương của cụ, một làng ở vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam xưa. Chỉ có 13 năm ra làm quan, còn lại cuộc đời cụ gắn bó với quê hương làng mạc. Sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Khuyến cũng gắn bó một cách sâu sắc với hiện thực nóng thôn. Có thể nói thơ Nguyễn Khuyến là bức tranh toàn cảnh về nông thôn đồng bằng Bắc Bộ trước cách mạng. Nhà thơ Xuân Diệu phong cho cụ là: “Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Riêng chùm thơ về mùa thu: “Thu vịnh”, “Thu ẩm”, “Thu điếu” cũng thấy được những nét đặc sắc của quê hương làng cảnh Việt Nam.
Để thế hiện vẻ đẹp của quê hương, nhà thơ đã chọn mùa thu. Chùm thơ mùa thu ba bài của Nguyễn Khuyến là những kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác văn chương đồ sộ của ông, có thể gọi là “Tam thu” của Nguyễn Khuyên được không? Như người đời vẫn gọi “Tam biệt”, “Tam lại” của Đỗ Phủ. Có thể Đỗ Phủ đã gợi cho cụ Tam Nguyên lối viết chùm ba này chăng? Điều chắc chắn hơn là vẻ đẹp của mùa thu xứ Bắc đã quyến rũ tâm hồn thi nhân.
Không có mùa thu của xứ nào trên đất nước ta đẹp như mùa thu xứ Bắc. Mùa mưa vừa ngớt, không khí bắt đầu khô ráo, những ao chuôm sông hồ đầy nước như những mặt gương phản chiếu bầu trời xanh trong cao rộng, gió heo may hơi se lạnh, sắc lá đổi màu “trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh”, sắc y phục cũng đổi. Trái chín, nào là chuối trứng cuốc, hồng Xiêm, cam Xã Đoài, bưởi Đoan Hùng như một hòa sắc của những gam màu vàng. Má thiếu nữ ửng hồng (rất tiếc là trong thơ mùa thu của cụ Nguyễn Khuyên không thấy bóng dáng của màu sắc này). Mùa thu cũng là mùa câu. Ngồi trên ao thu say sưa với những cần câu trúc thường là các em nhỏ và các cụ già. Đêm thu, dưới trăng sáng, các cụ già ở thôn quê có thú uống rượu để thưởng trăng. Và đó cũng là nguồn thi hứng để Nguyễn Khuyến sáng tác ra những kiệt tác: Thu Vịnh (mùa thu làm thơ), Thu điếu (mùa thu câu cá), Thu ẩm (mùa thu uống rượu).
Tác giả có biệt tài chỉ bằng đôi nét chấm phá đã ghi lại được màu sắc và đường nét đặc trưng của mùa thu, của làng cảnh Việt Nam:
“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
Cần trúc la pha gió hắt hiu”
(Thu vịnh)
“Tầng mây la lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
(Thu điếu)
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”
(Thu ẩm)
Cả ba bài thơ đều có không gian cao rộng. Đúng là không gian của mùa thu xứ Bắc. Màu xanh ngắt được khắc họa đậm nét trong cả ba bài thơ. Tác giả còn pha thêm những sắc độ xanh của “nước biếc”, của “ngõ trúc”, của ao bèo, của lưng giậu để nổi bật lên một màu vàng của chiếc lá thu rơi:
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Đường nét trong cả ba bài thơ mùa thu đều thanh đạm, hợp với hồn quê, hồn người. Một cành trúc vắt qua bầu trời “xanh ngắt” là một vẻ đẹp hồn hậu tao nhã của làng quê:
“Cần trúc la pha gió hắt hiu”
Dường như cảnh cũng mang theo cái buồn lặng lẽ của nhà thơ. Dưới ánh trăng, cảnh làng quê trở nên huyền ảo:
“Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa đề mặc bóng trăng vào”
(Thu vịnh)
“Lưng giậu phất pha màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”
(Thu ẩm)
Hình ảnh cái ao không thể thiếu được trong cảnh làng quê’ xứ Bắc. Trong thơ Nguyễn Khuyến, ao thu như chiếc gương trong của làng quê phản chiếu cả trời mây cao xanh, cả sương khói nhạt nhòa, cả ánh trăng huyền ảo và tâm hồn tĩnh lặng của thi nhân.
Xuân Diệu đã bàn về nét đặc sắc của cảnh làng quê trong bài “Thu ẩm" như sau: “Bốn câu tha đứng liền nhau (2, 3, 4, 5) về làng cảnh rất hay, nó hay trong cái thực của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ chứ không đi đâu xa khác. Như là câu “Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” là của một thi sĩ có tài.
Bóng trăng vàng từ mặt nước ao sáng lóe ra, bốn chữ l khá nặng (làn, lóng, lánh, loe) gợi chất vàng nước kim loại, ba dấu sắc khứ thanh (lóng, lánh, bóng) gợi ánh bắn đi, từ “loe” với âm “oe” gợi cái gì tròn (tròn xoe) như cái ao chẳng hạn”.
Làng cảnh trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến tĩnh lặng, hơi hiu hắt, đượm buồn, nhưng lắng nghe ta cũng cảm nhận được âm thanh mùa thu. Trong bài “Thu vịnh” có một tiếng ngỗng kêu thảng thốt trên không trung:
“Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”
Nhà thơ bỗng mất ý niệm về không gian, đêm thu của làng quê bỗng trở nên tĩnh mịch. Trong bài “Thu điếu” cảnh vật đang chìm vào lặng lẽ, nhà thơ đang chìm vào suy tư thì bỗng có một tiếng động, tất nhiên phải rất tinh tế mới nghe được:
“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Một chút âm thanh “đớp động dưới chân bèo” ấy càng làm tăng lên cái im ắng của cảnh làng quê “khách vắng teo”.
Rõ ràng là tiếng thu trong thơ Nguyễn Khuyến khác xa với tiếng thu của các nhà thơ lãng mạn sau này:
“Lá thu rai xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
(Lưu Trọng Lư)
Làng cảnh trong chùm thơ mùa thu của Nguyễn Khuyên không thể tách rời khỏi tâm thế của thi nhân. Bài “Thu vịnh” là cảm hứng làm thơ trước mùa thu. Từng màu sắc, từng hình ảnh, từng âm thanh, đều nhuốm sắc tâm hồn của thi nhân. Và khi cất bút ghi lại thi hứng của mình thì nhà thơ lại cảm thấy “thẹn”:
“Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. ”
Kể ra thì Nguyễn Khuyến chẳng có gì phải thẹn với ông Đào cả. Nếu có thì một chút lừng khừng khi từ quan, không “quy khứ lai từ” quyết liệt như cụ Đào Tiềm. Trong sâu thẳm tâm hồn thi nhân, có thể là “thẹn” với quê hương xứ sở của mình. Ông đã góp gì cho sự đổi thay của ao tù này?
Bài thơ ‘Thu điếu” là hình ảnh của một vị đại nho thu hình lại cho hợp khung ao nhỏ hẹp với chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. Không phải là chờ thời mà là thi nhân muôn tan hòa vào làng cảnh xanh tươi của quê hương, tan hòa vào cuộc sống dân dã ở làng quê.
Bài “Thu ẩm” bộc lộ rõ hơn cả hình ảnh của thi nhân, tâm thế của thi nhân trước mùa thu. Nhà thơ nói chuyện uôìig rượu nhưng thực ra để đón thu, thưởng trăng thu và quên đi bao sự đời nhọc lòng. Nếu trong “Thu điếu” cái gì cũng nhỏ lại, thì trong “Thu ẩm" cảnh vật làng quê đều thấp xuống “thấp le té”. Mùa thu hiện ra dưới mắt của thi nhân đang say “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Hay là thi nhân say với mùa thu? Rõ ràng là cảnh sắc mùa thu của làng quê trong đêm trăng cùng với rượu đã tăng bút lực của thi nhân để có thêm được một bài thơ hay về mùa thu là “Thu ẩm”, và một câu thơ tuyệt bút như người sành thơ Xuân Diệu đã bình:
“Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”
Chùm thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến đã trở thành những tác phẩm bất hủ trong nền văn học nước nhà. Làng cảnh Việt Nam đã hiện lên trong thơ với những nét tươi sáng, thanh đạm, hồn hậu. Mỗi sắc màu, mỗi đường nét, mỗi hình ảnh đều thể hiện tâm hồn của thi nhân. Một nhà thơ yêu quê hương làng mạc đến say đắm và điều không kém phần quan trọng là nhà thơ đủ bút lực và tài hoa để ghi lại quê hương làng cảnh Việt Nam dưới màu sắc của mùa thu và vẻ đẹp của chính tâm hồn thi nhân.
Viết bình luận