Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc
Cuộc chia tay đầy lưu luyến nhớ thương giữa những người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu phản ánh trong bài thơ “Việt Bắc” như cuộc chia tay của một đôi bạn tình. Ta và mình đã sống với nhau mười lăm năm keo sơn gắn bó, giờ đây phải chia tay để đi làm nhiệm vụ mới. Bài thơ được kết cấu theo lối hát đối đáp dân tộc. Đoạn trích dưới đây là lời của người cán bộ kháng chiến nói lên nỗi thương nhớ của mình đối với Việt Bắc, với thiên nhiên tươi đẹp và với con người Việt Bắc tình nghĩa:
“... Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Mở đầu đoạn thơ, người cán bộ kháng chiến hỏi Việt Bắc có nhớ “ta” không và diễn tả nỗi nhớ của mình với Việt Bắc một cách khái quát:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
Điệp từ “Ta về” và “nhớ” tăng cường nhạc điệu êm ái hợp với tình cảm thương nhớ và nhấn mạnh tình cảm tha thiết giữa người đi kẻ ở. Trong nỗi nhớ của người ra về, ấn tượng sâu đậm nhất là “hoa” và “người”. “Hoa” là biểu tượng của thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp. Đặt “hoa” bên cạnh “người” làm tôn lên niềm yêu mến trân trọng của người về đối với nhân dân các dân tộc Việt Bắc tình nghĩa.
Đoạn thơ còn lại diễn tả nỗi nhớ dào dạt của người về xuôi đối với Việt Bắc. Nỗi nhớ hiện lên trong từng sắc màu, từng dáng vẻ, gợi hình ảnh của thiên nhiên và con người trong từng thời gian và không gian của Việt Bắc. Người ra về nhớ cả hình ảnh bốn mùa của Việt Bắc. Cũng là cái cớ để nhà thơ phác họa vẻ đẹp rực rỡ và thơ mộng của núi rừng và gợi hình ảnh của nhân dân Việt Bắc ân tình thủy chung.
Đây là mùa đông với màu xanh tha thiết lại đột ngột bùng lên màu “hoa chuối đỏ tươi” như ngọn lửa của rừng, ấm áp tin yêu:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Vẻ đẹp của màu sắc„ của hoa lá, của ánh sáng, của hương hoa hòa quyện với vẻ đẹp của con người.
Giữa “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” đã nổi bật lên hình ảnh người lao động miền núi:
“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Tố Hữu quan sát rất tinh. Người đi rừng bao giờ cũng có một con dao trần dắt lưng lấp lánh ánh sáng mặt trời. Hình ảnh “đèo cao nắng ánh”... ấy làm sao mà quên được?
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Bức tranh mùa xuân lại được chuyển sang gam màu lạnh. Ngày xuân, rừng núi phủ một màu trắng tinh khiết của hoa mơ. Động từ “nở” khiến cho màu sắc như đang vận động, màu trắng càng có sức ám ảnh đối với người đọc. Dưới ánh sáng của rừng mơ mùa xuân, hình ảnh cô gái lao động Việt Bắc hiện lên thanh mảnh, dịu dàng:
“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Mùa hè, âm thanh của tiếng ve là đặc trưng của rừng núi Việt Bắc:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng”
Tác giả đã sử dụng bút pháp ấn tượng. Tưởng chừng như tiếng “ve kêu” đậm đặc, rung chuyển cả cây rùng khiến cho lá “phách đổ vàng”. Ân tượng ấy mang lại nét lạ cho phong cách thơ Tố Hữu. Giữa cảnh rừng mùa hè, bất chợt gặp một cô gái “hái măng một mình”, phong cảnh thật là hữu tình.
Cảnh thu Việt Bắc lại được miêu tả về đêm với bầu trời cao rộng và mảnh trăng thu thanh bình.
‘Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Những đêm trăng thu nổi lên “tiếng hát ân tình thủy chung” như tạc vào trong dạ của người ra đi. Trong trí nhớ của họ, phong cảnh Việt Bắc đầy màu sắc như một cái nền để làm nổi bật hình ảnh người Việt Bắc đảm đang, tình nghĩa, thủy chung.
Như vậy là màu sắc, đường nét, âm thanh của rừng núi Việt Bắc được miêu tả trong sự vận động của thời gian, không gian. Mùa nào, cảnh rừng Việt Bắc cũng đẹp, cũng nên thơ đáng yêu, đáng nhớ. Có thể coi đấy là bộ tranh tứ bình đặc sắc của cảnh rừng Việt Bắc kháng chiến in đậm trong tâm trí của người về.
Đây là đoạn thơ đặc sắc trong bài thơ “Việt Bắc” nổi tiếng của Tố Hữu. Đoạn thơ đã diễn tả được tình cảm nhớ thương Việt Bắc sâu nặng của người cán bộ kháng chiến khi rời Việt Bắc để trở về Thủ đô Hà Nội. Ngôn ngữ uyển chuyển, ngọt ngào. Những từ “ta”, “mình” được nhà thơ sử dụng có ý nghĩa mới. Những từ vốn rất riêng được Tố Hữu dùng với nghĩa chung, khiến cho cái chung có sức rung động lạ thường. Nhạc điệu của câu thơ lục bát êm dịu, có sức ngân vang trong lòng người đọc như một khúc hát ru kỉ niệm. Điệp từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần với nhiều cấp độ khác nhau tăng cường nhạc điệu du dương của đoạn thơ và nhấn mạnh được nỗi lòng lưu luyến của tác giả với chiến khu, với cảnh, với người Việt Bắc. Đặc biệt hơn cả là trong tâm tưởng của người ra về in sâu hình ảnh sắc màu của bức tranh tứ bình tươi sáng, rực rỡ, thơ mộng. Đoạn thơ đã diễn tả được một khía cạnh sâu sắc của chủ đề bài thơ “Việt Bắc” là tình cảm thủy chung - thủy chung với cách mạng.
Viết bình luận