Phân tích bình giảng Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Cuối mùa đông năm ngoái Quý Sửu (1 - 1914), đang khi hoạt động ở Trung Quốc, Phan Bội Châu bị chính quyền Quảng Đông bắt hạ ngục, chờ ngày giao trả cho chính phủ Pháp. Kể từ khi xuất dương với tư cách đại biểu một đảng cách mạng (1905), đây là lần thứ nhất nhà chiến sĩ họ Phan rơi vào cảnh tù đày. Đêm đầu tiên trong ngục, Phan Bội Châu ứng tác một bài thơ chữ Hán để an ủi người đồng chí cùng bị bắt, bị giam chung xà lim với ông, và “tự an ủi mình bằng một bài thơ Nôm” sau gọi là Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.
Bài thơ thất ngôn bát cú rất tề chỉnh về niêm luật này đã dồn nén trong khuôn khổ hạn hẹp của nó bao tâm sự của một nhà yêu nước vĩ đại. Vừa bước chân vào chốn lao tù, còn chưa biết sống chết ra sao với cái án tử hình lơ lửng trên đầu Phan Bội Châu vẫn làm thơ, ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vách:
vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù...
Thân trong xiềng xích, mạng sống như treo trên đầu sợi tóc, cớ sao người tù này không than van về nỗi đọa đày tù ngục mà lại ung dung tuyên bố:
vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu?
Phải chăng mà nhà chí sĩ họ Phan vừa muốn xác định cho mình, vừa muốn khẳng định với đời cái tư thế trước sau như một: sống ở ngoài đời đã là người anh hùng mưu đồ nghiệp lớn, khi lâm cảnh tù đày vẫn là bậc hào kiệt không chịu cúi mình. Điệp từ vẫn... vẫn như muốn nhấn mạnh, tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát. Ông Giải San hào hoa phong nhã, hay chữ nổi tiếng xứ Nghệ khi xưa, nay tuy phải vào tù, vẫn nguyên vẹn là một trang phong lưu tài tử.
Với Phan Bội Châu, ở tù đâu phải là thế sa cơ bị động của kẻ anh hùng, mà chính người hào kiệt này đã chủ động dừng chân tạm nghỉ, trên bước đường bôn tẩu dài lâu của mình: Chạy mỏi chân thì hãy ở tù. Ẩn sau câu thơ là tinh thần lạc quan của người chiến sĩ kiên trì lí tưởng đến cùng, đồng thời cũng thấp thoáng nụ cười hài hước của một nhà nho có truyền thống tự hào từ thời Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Sau này, trong thơ tù của các chiến sĩ cộng sản, ta cũng thường bắt gặp những tứ thơ tương tự: Nói cho vui của Hồ Chí Minh hay Trong nhà tù của Xuân Thủy là những bài thơ tự trào rất hóm hỉnh về cảnh ở tù:
Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Binh lính thay phiên để hộ tùng.
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cùng hào hùng.
Nói cho vui - (Nhật kí trong tù)
Đời ta nghĩ cũng lạ đời.
Làm chi hôm sớm có người chăm lo;
Mùa đông sẵn có “hỏa lò”,
Mùa hè "nhà đá” tha hồ nghỉ ngơi.
Đi đâu có Pháp đi bồi.
Ở đâu có lính gác ngoài mái hiên...
(Trong nhà tù)
Biến thế bị động thành chủ động, biến thất bại tạm thời thành thắng lợi tuyệt đối về mặt tinh thần bằng cách “hài hước hóa” hoàn cảnh, có lẽ đó chính là biện pháp tư tưởng để những con người đầy bản lĩnh đương đầu với tình thế ngặt nghèo. Bởi sẵn có trong mình những vũ khí tinh thần như vậy, Phan Bội Châu mới có thể bình tĩnh, ung dung trước cảnh ngộ:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Hai câu thực có tính chất tự bạch này tuy trình bày hoàn cảnh dường như vô cùng bi đát của kẻ tử tù, song so với hai câu đề, khẩu khí nhà thơ cũng không kém phần ngang tàng ngạo nghễ: “không nhà” ở đây là không kể trong bốn bể và “có tội” là có tội tính giữa năm châu. Cách dùng đại ngôn bốn biển, năm châu của nhà thơ khiến người đọc hình dung phạm vi vẫy vùng của bậc đại trượng phu này, rõ ràng, không chỉ giới hạn trong biên giới nhỏ hẹp của một quốc gia mà đã vươn rất xa ngoài bờ cõi. Quả thật, vào thời điểm này cùa lịch sử, tiếng vang về những hoạt động cách mạng của nhà yêu nước họ Phan cũng như sự kiện ông bị kết án rồi bị bắt đã lan rộng cả trong và ngoài nước.
Xưa nay, theo quan niệm thông thường, các bậc anh hùng cái thế vẫn coi bốn bể là nhà, nhưng ở đây Phan Bội Châu lại cảm khái thốt lên: Đã khách không nhà trong bốn biển! Dường như là hai câu thực này không chỉ tả thực mà còn trĩu nặng một nỗi niềm sâu kín của nhà thơ. Trong tâm tư của người chiến sĩ bôn ba hoạt động, chịu đựng sự truy lùng săn đuổi ráo riết của kẻ thù thì cảnh ngộ của người dân nô lệ mất nước, đi đâu cũng mang nỗi hổ vong quốc nô có khác chi cảnh ngộ khách không nhà!. “Nhà” ở đây không còn nghĩa là một mái ấm gia đình, đất nước. Và, câu thơ sau, gắn với câu trước rất chặt thành một cặp đối hoàn chỉnh:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Cũng không thể chỉ hiểu theo nghĩa đen của nó. Cái “tội” Phan Bội Châu nhắc đến ở đây có lẽ phải hiểu rằng: người tù vĩ đại này tự cảm thấy mình có “tội” với non sông đất nước vì giữa đường đứt gánh, sứ mạng chưa tròn... chứ không phải là tội danh “phản quốc” mà thực dân Pháp đã gán cho ông.
Rất tự hào, rất tin tưởng ở con đường mình đi, mục đích mà mình theo đuổi, nhưng lại vô cùng đau đớn vì sự nghiệp chưa thành, tâm sự đó của Phan Bội Châu đã thấm vào thơ, khiến cho giọng thơ của ông vừa hào hùng, vừa bi thiết.
Khi dấn thân vào con đường cứu nước, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã sẵn sàng chấp nhận cuộc sống gian khổ, hiểm nguy, thậm chí cả tù đày, chết chóc. Vì thế, thơ cảm tác trong tù của người cách mạng này không nhuốm giọng bi quan mà đầy vẻ ung dung, tự tại. Nếu như ờ đoạn đầu của bài thơ ta đã thấy sừng sững tư thế hiên ngang của một bậc trượng phu không chịu đầu hàng hoàn cảnh, thì ở đoạn cuối bài, ý chí, khát vọng, bản lĩnh của người hào kiệt càng bộc lộ hơn. Sau các từ “đã”, “lại” có phần nặng nề mở đầu câu thực, âm điệu bài thơ tưởng chừng chùng xuống nhưng đến hai câu luận, giọng thơ lại cất lên sảng khoái, hào hùng.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Dường như sau những suy ngẫm ưu tư, người tù đã lấy lại được tinh thần lạc quan vốn có, lại đau đáu hướng về sự nghiệp. Tầm vóc của người anh hùng ở đây vụt trở nên lớn lao, bao trùm hết thảy; Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế. Quên đi cảnh ngộ tối tăm chốn ngục tù, người anh hùng lại trở về với giấc mộng kinh bang tế thế của mình. Vượt lên trên cái chết, tâm hồn của người tù thi sĩ luôn hướng về cuộc sống, bay bổng với ước mơ: Mở miệng cười tan cuộc oán thù. Hãy khoan bàn đến hạn chế trong quan điểm đường lối cách mạng của nhà thi sĩ họ Phan, chỉ xét riêng cảnh ngộ của người tử tụ này, giấc mộng ấy, khát vọng ấy thật đáng cảm phục.
Có thê nói, trong cả bài thơ, đây là hai câu hào hùng, sảng khoái nhất. Tâm trạng và tư thế vững vàng cúa người chiến sĩ giữa chốn “lao lung” đã được xác định từ một “đức tin”:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
Giọng thơ hạ xuống thật trầm tĩnh ở cuối bài. Đọc câu thơ của Phan Bội Châu, ta như bắt gặp triết lí giản đơn mà sâu sắc của dân gian: Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Còn người là còn tất cả! Đó là niềm tin khiến con người mạnh hơn cái chết. Hai câu thơ cuối vừa là kết luận, khép lại ý của bài thơ, vừa như mở ra cho thấy xuất phát tư tưởng của toàn bài. Chính vì niềm tin còn sự nghiệp mà người anh hùng bất chấp bao nhiêu nguy hiểm, bước chân vào tù vẫn giữ tư thế của hào kiệt, phong lưu, vẫn mơ ước có ngày Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Khác với cách nói có phần cường điệu, khoa trương ở những câu trên, hai câu cuối bài thơ ý tứ thật đơn giản rõ ràng, nhưng để đi đến một triết lí giản dị như vậy, Phan Bội Châu đã trải qua một cuộc đời cách mạng đầy gian khổ, có khi phải đổi bằng máu và nước mắt.
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là bài thơ được sáng tác trong tù ngục nhưng âm điệu của nó thật hào hùng. Tính ước lệ của hình tượng thơ và ngôn từ có màu sắc cổ điển ở đây lại thích hợp với việc phô diễn chí khí của bậc đại trượng phu, hào kiệt - Phan Bội Châu. Tuy ra đời cách đây gần một thế kỉ, bài thơ như vẫn còn truyền lại sức nóng trong bầu huyết của nhà yêu nước vĩ đại tự thuở nào.
Viết bình luận