Gánh nặng mặc cảm trong đời sống và đời viết của Nam Cao

Đã mang mặc cảm vào thân là sống khổ rồi! Những mặc cảm ấy không thôi hành hạ, quấy nhiễu ta. Nhất là khi ta đối diện với một đám đông nào đó, mà trong đám đông ấy người ta cứ đường đường ăn nói như không, bả lả, bồ bã, hiên ngang như những người vai vế, thành đạt thì ... ôi thôi, lúc ấy mặt ta cứ chường ra, da mặt cứ “cồm cộm”, toàn thân nóng hập, mồ hôi rịn ra khắp cả Ta cảm thấy mình lép vế biết chừng nào. Ta bỗng xo ro ít nói, lấy im lặng làm thúc thủ. Người lành tâm bảo: tay ấy hiền. Người độc bụng bao: đích thị là thằng kiêu ngạo ... Tóm lại, người ta báo ta là “Cái mặt không chơi được, kể cũng đáng kiếp! ...”

Bên mộ nhà văn Nam Cao

Cái người ấy là ông Nam Cao - ông giáo khổ trường tư kiêm nhà văn quèn thuở ấy. Đời sống và đời viết và của ông bị hai mặc cảm hành hạ cho đến lúc chết: sống chưa được tốt với xung quanh và viết không ra gì. Nam Cao luôn bị hành hạ bởi những ý nghĩ không đâu hay như có vẻ là không đâu vậy. Này nhé, thấy có đứa học sinh nghỉ học anh liền nghĩ ngay là mình dạy không ra gì nên chúng chán mà bỏ học; thu tiền mua mực cho học sinh lại sợ chúng nghĩ là mình phết phẩy, kiếm chác đôi đồng, mua nhà của người ta lại thấy mình khốn nạn vì người chủ căn nhà ấy bán nhà chỉ vì đánh bạc vỡ nợ, về nhà với vợ sợ nhất là có người bà con hàng xóm hỏi vay tiền - không có cho thì lại e người ta bảo là thằng hẹp bụng, mà cho thì chả lẽ lại để vợ con nhịn đói ư? Nhưng mà không thể cho vay được, vì đứa con đang sài đẹn cần có ngay thuốc uống ... Thế là ông giáo thấy mình đáng khinh quá. Người ta khổ lắm mới ngửa tay vay mình, mình có đấy mà không dám cho vay. Đáng khinh bỉ nhất là cái đận nghe tin ông bạn ốm sắp chết, anh giáo thoáng một nỗi vui thầm kín vì có thể mình được thế chân làm hiệu trưởng. Thế rồi anh giáo cứ tự xỉ vả, nguyền rủa mình, vật vã khóc thương cho tâm hồn của mình đang chết, chết trong khi còn đang sống ... Cái anh giáo kiêm nhà văn ấy đối với vợ con nhiều lúc cũng chẳng ra gì, tự thấy mình là kẻ ăn bám vợ, đánh rủa con. Thế thì là gì, rõ ra là cái thằng khốn nạn rồi. Có hơn gì một kẻ vô học, vũ phu, hơn gì một thằng nát rượu, thô lậu ở đời. Mà cứ hẳn là hạng người ấy thì chẳng ai thèm chấp, đằng này anh ta là kẻ chẳng ít thì nhiều đã mang danh là người có học. Tiêu hoang tuổi thanh xuân của mình cho việc mài mòn đũng quần ở lớp, xài phí tiền của bà, của bố mẹ mấy năm trời trên tỉnh để ra ngoài như thế à? ... Anh đã đóng một vai tồi tệ, xôc xệch, nhếch nhác trong tư cách một người con, một ông bố, một người chồng, một người bạn, người thày giáo. Tóm lại, anh là hạng người bỏ đi, loại người hỏng hẳn ...

Cơ may, hằng đêm không tài nào ngủ được, vật mình trên chiếc giường mọt mà trăn trở, lêu bêu trên đường phố mà nghĩ ngợi, mà tự khinh bỉ mình, mà tìm ra phương cách gội tẩy cái dòng sông tinh thần ngầu vẩn của cái thằng mình, mà đặng sống cho “gần người hơn” ... cứ thể đã cứu thoát anh. Anh vẫn có quyền ngẩng mặt mà nhìn đời, sống trụ với đời, mặc dù đời không đáng sống, không bõ sống, nhưng không dám chết ...

Thế nhưng khốn nạn thay, run rủi trời đất nào lại xui anh ta cầm bút. Cái ngày thò bút tập tọng viết những vần thơ tình mạt hạng lần đầu tiên ấy đã báo hiệu cái nghiệp chướng không tránh khỏi: viết văn. Lúc đầu anh làm thơ. Thơ dở như dưa khú. Thế là anh xoay sang viết truyện. Liệu có nên cơm cháo gì không? Viết gì bây giờ? Xung quanh anh đã có bao nhiêu lão tướng tung hoành trên trường văn trận bút rồi. Bao nhiêu là chuyện tình sướt mướt, chuyện chàng nàng véo von réo rắt, chuyện các cô tân thời tự tử yên hồ, chuyện dở mếu dở cười của anh đào kép, chuyện gái điếm, phu xe, chuyện nông dân sưu thuế, cả chuyện anh hề giữa làng thị dân trưởng giả ... thôi thì đủ ca nhan nhản trên các sách đủ loại rồi. Viết gì bây giờ? Chi băng cứ lấy chuyện mình ra mà viết xem sao! Anh bèn phơi trần cái bể suy tư suy cảm, cái cách sống cách nghĩ của chính mình hàng ngày lên mặt giấy. Toàn là “nhưng truyện không muốn viết” cả. Thì đấy, chuyện say rượu tát vợ, mộng vĩ cuồng mơ giải Nôben, chuyện nhiêu khê, tấm mẳn, vụn mủn, nhom nhem của hàng ngày ... Anh quăng lên, đánh bài ngửa cái thằng chữ. Viết hết, viết cạn kiệt. Viết xong lại “đọc, nghiền ngẫm, tìm tòi, nhận xét và suy tướng"’, rồi lại tẩy xóa, thêm bớt ... Cứ thế, các trang văn quằn quại ra đời. Có tiếng nấc, tiếng khóc, tiếng vật mình, tiếng chửi thầm thiên hạ và chửi cả chính mình. Tất thảy cứ ngổn ngang, bời bời trên trang viết. Anh viết như một sự hành xác, như cứu rỗi, như xua đuổi tà ma trong chính hồn mình. Viết đến nghẹt thở.

Thế nhưng, như một thói thường, viết xong đưa đi nhà in rồi là bắt đầu sốt ruột, lâu lâu lại ra nhà dây thép xem có măng-đa gửi về không, nếu biết đích xác truyện không được in lại cho rằng bọn biên tập dốt nát không đánh giá đúng tầm cỡ truyện. Và vẫn như thói thường, tác phẩm được in rồi, đọc lại bỗng thấy tầm thường quá, lẽ ra phải khác, phải hơn thế. Anh bỗng đỏ mặt. Lỡ trên đường về gặp tay văn sĩ nào thì bỏ bố! Vừa phải chiêu đãi lại vừa bị chúng khinh cho; “Văn nhân tương khinh” mà. Nếu ai hỏi đến, hoặc giả có ai chúc tụng, anh sẽ ậm ừ cho qua chuyện, rồi nói lảng sang chuyện thời tiết, chuyện Đức quốc xã với ông Xtalin là êm ... Anh lầm lũi mau chân bước về làng. Về làng thôi, yên thân. Chả ai biết anh viết truyện, về với làng, kẻ giàu người hèn, trẻ con người lớn hễ cứ gặp là chào ran “ông giáo ạ!”, thế là mừng rồi. Dân quê bới đất lật cỏ nứt toác cả chân tay biết gì đến văn với vẻ. Còn bọn trọc phú chó má kia càng không. Chúng mải tranh thủ cướp miếng ăn của kẻ dưới và tranh thủ “cho nhau ăn bùn” với những kẻ có máu mặt trong làng không cùng phe cánh. Chúng không biết đến văn chương. Và thực ra là chúng không cần, không thèm biết đến.

Anh giở mấy cái -bánh tây cho bà, cho con mỗi người một cái, rồi đưa cho vợ mấy gói thuốc sài đẹn, phòng khi con trái gió trở trời. Anh thẹn thò đưa cho vợ mấy đồng. Mắt vợ ánh lên một niềm vui tội nghiệp. Anh biết, ngay sau đấy vợ chạy đi đong gạo cùng mớ tép để gọi là làm bữa tươi đón chồng. Hình như nhà đã ăn cháo mấy bữa nay ...

Có nhiều người viết văn rất sướng. Họ chơi với văn chương hơn là trói mình, đánh cược cuộc đời mình vào văn nghiệp. Họ viết như một niềm hoan lạc. Viết xong thấy mình hay như vợ người khác, đọc đi đọc lại chìm đám trong niềm VUI tự thưởng. Ấy là khi họ đang say mê chính bản thân mình. Anh là nhà giáo kiêm nhà văn quèn Nam Cao không có được cái thảnh thơi như thế. Anh viết văn như một người gánh nặng. Một mình anh đào bới, xúc, chất từ vỉa đời lên đôi quang của lòng mình bao nhiêu chữ nghĩa lấm láp hăng nồng rồi lậc lè gánh đi rao bán giừa chợ văn chương. Vừa gánh đi vừa lo hàng mình ê ẩm, lo có người chê, vì anh cũng tự thấy là hàng mình là chưa đẹp. Vâng, vẫn phải ĐẸP, lòng vẫn hằng canh cánh một niềm mong như thế. Nhưng biết làm sao được, văn tài giỏi cho có đến vậy thôi. Hoặc giả có ai khen, ấy chết, có gì đâu, anh cứ nói thế chứ ... Nam Cao thẹn đỏ lưng cả mặt lên và ... sau đấy là thoáng một chút nghi ngờ.

Bởi gánh quá nặng nên ... như một định mệnh, anh đã gục ngã trên hành trình của một chuyến gánh gồng sau chót. Lẽ ra sau lần ấy, một quyển sách lớn về cái làng Đại Hoàng của anh sẽ được hoàn thành.

Thăm làng Vũ Đại

Dính vào văn chương là tự buộc thân mình vào cái chốn bạc bẽo nhất. Thiên hạ tự cổ chí kim đều thế. Nam Cao biết thế. Nhưng làm cái anh chồng mà không nuôi nôi vợ con là đáng khinh lắm. Không có tài làm giàu. Chả lẽ cứ sống như một kẻ bỏ đi. Thôi thì lấy văn chương làm cứu cánh. Viết về đời mà như một kẻ trốn đời, ngồi lì bên bàn viết, độc lực, cô độc. Anh dùng con chữ nhằm kí thác và khai phóng tâm hồn, tư tưởng mình. Chữ nghĩa văn chương trôi nổi biết có nghía lí gì không và được mấy hả, biết thế nào mà nói trước. Thôi thì cứ hãy biết đây, thiết thực, ích dụng - với mấy đồng nhuận bút còn gọi là thêm vào với vợ con, dù ít nhưng nó vần hơn không. Phải nghĩ đến chuyện “có gì đổ vào mồm không đã”, và cố gắng sống như một người tử tế đã. Anh viết để có cái mà sống và sống cho ra người tử tế ... Cả cuộc đời Nam Cao là một cuộc tranh đấu cật lực để đẩy lùi được chừng nào hay chừng ấy hai mặc cảm u ám đã làm tình làm tội anh: sống chưa được tốt và viết còn tồi. còn tẻ.

Làm gì phải mặc cảm, hãy đàng hoàng như một con người, như mọi con người – sẽ có người bảo thẳng vào mặt anh như vậy. Nhưng hời ơi, cái tạng người ta nó thế rồi, tránh không được, gột bỏ cũng không được. Đeo đảng gánh nặng của hai mặc cảm ấy, Nam Cao đã để lại những ánh văn nóng hực của một nhân cách và một tài năng lớn. Mong sao ai cũng biết mặc cảm như thế cho thiên hạ được nhờ! ...

Viết bình luận