Một bạn học sinh cho rằng: Học sinh ở lứa tuổi THPT mà đã yêu đương là bỏng bột, sai lầm. Bạn khác lại khẳng định: Không có qui định tuổi cho tình yêu, từ chối tình yêu. Ở tuổi trăng tròn chưa yêu là uổng phí. Hãy trình bày ý kiến của anh (chị)

BÀI LÀM

... Để có một “tình yêu” tuổi học trò đẹp theo đúng nghĩa của nó, bạn cần phải xác định rõ tình cảm của mình. Không hiếm những bạn nhầm lẫn cảm giác “thích” một tính cách, một nét riêng của người khác giới là tình yêu. Đó là một “tình yêu” ngộ nhận. Còn có những bạn tự coi mình là tín đồ trung thành của tình yêu, họ làm tất cả cho người mình yêu những điều họ cho là cần thiết và giúp họ lấy điểm nhưng không biết rằng người họ cung phụng như thần thánh ấy có lúc cảm thấy sợ hãi chính “tình yêu” mà họ được “dâng tặng”. Hay có những tình yêu mù quáng, đâm đầu vào yêu mà các cô cậu học trò sa vào những vũng bùn của cuộc đời... Khi con tim bạn đập mạnh tức là tình cảm đang gõ cửa trái tim bạn. Bạn không nên lảng tránh tình cảm của mình, nhưng đó phải thực sự là tình cảm. Bạn tìm cách lảng tránh tình cảm thì bạn sẽ mất thời gian, tâm tư bị hao tổn, suy nghĩ khó chịu.... Việc này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn việc bạn biết điều phôi tình cảm đó một cách hợp lí, bởi lẽ một tình yêu đẹp sẽ nảy chồi từ một tình cảm đẹp.

tinh yeu hoc tro

Cũng không phải vô lí khi mà có người cho rằng tình yêu học trò là sự bồng bột, sai lầm. Ban đầu, có khi chỉ là việc phân ghép, trêu đùa của các bạn cùng lứa tuổi, sau đó thì các bạn ngộ nhận đó là tình yêu rồi tìm đến với nhau. Phần lớn tình yêu tuổi học trò phát triển đồng nghĩa với việc đi xuống của bảng thành tích học tập, xao nhãng công việc của lớp, gia đình. Rồi trong những buổi gặp gỡ tại các kì vui chơi, bữa tiệc sinh nhật... đã khiến họ có những hành động thiếu suy nghĩ, đi quá giới hạn cho phép. Hay do những tác động khác của ngoại cảnh như ảnh hưởng của thói hư tật xấu ngoài xã hội, ảnh hưởng phim ảnh đồi truy hoặc cuộc sống gia đình trắc trở đã tác động đến các bạn trẻ khiến họ lún sâu hơn trong tình cảm, tình yêu và để lại những hậu quả xấu khó lường. Những vị phụ huynh thì ngại nói với con cái về các vấn đề nhạy cảm như tình yêu hay sức khoẻ sinh sản vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy” làm cho con cái không có những hiểu biết cần thiết để thoát khỏi những cám dỗ nhất thời, hậu quả là không ít các bạn trẻ đã trở thành những ông bố bà mẹ bất đắc dĩ, thậm chí suy sụp tinh thần khi tình yêu tan vỡ.

Một mặt tiêu cực khác của vấn đề là đây đó đã xuất hiện kiểu “tình yêu” nhuốm màu sắc của đồng tiền hoặc chỉ là sự thèm muốn thú tính. Nhiều bạn yêu chỉ vì muốn chứng tỏ sức hấp dẫn của mình với những người khác giới, những người “thay người yêu như thay áo” đơn giản để chứng minh mình sành điệu đi cùng “thời đại”, yêu nhau để thoả mãn thú vui xác thịt, hay cá biệt có những trựờng hợp rủ rê lôi kéo bạn gái qua in-tơ-nét để buôn bán người... Đến lúc các bạn gái nhận ra thì đã quá muộn để làm lại cuộc đời. Nỗi đau đớn, tủi hổ sẽ trở thành những vết thương đầu đời khó mà lên sẹo. Khi yêu, không ít những bạn trai thường đòi bạn gái phải “chiều” để chứng tỏ tình yêu. Các bạn gái hãy tỉnh táo nói không trong những tình huống này để mãi giữ nét đẹp tuổi học trò.

tình yêu học trò

Tình yêu luôn đẹp, tình yêu học trò còn đẹp hơn. Chỉ có điều là bạn có biết cách làm cho nó đẹp hay không mà thôi. Hãy làm cho nó bay bổng, dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng không nhạt nhẽo, khô khan. Làm mới tình yêu bằng cách “thích” một phần của nó thay vì “yêu” toàn bộ. Lứa tuổi học trò là lứa tuổi đáng yêu, dễ thương, nhưng đừng có yêu bừa yêu bậy “khỏi phí tuổi học trò”, làm ảnh hưởng đến chuyện học và nhiều chuyện khác, cũng đừng để sau này phải hôi hận vì nó. Tình yêu học trò rất đẹp và lãng mạn, phải biết cách làm cho nó thêm đẹp và làm cho bạn thêm hạnh phúc vì nó. Đừng làm hỏng chỉ vì những sai lầm không đáng có. Tình yêu đẹp hay không, tuỳ thuộc vào sự chân thành của bạn.
Tôi và các bạn hãy hiểu rằng dù nên hay không thì tình yêu tuổi học trò là chuyện có thật, như một biểu hiện của sự trưởng thành tâm sinh lí, trong sự quan tâm đến bạn khác giới. Hãy tin rằng những xúc động giới tính ập đến, rồi qua đi, bạn hoàn toàn có thể làm chủ nó. Đừng tin những điều “thổi phồng” vì cuộc sống không phải chỉ toàn là cảm xúc, còn nhiều điều khác phải học hỏi, vì bạn cần dành thời gian cho học hành, gây dựng sự nghiệp để tạo lập cho mình một tương lai sáng sủa. Bạn có thể yêu ở tuổi học trò, nhưng bạn phải biết những giới hạn của học trò: rất hồn nhiên và cảm tính, cũng như không được quên những nhiệm vụ của mình khi ở lớp cũng như lúc ở nhà. Bạn cũng không nên đánh mất những quan hệ, những tình cảm khác tình yêu.

Câu hỏi nên hay không nên yêu ở tuổi học trò sẽ được giải quyết bằng sự hiểu biết về cuộc sống và bằng chính tâm hồn bạn...

Viết bình luận