Hãy trình bày những hiểu biết và cảm xúc của em về hình tượng nhân vật ông già Bơ-men trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mỹ O.Hen-ri

Nhà văn Mỹ O.Hen-ri sinh năm 1862 mất năm 1910. Ông là một nhà văn nghèo, sống lang thang nhiều nơi, có bị giam giữ trong tù ba năm. Từ năm 1901 ông đến thành phố Ni-oóc và chuyên viết văn. Tác phẩm của ông phần lớn là truyện ngắn. Nhân vật Bơ-men trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của ông đã làm em yêu mến và cảm phục, Bơ-men là một hình tượng đẹp về lòng nhân hậu.

Ai đã đọc tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của Hen-ri đều thấy rõ một phần nào cuộc sống nước Mỹ vào đầu thế kỷ XX. Ở một khu nhỏ của thành phố Niu-oóc có nhiều nghệ sĩ nghèo: Xiu. Giôn-xi, Bơ-men. Họ sống trong những căn phòng nhỏ bé, tối tăm kiểu Hà Lan. Họ nghèo túng, cô đơn và vật chất họ thiếu thốn nhưng họ có tấm lòng yêu thương trong sáng và mãnh liệt. Bệnh viêm phổi đã giết chết nhiều người Mỹ ở khu đó trong đó có ông già Bơ-men.

Chiếc lá cuối cùng

Ông già Bơ-men, một họa sĩ tốt bụng phải sống một cuộc sống đơn độc của mình. Ông cô đơn, ốm đau không ai chăm sóc. Ông nghèo túng phải đi làm mẫu cho các họa sĩ khác kiếm chút tiền nhỏ mọn để sống vì các họa sĩ trẻ không đủ tiền thuê người mẫu khác được.

“Bơ-men sống trong hang tối tờ mờ của ông ở tầng dưới, người nồng nặc mùi đỗ tùng”. Ông sống trong cô đơn một mình trong tuổi già và khi đau không ai chăm sóc: “Bác Bơ-men đã mất ở bệnh viện vì viêm phổi. Bác ấy ốm mới có hai ngày. Sáng hôm đầu tiên, người gác cổng đã tìm thấy Bơ-men tại phòng riêng ở tầng dưới đau đớn chẳng ai chăm sóc, giày và quần áo ướt sũng lạnh như băng”.

Bác Bơ-men là người đáng thương.

Bác họa sĩ già ấy còn có một niềm khao khát, một hi vọng lớn lao là đóng góp cho đời một bức tranh nổi tiếng mặc dù cuộc đời họa sĩ của bác chưa vẽ được bức tranh nào đặc sắc:

"Bơ-men là một kẻ thất bại trong nghệ thuật. Bốn mươi năm trời, ông chưa bút chạm tới đường viền chiếc áo của nàng nghệ thuật mà ông thờ phụng. Lúc nào ông cũng định vẽ một kiệt tác”.

Trong bốn mươi năm ấy, ông chờ đợi. Chiếc khung vải căng thẳng trên giá vẽ luôn luôn chờ đợi nét vẽ đầu tiên của kiệt tác. Điều ấy nói lên ý chí mạnh mẽ của ông, quyết tâm và mong ước lớn lao của ông. Cuối cùng bức họa ấy ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: giữa đêm mưa tuyết dưới ánh đèn bão, trên bức tường và họa sĩ đứng trên chiếc thanh với xô đựng màu vẽ, ông vẽ một chiếc lá, ông vẽ chiếc lá. Ông vẽ chiếc lá ấy để xua tan cái ngu ngốc trong đầu cô bé Giôn-xi bị viêm phổi; sức khỏe mười phần còn một. Cô cứ cho rằng “khi chiếc lá cuối cùng lìa cành thì em chắc chắn cũng sẽ lìa đời" Cô nói với Xiu, người bạn gái đã nói điều đó với Bơ-men.

Bơ-men, ông có hành động đẹp đẽ và cao thượng. Hành động của ông thật đáng cảm phục. Bức họa ông rất thật, ông có tài năng thể hiện, làm tâm hồn người thưởng thức biến đổi tốt dẹp lên và còn đóng góp mãi mãi cho đời sau.

“Đó là kiệt tác của Bơ-men. Bác ấy đã vẽ nó ở đây đúng cái đêm chiếc lá cuối cùng lìa cành”.

Em rất yêu thương bác Bơ-men và nghệ sĩ nghèo ở nước Mỹ. Bác Bơ-men thật là một người có tình cảm tha thiết thương yêu các nghệ sĩ. Bác là một nghệ sĩ có năng lực và đã thực hiện được niềm khao khát: vẽ được một kiệt tác.

Em rất quý trọng và khâm phục bác Bơ-men. Bác là con người có tài nàng, là người họa sĩ giỏi. Bác đã vẽ lên một kiệt tác giống hệt đến nỗi các họa sĩ còn phải nhầm.

Chiếc lá cuối cùng 2

Chúng ta cũng trân trọng tác giả O.Hen-ri. Tác giả cho chúng ta biết về nước Mỹ, về những tác phẩm của nhà văn Mỹ nổi tiếng. Tác giả đã giúp chúng ta hiểu biết những người như Bơ-men, các nghệ sĩ nghèo mà lòng giàu thương yêu.

Bài học để lại cho em ấn tượng tốt đẹp về bác Bơ-men, hình tượng về các nghệ sĩ nghèo. Tác phẩm của nhà văn O.Hen-ri rất sâu sắc. Em kính phục ngòi bút của ông. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng ghi sâu ấn tượng tốt đẹp vào trong lòng em. Em thấy bồi hồi xúc động và trân trọng tác phẩm này.

Viết bình luận