Khổng Tử nói: Kẻ tay không bắt cọp...thì ta không dùng. Ta dùng người vào việc mà biết thận trọng, biết mưu tính để thành công. Hãy bình luận

1. Tìm hiểu đề

Đề bài yêu cầu bình luận câu nói của Khổng Tử: “Kẻ tay không bắt cọp... biết mưu tính để thành công”. Đây là câu nói thể hiện cách dùng và tiêu chuẩn dùng người của Khổng Tử, cũng là yêu cầu đặt ra đối với con người mà đạt được yêu cầu ấy mỗi người mới có thể giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Để có thể bàn luận, đánh giá về quan niệm của Khổng Tử, HS trước hết cần xác định rõ bản chất, nội dung cụ thể của câu nói bằng cách cắt nghĩa những cụm từ hình ảnh được sử dụng. Trên cơ sở đó, HS cần lí giải vấn đề đặt ra trong câu nói này theo cách trả lời câu hỏi vì sao không dùng người “tay không bắt cọp, chân không lội qua sông lớn mà không biết tiếc thân”, vì sao dùng người “vào việc mà biết thận trọng, biết mưu tính để thành công”. Lí giải một cách rõ ràng thấu đáo, HS mới có cơ sở để đánh giá chính xác ý nghĩa, giá trị quan niệm của Khổng Tử.

Khổng-Tử-dạy-5-điều-xấu-trên-thế-gian-giờ-ai-cũng-từng-làm

2. Dàn ý sơ lược

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề và trích dẫn câu nói của Khổng Tử.

Thân bài:

1. Cắt nghĩa câu nói:

    - Cắt nghĩa từ ngữ, hình ảnh: “cọp”, “sông lớn”, “tay không”, “chân không”, “không biết tiếc thân”, “vào việc mà biết thận trọng, biết mưu tính để thành công”.

    - Khái quát ý nghĩa câu nói.

2. Lí gỉảỉ:

    - Vì sao không dùng người “tay không bắt cọp, chân không lội qua sông lớn mà không biết tiếc thân”?

    - Vì sao dùng người "vào việc mà biết thận trọng, biết mưu tính để thành công"?

3. Đánh giá.

Kết bài:

    - Khẳng định sự sâu sắc trong kinh nghiệm dùng người của Khổng Tử.

    - Rút ra bài học cho bản thân.

khong tư

3. Dàn ý chi tiết

Mở bài:

    - Thời nào cũng vậy, ở vị trí người lãnh đạo, người nắm giữ những trọng trách của cộng đồng, vấn đề dùng người, hợp tác với người như thế nào luôn là vấn đề then chốt tạo sự thành công, thuận lợi cho kế hoạch, mục tiêu đặt ra.

    - Bàn về cách dùng người, Khổng Tử nói: “Kẻ tay không bắt cọp... biết mưu tính để thành công”.

Thân bài:

1. Cắt nghĩa:

    - “Cọp”, “sông lớn”: thiên nhiên hung bạo, đầy bất trắc, hiểm nguy, có khả năng đe doạ trực tiếp tới tính mạng của con người bằng chính sức mạnh tự nhiên, hoang dã, khó có thể kiềm chế hay khuất phục được của nó.

    - “Tay không”, “chân không”: không dụng cụ, phương tiện, không vũ khí trợ giúp; chỉ dùng sức lực, khả năng thể chất của bản thân; đơn độc một mình.

    - “Tay không bắt cọp, chân không lội qua sông lớn” nhìn bên ngoài là một hành động anh hùng của một người có sức mạnh thể chất và sự gan dạ, dũng cảm hơn người; nhìn bên trong là một biểu hiện của một sự phiêu lưu, mạo hiểm, liều lĩnh.

    - “Không biết tiếc thân”: coi rẻ tính mạng của bản thân, sẵn sàng hi sinh tính mạng.

    Đây là cách hành xử của một kẻ nông nổi, cạn nghĩ, kém hiểu biết.

    - “Vào việc mà biết thận trọng, biết suy tính để thành công”: cẩn thận, biết cân nhắc, lựa chọn, suy xét để đảm bảo cho sự thành công chắc chắn.

2. Lí giải:

    - Vì sao không dùng người “tay không bắt cọp, chân không lội qua sông lớn mà không biếc tiếc thân”:

      + Sự mạo hiểm, liều lĩnh có thể đem lại kì tích song những kì tích trong trường hợp đó gắn liền với yếu tố may rủi, không chắc chắn.

      + Người không biếc tiếc thân sẽ sẵn sàng thí mạng. Sự thành công nếu giành được cũng gắn liền với một mất mát, thua thiệt không chỉ cho bản thân mà còn cho cả kế hoạch chung.

      + Trước sức mạnh hoang dại và hung bạo của thiên nhiên, con người dù mạnh mẽ cũng thua về sức mạnh, dù liều lĩnh cũng thua ở sự bất ngờ, khó lường.

    Dùng người như thế cũng là một sự liều lĩnh, phiêu lưu, mạo hiểm, là đánh bạc với sự thành công của mình.

    - Vì sao dùng người “vào việc biết thận trọng, biết mưu tính để thành công”:

      + Cuộc sống vốn phức tạp, lại luôn biến động không ngừng. Để chế ngự và chiếm lĩnh không chỉ cần trí tuệ, sự hiểu biết mà còn cần sự thận trọng cân nhắc, lựa chọn, suy xét thấu đáo.

      + Trong cuộc sống cũng như trong công việc, cái được cái mất, cái hơn cái kém luôn song hành, nhoà lẫn vào nhau. Sự cân nhắc thận trọng, suy xét thấu đáo sẽ giảm thiểu thiệt hại, đạt tới mức độ tối đa của lợi ích.

      + Dùng người thận trọng, biết suy xét, lựa chọn cân nhắc cũng là một biểu hiện của sự thận trọng, khôn ngoan. Khổng Tử cũng từng nói: “tay không bắt cọp, không có thuyền bè mà lội được qua sông, tất cả đều do mưu trí”.

3. Đánh giá:

    - Là bài học về cách dùng người: phải thận trọng cân nhắc cái lợi - cái hại, cái lợi trước mắt và cái lợi lâu dài.

    - Là quan niệm về khả năng của con người: coi trọng khả năng trí tuệ, sự thận trọng khôn ngoan.

    - Gợi mở nhận thức về cách sống, cách hành xử trong cuộc sông, đặc biệt là trước những thử thách đặc biệt do đời sống tạo nên.

Kết bài:

    - Với tư cách của một “vạn thế sư biểu”, đức Khổng Tử đã đúc kết một kinh nghiệm thật sâu sắc về cách dùng người để đem lại thành công chắc chắn mà lại tránh tối đa những thiệt hại, tổn thất có thể có.

    - Từ câu nói của Khổng Tử, có thể thấy vai trò quan trọng của trí tuệ con người trong mọi hoạt động của đời sống. Từ đó mà thấy rằng, sự học là vô cùng cần thiết bởi đó chính là con đường mở rộng trí tuệ, nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng và hoàn thiện sự khôn ngoan trong mỗi con người.

khong tu day

TƯ LIỆU THAM KHẢO

CẦN DẠY THẾ HỆ TRẺ “BIẾT SỢ”

Dạy cho thế hệ trẻ “biết sợ” là góp phần xây dựng một xã hội trật tự, có văn hóa. Việc này phải từ trong gia đình, nhà trường đến xã hội. Giáo dục, thuyết phục, nêu gương là quan trọng, nhưng thực thi pháp luật nghiêm minh cũng là dạy cho tuổi trẻ “biết sợ”. Xã hội cần hiểu đúng về sự “biết sợ” này.

Ông cha ta dạy rằng: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Phải biết kính sợ (tức là kính phục) những người anh hùng tài ba, đức độ, có công trạng lớn đối với nước, với dân; nhưng cũng phải biết kinh sợ (tức là ghê sợ, căm ghét) những kẻ đê hèn, trộm cướp, lưu manh, côn đồ hung hãn, vì chúng là loại cùng đường, sẵn sàng gây tội ác. 

Biết sợ hai điều ấy để mình tồn tại và xứng đáng làm người. Chí lí thay! Tôi cũng rất tâm đắc với lời bình luận của GS. Nguyễn Đăng Mạnh khi ca ngợi nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân: "... Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý” (không biết sự), cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người!”.

Trong tình hình xã hội phức tạp, nhiều giá trị đạo đức bị xuống cấp như hiện nay, thiết nghĩ cần phải dạy cho thế hệ trẻ bốn điều “biết sợ” cơ bản dưới đây:

1. Biết kính sợ những người tài đức

Người tài đức là người có tâm sáng, có khả năng sáng tạo hoặc làm tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt cho đời sống xã hội.

Người có tài đức cũng là người phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, biết hi sinh quyền lợi của bản thân, thậm chí cả tính mạng mình, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự sống của người khác.

Đạo làm người là phải biết kính sợ, biết kính trọng những người có đức, có tài những việc làm tốt đẹp của họ, học hỏi họ để noi theo.

khong tu day do

2. Biết sự cái chết tầm thường, vô ích

Có những cái chết, sự hi sinh vô cùng cao quý, được mọi người kính phục. Đó là cái chết vì nước, vì dân. Bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống ngoại xâm và cả trong xây dựng hòa bình. Rất nhiều thanh thiếu niên đã dũng cảm hi sinh thân mình cứu người khỏi hoạn nạn... Nhưng lại có nhiều người trong giới trẻ ngày nay không biết sợ (ghê sợ) những cái chết tầm thường, vô ích.

Ví dụ như HS tự tử chỉ vì giận dỗi cha mẹ, thầy cô; một số cô gái bị người yêu phụ bạc cũng tự vẫn; lại có những cái chết vô cùng hèn hạ, chết rồi mà vẫn đáng căm giận, đó là những cái chết của những tên trong băng nhóm trộm cướp, côn đồ sát phạt lẫn nhau, chúng coi cái chết nhẹ... tựa lông hồng!

3. Biết sự pháp luật, biết sự mỗi khi làm điều xấu, việc ác

Có rất nhiều thanh thiếu niên không biết sợ, không hề run tay khi làm điều xấu, việc ác. Ngay cả khi chúng bị bắt, phải khai báo trước công an, hay khi đứng trước vành móng ngựa, mặt chúng vẫn lạnh tanh, lì lợm.

Những kẻ gây tang tóc, đau thương cho người khác, thậm chí cả bố mẹ, ông bà của chúng, đích thị là “quỷ sứ”, chúng đáng bị pháp luật trừng trị thích đáng. 

4. Biết sợ khi mình thua kém bạn bè trong học tập, sự nghiệp

Đây là lòng tự trọng chân chính. Sợ mình thua kém bạn bè là điều thực sự cầu thị, nhưng không vì thế mà hằn học, tị nạnh, không tìm kế hại người khác mà phải nỗ lực phấn đấu, vươn lên cho bằng hoặc vượt người ta, để cùng nhau tiến bộ hơn nữa. Đấy cũng là điều “biết sợ”!

Viết bình luận