Văn phân tích: Thơ Duyên

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần.
Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm,
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.

(THƠ THƠ)

Xuân Diệu đã để lại cho đời mấy trăm bài thơ tình. Có thể gọi đấy là bản hợp xướng của những bài ca cuộc sống. Thơ tình Xuân Diệu có đủ mọi cung bậc, từ những rung động ban đầu, cho đến nỗi thương yêu đắm đuối, tương tư, giận hờn, hoài nghi... “Thơ duyên” là khúc nhạc dạo đầu thánh thiện mê li trong bản đại hòa tấu thơ tình Xuân Diệu.

thơ duyên

“Những người yêu nhau thường hay ra giữa thiên nhiên... đó là một quy luật - vì chỉ có kích thước của vũ trụ họa chăng mới đo được cái không-bờ-bến của xúc động tình yêu” (Huy Cận). Chàng trai trẻ Xuân Diệu “lần đầu rung động nỗi thương yêu” đang dạo bước dưới bầu trời thu cao rộng, tâm hồn chàng giao hòa cùng vũ trụ, cây cỏ, hoa lá, chim muông... Trong mắt chàng là một buổi chiều thu đẹp như mơ. “Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân, những hương sắc nảy ra bởi ánh sáng của lòng chàng” (Thế Lữ):

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.”

Buổi chiều thu sao mà đẹp! Hẳn là phải có một chấn động gì đó trong tâm hồn nên thi sĩ mới nhìn cảnh vật xao xuyến đến như vậy. Đất trời đang giao duyên. Chim chóc cặp đôi “ríu rít”. Âm thanh trong trẻo, vui tươi. Màu sắc thì xanh đến tha thiết. Da trời mùa thu xanh ngắt của cụ Nguyễn Khuyên dưới con mắt lãng mạn của Xuân Diệu đã hóa “xanh ngọc”. Tiếng thu ngân lên như “tiếng huyền”, cũng là âm thanh huyền diệu của vũ trụ, của lòng người. Cảnh vật say nghiêng ngả với âm thanh mùa thu:

“Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.”

Con đường dễ thương quá, mà phải là “nhỏ nhỏ” mới thật dễ thương, thì gió mới sa ngã, thì cành hoang mới ngả ngớn với nắng chiều.

Nhà thơ đã mê hoặc chúng ta. Chúng ta đã được say mê với những chuyển động “trên trời”. Nhưng duyên do lại là chuyện “dưới đất”. Có một người đẹp đang lãng đãng với thi nhân dưới buổi chiều thu:

“Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”

Một chút rung động lần đầu “ngàn năm chưa dễ đã ai quên” ấy mà thành thơ, thành nhạc, thành “cặp chim chuyền”, thành “gió xiêu xiêu”... “Tình yêu là thứ tình cảm đã làm cho cả vũ trụ này chuyển động” (Prisvil).

Em với Anh dạo bước trong buổi chiều thu thật là ngoạn mục:

“Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm - nhưng giữa hài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần.”

Tho duyen

Hình ảnh động, như một đoạn phim. Em bước khoan thai điềm nhiên đâu có để ý đến chàng thi sĩ đang “lững đững” theo mình. “Em bước”, “anh đi” đều nhẹ nhàng, nhịp nhàng với hồn của buổi chiều thu. Khoảng cách giữa em và anh đầy ám ảnh. Ta đã từng chứng kiến những khoảng cách “nín thở” giữa anh và em trong thơ Xuân Diệu:

“Có một bận em ngồi xa anh quá
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn
Em xích gần hơn một chút anh hờn
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa. ”

(Xa cách)

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

(Vội vàng)

Đối với Xuân Diệu, tình yêu khi còn khoảng cách thì chàng đã nghĩ đến đích cuối cùng, “anh với em như một cặp vần”, nhưng khi không còn khoảng cách thì chàng lại nghĩ đến cái vô biên:

“Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng
Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm”

(Xa cách)

Loài người càng lên đỉnh cao của thế giới tinh thần thì Xuân Diệu có cơ may được đồng tình.

Bây giờ ta hãy trở lại buổi chiều thu êm ru như “một bài thơ dịu” mà “anh với em như một cặp vần”. Chiều xuống dần, mọi vật càng chuyển động gấp gáp, người-tình-thi-sĩ lắng nghe những rung động tinh vi của lòng mình:

“Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân,
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”

Dù nhà thơ mở rộng không gian lên chiều cao hay vào chiều sâu thì những hình ảnh đang vận động kia như áng mây, con cò, cánh chim, đóa hoa, giọt sương... cũng chỉ là biểu hiện của sự vận động bên trong, của tâm trạng “lần đầu rung động nỗi thương yêu”. Một niềm khát khao giao cảm với đời, mà đời với Xuân Diệu không chung chung tí nào, đời là cái gót sen đang “bước điềm nhiên” kia. Thèm muốn nhưng cũng đầy “phân vân”, con cò đã họa lên nỗi lòng của thi nhân nên “con cò trên ruộng cánh phân vân”. Xuân Diệu đã đặt chân lên mảnh đất của thơ hiện đại, vì xét đến cùng nghệ thuật của thơ hiện đại là nghệ thuật của tâm linh. Tuy Xuân Diệu chưa thoát khỏi “trọng lực” của thơ cổ điển nhưng trong âm điệu cám dỗ của câu thơ thất ngôn, Xuân Diệu cũng đủ trưng bày thế giới tinh thần trẻ trung, cởi mở của thi nhân.

Viết bình luận