Văn phân tích: Enxa trước gương soi
A-ra-gông (1897-1982) là một trong những khuôn mặt tiêu biểu cho thơ hiện đại Pháp, ông cũng là nhà thơ lớn của nhân loại. Đề tài bao trùm trong thơ ông là En-xa Tơ-ri-ô-lê (1896 - 1970), người vợ yêu quý của ông, người đã tái sinh A-ra-gông, là ngọn nguồn của mọi sáng tạo thơ ca và tiểu thuyết của A-ra-gông. Chưa có nhà thơ nào diễn tả một cách say đắm và nồng nhiệt tình yêu vợ khắng khít với tình yêu lí tưởng, tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân như A-ra-gông, mà bài thơ “En-xa trước gương soi” là bài thơ tiêu biểu.
Chọn En-xa là một đề tài rất riêng lại gắn bó với những vấn đề chung như lí tưởng, dân tộc, đất nước và thời đại chứng tỏ A-ra-gông là nhà tư tưởng lớn.
Cách phát triển đề tài của A-ra-gông cũng độc đáo, có khi chỉ là đôi mắt (.Đôi mắt En-xa -1942) hay mái tóc như trong bài thơ “En-xa trước gương soi”. Cho nên thơ bất luận đề tài lớn hay nhỏ, riêng hay chung, thơ cần tài năng và tâm huyết của nhà thi sĩ. Viết về một mái tóc của vợ, một hành vi nhỏ nhặt là chải tóc của En-xa, nhưng khi bút chạm vào giấy, người đọc đã thấy nhà thơ thuộc tầm cỡ nào:
“Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây
Một ngày dài ngồi bên tấm gương soi
Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ
Bàn tay nàng như kiên trì giập lửa
Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây”
Tác giả nói “giữa hồi bi kịch” là vào khoảng 1942, giữa cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, giữa lúc phát xít Đức đánh vào nước Pháp và Pháp bại trận. Nhà thơ phải có thái độ tự tại như thế nào thì mới đặt vấn đề lớn, nghiêm trọng như vậy bên cạnh hành vi sinh hoạt nhỏ nhặt của người vợ. Người chồng nào mà chẳng nhìn thấy người vợ chải tóc, nhưng chỉ có A-ra- gông là phát hiện ra chất thơ của hành vi nữ tính này. Đối lập giữa màu đen tối “giữa hồi bi kịch” là màu vàng của “mái tóc vàng rực rỡ”. Còn gì bình yên hơn khi người đẹp ngồi trước gương chải tóc! Nhà thơ cường điệu cử chỉ chải tóc của En-xa, như là “nàng chải miết...”, “kiên trì” gây ấn tượng đẹp. Và nhà thơ không dẫn đến tự sự mà dẫn đến suy tưởng:
“Bàn tay nàng như kiên trì giập lửa”
Đây là hình ảnh suy tưởng có giá trị mĩ cảm lạ lùng, nó vừa đúng với nhịp điệu chải tóc của En-xa “chải miết mái tóc vàng rực” như lửa, nó vừa gợi đến thời buổi nghiêm trọng của đất nước:
“Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây”
Qua những hình ảnh miêu tả và suy tưởng độc đáo, qua cách cường điệu và điệp cú trong khổ một, nhà thơ muốn đôi lập giữa cái đẹp và cái ác, giữa sự sống và những gì phản lại sự sống. Mái tóc vàng rực rỡ của En-xa vẫn nổi bật lên “giữa hồi bi kịch”. Cuộc đời dù đen tối đến đâu cũng không thủ tiêu được sự vận động của cuộc sống, ví như cử chỉ chải tóc của En-xa.
A-ra-gông muốn xóa nhòa ranh giới giữa Thơ và Tiểu thuyết để cho thơ có dung lượng lớn, nhưng vẫn không đánh mất đặc trưng của thơ bằng cách tăng cường nhạc điệu thơ trong các hình thức tu từ điệp: điệp từ, điệp ngữ, điệp cú, điệp khúc. Chúng ta đã nhận thấy điệp cú ở khổ một gây ấn tượng sâu sắc như thế nào. Sang khổ hai nhà thơ đã nâng lên thành điệp khúc:
“Một ngày dài ngồi bên tấm gương soi
Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ”
Điệp khúc (điệp lại câu 2 và câu 3 của khổ 1) khiến cho cái đẹp cứ hiển hiện như một thách thức trong những ngày đen tối. Và vẻ đẹp của cử chỉ chải tóc, của mái tóc vàng cứ được gia tăng lên bằng suy tưởng độc đáo, lạ lùng:
“Nàng chải miết mái tóc vàng rực rã
Như lơ đãng dạo khúc đàn êm ả
Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây”
Từ hình ảnh, màu sắc, tác giả đã gợi đến âm thanh, khiến ta nhớ đến thuyết “tương ứng” của Bô-đơ-lẹ. Trong nguyên tác A-ra-gông dùng từ “đàn hạc” (harpe). En-xa chải tóc, “nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ” như nhà nghệ sĩ dạo đàn hạc vang lên chuỗi âm thanh êm ả. Điệp khúc “ngay giữa hồi bi kịch” đen tối, nặng nề không đè bẹp được chuỗi âm thanh trong trẻo, huyền diệu của đời sống.
Hình ảnh En-xa chải tóc đã tỏa ra không gian bằng màu vàng rực rỡ, bằng chuỗi âm thanh huyền diệu của đàn hạc và dần dần hình ảnh chải tóc lại lắng vào chiều sâu, vào tâm tưởng:
“Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ
Như cố tình nàng giày vò trí nhớ
Suốt ngày dài ngồi bên tấm gương soi
Khơi bùng lên hoa lửa mãi không thôi
Chẳng nói như ai khi soi gương rực rỡ”
Tác giả đã xáo trộn giữa cái cụ thể là chải tóc với cái trừu tượng là trí nhớ thành một hình ảnh thơ nặng trĩu tâm tư của En-xa ‘Như cố tình nàng giày vò trí nhớ”. Nàng ngồi chải tóc “như lơ đãng” mà trong lòng như lửa đốt. “Bàn tay nàng như kiên trì giập lửa” thì “hoa lửa” vẫn bùng lên:
“Suốt ngày dài ngồi bên tấm gương soi
Khơi bùng lèn hoa lửa mãi không thôi”
Nhìn vào tấm gương soi không phải nàng chăm sóc sắc đẹp của mình (có từ nào miêu tả dung nhan của nàng đâu) mà như nhìn thấy cuộc đời “giữa hồi bi kịch” làm xáo trộn tâm tư của nàng. Có điều là nàng chẳng nói “chẳng nói điều người phụ nữ khác ở địa vị nàng chắc đã nói”. Sự dồn nén của tâm tư đã “bùng lên hoa lửa” (Nguyên văn: hoa đám cháy). Hình tượng thơ diễn tả sự thổn thức trong lòng của En-xa thật là tài tình.
Nhà thơ A-ra-gông, chủ thể trữ tình bật lên thành lời. Ánh lửa của En- xa đã rọi sáng các ngóc ngách trí nhớ của nhà thơ:
“Cuộc đời oái oăm như tẩm gương soi
Chiếc lược phân chia ánh lửa vàng óng ả
Làm lóe sáng trong tôi bao trí nhở”
Trước tấm gương soi, biểu tượng của thế giới đáng nguyền rủa “giữa hồi bi kịch”, nhà thơ đã nhìn bằng cái nhìn của En-xa:
“Một ngày dài ngồi soi vào trí nhớ
Nàng thấy nhòa đi trong tấm gương soi”
Tấm gương soi đã phản chiếu cả một thời đen tối “Nàng thấy nhòa đi trong tấm gương soi” (Nguyên văn: Nàng nhìn thấy xa xa chết đi trong chiếc gương của nàng). Nàng nhìn thấy trong gương bao người đã ngã xuống mà nhà thơ nói một cách bóng bẩy là “các diễn viền của bi kịch chúng ta”. Ân dụ này hết sức sâu sắc vì trong các vở bi kịch thì các nhân vật chính rốt cuộc đều chết.
“Các diễn viên bi kịch của ta đây
Và đấy là các diễn viên ưu tú
Và chẳng nêu tên mọi người đều rõ”
Nhà thơ muốn nhắc đến những người con ưu tú của nước Pháp đã đứng lên chống Phát xít và đã ngã xuống. Họ là những anh hùng hữu danh và vô danh “Và chẳng nêu tên mọi người đều rõ”. A-ra-gông nói như vậy là khéo léo vì nếu kể tên một vài nhân vật ưu tú của cuộc chiến tranh yêu nước đó thì thiếu mà nói như vậy lại đủ. Trong nguyên tác, giọng thơ cay đắng hơn: “Và họ là các diễn viên ưu tú của thế giới đáng nguyền rủa này”.
Khi cái tôi của chủ thể trữ tình xuất hiện thì nhịp điệu của bài thơ cũng thay đổi, từ những điệp cú, điệp khúc thể hiện sự dằn vặt của En-xa khi ngồi trước gương đến điệp từ “và” được lặp lại năm lần sôi nổi, nồng nhiệt thể hiện tình yêu của A-ra-gông đối với đất nước với nhân dân “giữa hồi bi kịch”.
Bài thơ “En-xa ngồi trước gương” của A-ra-gông thuộc loại thơ trí tuệ. Kiến thức thì uyên bác, hình thức thì tân kì, hơi khó đọc, khó hiểu, nhưng không bí hiểm, tắc tị. Đọc kĩ (mà sản phẩm tinh thần đỉnh cao của nhân loại sao có thể đọc sơ lược được) ta sẽ nhận ra những nét đặc sắc của nghệ thuật thơ siêu việt này. Các điệp cú, điệp khúc luôn luôn biến hóa, các từ giàu ý nghĩa (tạm gọi là “nhãn tự’) được lặp lại ở vị trí quan trọng của các câu thơ, như “gương soi” (miroir), “tóc vàng” (cheveux d' or), “trí nhớ” (mémoire), bi kịch (tragédie)... Các tứ thơ lạ cứ nẩy nở dần sau mỗi điệp khúc dẫn người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và điều đáng kính nể là từ đề tài không có gì, rất riêng, nhà thơ không phát triển bài thơ theo hướng tình ái mùi mẫn mà phát triển thành hình tượng thơ chứa đựng tình cảm lớn, tư tưởng lớn. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn, diệu kì giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu với lí tưởng, với đất nước, với nhân dân, A-ra-gông đã mở ra một thời đại mới trong thi ca hiện đại.
Viết bình luận