Văn phân tích: Đồng Chí

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta đã giành được độc lập. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi toàn dân kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược (1946). Nhân dân ta đã hưởng ứng lời hịch cứu nước của Hồ Chủ tịch, hăng hái tham gia kháng chiến. Những con người cùng chung lí tưởng cứu nước đã tập hợp nhau lại và tình cảm mới nảy nở: tình đồng chí. Nhà thơ Chính Hữu, với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ đã sáng tác bài thơ “Đồng chí” (1948) để ca ngợi tình cảm tốt đẹp, cao quý của những người lính kháng chiến. Bài thơ đã được truyền tụng, được ca hát và trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng nhất trong nền thơ ca hiện đại của nước nhà.

đồng chí

Bài thơ có kết cấu lạ. Hai chữ “Đồng chí” đứng riêng thành một dòng thơ, gần như ở giữa bài thơ, riết cái thân bài thơ thành một cái lưng ong (tác giả Chính Hữu gọi là HÌNH BÓ MẠ). Nửa trên là một mảng quy nạp (như thế là đồng chí), nửa dưới là một mảng diễn dịch (đồng chí là như thế này nữa). Một cấu trúc chính luận cho một bài thơ trữ tình không lạ lắm sao!

Chủ đề đồng chí hiện lên trên từng cấu trúc ngôn ngữ, nghĩa là trong từng tế bào thơ. Tôi với anh khi thì xếp dọc:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

khi thì xếp ngang (đều là hàng ngũ của lính):

“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

khi thì điệp điệp:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

Súng là nét thẳng, cứng rắn (thép mà lại!), đường nét của ý chí. Đầu là nét cong (tròn), đường nét của tình cảm. Đầu cũng cứng (cứng đầu mà lại!) nhưng khi “đầu sát bên đầu” thì lại rất mềm, rất thân ái. Họ đã đến bên nhau, “súng bên súng, đầu sát bên đầu” là vì họ cùng chung lí tưởng cứu nước cao đẹp.

Đến đêm rét trùm chung một cái chăn (vì hồi đó bộ đội rất thiếu thốn) thì nhập lại thành “đồng chí”.

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”

Cái chăn đắp lại thì tâm tư mở ra. Họ soi vào nhau. Anh hiểu tôi. Tôi hiểu đến nỗi lòng sâu kín của anh:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay”.

Giải thích sao đây hai chữ “mặc kệ”? Có gì giống với thái độ này không:

“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say”

(Tống biệt hành - Thâm Tâm)

đồng chí 1

Không! Nó đâu có khinh bạc và phiêu du như thế. Ớ ngoài mặt trận mà biết gió lay từng gốc cột của ngôi nhà mình thì không còn chữ nào để diễn tả nổi tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình. Nhưng trước hết phải vì nghĩa lớn. Thái độ nghĩa hiệp ấy gần với Hồng Nguyên (tác giả bài thơ “Nhớ” nổi tiếng), gần với Trần Mai Ninh (tác giả bài thơ Tình sông núi rất hay) trong buổi đầu kháng chiến chông Pháp; gần với Lê Anh Xuân (tác giả bài thơ Dáng đứng Việt Nam, kiệt tác), Nguyễn Mĩ (tác giả bài thơ Cuộc chia li màu đỏ, kì lạ), Trần Quang Long (tác giả bài thơ Thưa mẹ trái tim, bi tráng và cảm động)... trong kháng chiến chống Mĩ.

“Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay”

Là thơ của một tâm hồn “hiệp sĩ” mà cũng là sử thi của một thời gian khổ và oanh liệt.

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài miếng vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Nói lên những nỗi gian khổ của cuộc kháng chiến nhưng không phải tác giả định kể khổ mà chỉ cốt để khắc đậm thêm tình đồng chí. Không phải cái khổ mà là sự đồng khổ mới là điều đáng nói ở đây (Anh với tôi..., Áo anh... Quần tôi...). Và điều gì đã tạo ra sức mạnh như phép lạ cho những người lính vượt qua những gian truân khổ ải đó? Điều đã tạo ra sức mạnh như phép lạ đó chính là tình đồng chí. Gian khổ không làm tắt nụ cười trên môi người chiến sĩ:

“Miệng cười buốt giá”

Trong thơ kháng chiến, ta đã tùng gặp những nụ cười tràn đầy lạc quan như thế:

“Lũ chúng tôi Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một, hai
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến”

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Nụ cười của người lính trong bài thơ của Chính Hữu khó khăn hơn. Trời lạnh, môi khô, nẻ, nhưng đời lính vui, không thể không cười được, mà cười thì môi càng nẻ, càng buốt giá. Hình ảnh “miệng cười buốt giá” diễn tả niềm vui, niềm lạc quan trong gian khó thật là hay.

đồng chí 2

Một hình ảnh nữa thể hiện sự thiếu thốn gian khổ của người lính được diễn tả trong một tứ thơ bỏ lửng tuyệt hay:

“Chân không giày”

Trời lạnh, ở rừng núi mà “chân không giày” thì tội lắm, thương lắm! Biết làm sao? Chỉ còn tình đồng chí sưởi ấm họ:

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

Nắm đôi bàn tay mà ấm cả đôi bàn chân (không giày), chỉ có tình đồng chí mới tạo ra được phép lạ đó!

Họ hiểu nhau đến chiều sâu như thế là để nương tựa vào nhau mà đi đến chiều cao này:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”

Chung nhau một cái chăn là một cặp đồng chí, “áo anh rách vai, quần tôi có vài miếng vá” là một cặp đồng chí, nắm đôi bàn tay mà ấm cả đôi bàn chân là một cặp đồng chí, và đêm nay giữa “rừng hoang sương muối”.

“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới. ”

là một cặp đồng chí, là đỉnh cao của tình đồng chí. Vì nếu đêm nay giữa “rừng hoang sương muối” mà anh hoặc tôi không “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” thì mọi hành vi thân ái kia, như “chung chăn”, như áo rách quần vá, “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” còn có ý nghĩa gì? Câu thơ này có một từ bình thường nhưng không thay thế được đó là từ “đứng”. Có nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ này và sửa lại thành “ngồi”. “Đứng” là thường trực chiến đấu mà “ngồi” là nghỉ ngơi. Với lại. từ “đứng” có âm “đ” cứng, thanh trắc (dấu sắc) mạnh phô diễn được sức mạnh của tình đồng chí ở đỉnh cao.

Nói như thế, nhà thơ cảm thấy hãy còn hữu hạn nên đã chọn một biểu tượng cho cái vô cùng của tình đồng chí:

“Đầu súng trăng treo”

Lãng mạn thay, súng và trăng cũng là một cặp đồng chí! Cặp đồng chí này (súng và trăng) nói về cặp đồng chí kia (tôi và anh), nói được cái cụ thể và gợi đến vô cùng. Súng và trăng, gần và xa “Anh với tôi đôi người xa lạ, Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. Súng và trăng, cứng rắn và dịu hiền; súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ; súng và trăng... là biểu hiện cao cả của tình đồng chí.

Sự kết hợp yếu tố hiện thực tươi rói với tính chất lãng mạn trong trẻo là màu sắc mới mẻ mà Chính Hữu đã sớm mang lại cho thơ ca kháng chiến, thi ca cách mạng.

Viết bình luận